Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Hà Nội: 'Liệu ta có cản trở thành phố phát triển?'

“Mỗi chúng ta trên cương vị công tác hàng ngày cần đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta đã làm hết trách nhiệm bổn phận của mình hay chưa?... Liệu chúng ta có cản trở sự phát triển của thành phố hay không?".

Bí thư Hà Nội: 'Liệu ta có cản trở thành phố phát triển?'

“Mỗi chúng ta trên cương vị công tác hàng ngày cần đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta đã làm hết trách nhiệm bổn phận của mình hay chưa?... Liệu chúng ta có cản trở sự phát triển của thành phố hay không?".

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nêu vấn đề trên trong phiên khai mạc HĐND TP Hà Nội sáng 1/7.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong 6 tháng qua tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước có nhiều thách thức, DN ngừng hoạt động, giải thể gia tăng, ảnh hưởng đến kinh tế và thu nhập của người lao động.

Bí thư Phạm Quang Nghị đề nghị đại biểu tập trung thảo luận đánh giá kết quả cũng như hạn chế trong cải cách hành chính. 

Tuy nhiên với tinh thần năm kỷ cương hành chính, Hà Nội đã đổi mới công tác lãnh đạo điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn. Từ đó kinh tế Thủ đô đã đạt tăng trưởng mức khá, lạm phát kiểm soát tốt hơn, trật tự xã hội có chuyển biến tích cực, chính trị ổn định…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, kết quả thực hiện mục tiêu KTXH của thủ đô đạt được còn thấp, tăng trưởng kinh tế thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch năm; thị trường BĐS tiếp tục đóng băng, nợ xấu có xu hướng tăng, thu ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ; tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm, cải cách hành chính còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu.

Trước tình hình đó, Bí thư Hà Nội đề nghị kỳ họp này cần phải phân tích làm rõ nguyên nhân, đặc biệt những nguyên nhân chủ quan, từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo điều hành, nhằm phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch còn lại trong 6 tháng cuối năm.

Ông Phạm Quang Nghị nhận định: “Nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm rất nặng nề, cần phải tăng cường biện pháp trong thu chi: Quản lý tốt nguồn thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, làm tốt hơn nữa công tác đầu tư thương mại, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội”.

Đặc biệt, ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, cải cách hành chính được xác định là khâu đột phá cần đẩy mạnh hơn. “Nói đến cải cách hành chính trước hết là đề cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trước công việc được giao. Phải rà soát loại bỏ các cơ chế chính sách thủ tục gây phiền hà cho nhân dân và DN. Tăng cường đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm”.

“Mỗi chúng ta trên cương vị công tác hàng ngày cần đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta đã làm hết trách nhiệm bổn phận của mình hay chưa? Chúng ta có thể làm tốt hơn, nhiều hơn những việc mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô yêu cầu hay không? Nghiêm khắc hơn nữa là câu hỏi: Liệu chúng ta có cản trở sự phát triển của thành phố hay không? Nếu mỗi người chúng ta mong muốn được cống hiến thì chúng ta sẽ luôn luôn trăn trở với những câu hỏi đó”.

Bí thư Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá kết quả cũng như hạn chế ở lĩnh vực cải cách hành chính, đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy công tác cải cách hành chính theo tinh thần năm kỷ cương hành chính. Vì chủ trương quan trọng này “không phải là một khẩu hiệu” mà là một “chương trình hành động” hết sức thiết thực.

Bí thư Phạm Quang Nghị cũng đề cập đến chủ trương lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HDND bầu. Đây là lần đầu tiên lấy phiếu và sẽ được thực hiện thường niên nhằm phát huy dân chủ và chức năng giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước.

Ông Nghị lưu ý việc lấy phiếu là công việc rất quan trọng, đòi hỏi mỗi đại biểu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm thực sự vì sự nghiệp chung, xem xét đánh giá người được đưa ra lấy phiếu phải hết sức thận trọng, công tâm, khách quan căn cứ trên hai tiêu chí: năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, kết quả đạt được và phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cá nhân của cán bộ.

Người được lấy phiếu sẽ đối mặt với thử thách, đồng thời cũng là cơ hội để khẳng định rõ hơn uy tín và trách nhiệm trước công việc được giao. Kết quả phiếu là sự ghi nhận động viên những người làm tốt nhiệm vụ, đồng thời nhắc nhở lưu ý những người có khuyết điểm, yếu kém về năng lực, phẩm chất để đội ngũ cán bộ ai cũng phải thường xuyên rèn luyện phấn đấu.

Bí thư Hà Nội còn cho biết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng để Thành ủy “xem xét, quy hoạch, bố trí cán bộ” thông qua phẩm chất, năng lực của mỗi người.

Nguyễn Dũng

Theo Infonet

Nguyễn Dũng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm