Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội diễn ra sáng 29/4, các đại biểu thảo luận, làm rõ những mặt tốt và thiếu sót của công tác cán bộ thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về việc luân chuyển, điều động cán bộ.
Đến 2025, bí thư huyện không phải người địa phương
Trình bày dự thảo Nghị quyết về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho hay đội ngũ cán bộ từ TP đến cấp cơ sở của Hà Nội cơ bản đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, chất lượng, trình độ.
Ông Bảo nói nhận thức một số cấp ủy, địa phương về công tác cán bộ còn yếu, hình thức, nể nang. "Trường hợp yếu kém về năng lực, trì trệ chậm được thay thế", ông Vũ Đức Bảo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch cán bộ chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của thủ đô, công tác đào tạo, bồi dưỡng nặng lý thuyết, thiếu thực tiễn. Việc phân công, điều động có lúc chưa đúng chuyên môn, thậm chí thiếu tiêu chuẩn, điều kiện.
Về giải pháp, ông Vũ Đức Bảo cho biết cấp ủy, tổ chức Đảng sẽ công khai, minh bạch thông tin trong công tác quy hoạch cán bộ, đánh giá cán bộ, và cả nội dung đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật.
Ông Vũ Đức Bảo cho rằng việc phân công, bổ nhiệm ở một số nơi còn thiếu tiêu chuẩn. Ảnh: Đ.X. |
Thành ủy tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định, quy trình công tác cán bộ đảm bảo công bằng, khoa học, thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng. Đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ trẻ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy quản lý đạt 15%, nữ đạt 15%, 40% đạt trình độ tiến sĩ, thạc sĩ...
Đáng chú ý, ông Vũ Đức Bảo cho biết Thành ủy sẽ tăng cường luân chuyển cán bộ, chuyển dọc, chuyển ngang, đảm bảo tiêu chuẩn, chức danh và phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới.
Đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu bố trí bí thư cấp huyện không phải người địa phương rồi sau đó đến chủ tịch UBND cấp huyện và trên 50% bí thư, chủ tịch cấp xã không phải người địa phương để hạn chế tiêu cực.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết cũng đề cập đến việc xem xét, chuyển công tác khác đối với cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, cấp huyện có biểu hiện thiếu tập trung, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ.
Trong đó, ông Bảo nêu rõ sẽ điều chuyển cán bộ khi có biểu hiện "dĩ hòa vi quý, bè cánh gây chia rẽ, có sai phạm nhưng chưa đến mức kỷ luật", dừng các nội dung công tác cán bộ nếu phát hiện cá nhân có sai phạm.
Cơ cấu cán bộ nữ, dân tộc thiểu số
Về dự thảo Nghị quyết về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết dự thảo có nhiều quan điểm, chủ trương mới có tác động trực tiếp tới đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp.
Bí thư Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, sát thực tế để hoàn thiện nghị quyết một cách toàn diện và khả thi.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đặt câu hỏi cán bộ của Hà Nội rất giỏi nhưng sao khi làm việc chưa có hiệu quả. Ảnh: Đ.X. |
Về cơ cấu cán bộ, Bí thư Hà Nội lưu ý Hà Nội là thủ đô, nhưng có nhiều vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, vì vậy công tác cán bộ phải tập trung cơ cấu cho phù hợp, công bằng.
"Cá nhân tôi trong quá trình công tác, khi xem xét đề đạt cán bộ, giữa nam và nữ, 'một 9 - một 10' thì tôi chọn nữ, giữa đồng bào dân tộc với người Kinh mà 'một 8 - một 10' thì tôi chọn người dân tộc", ông Đinh Tiến Dũng nói.
Bí thư Hà Nội nhấn mạnh công tác cán bộ của Hà Nội phải có quan điểm rõ ràng, cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác cán bộ phải luôn gắn với phòng chống tham nhũng. "Vừa đào tạo, nhưng vừa phòng chống, vừa phải mở vừa phải chặn", ông Dũng nói.