Sáng 2/8, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy và lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã đi kiểm tra việc xây dựng bệnh viện dã chiến ở Cung thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định dịch Covid-19 đang lây lan rất nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu (ngày 25/7), đến nay trên địa bàn thành phố đã có hơn 100 người mắc bệnh.
Bệnh viện dã chiến là nơi điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân
Theo ông Nghĩa, cả tuần qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã xác định việc phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất. Ông nói đây là lần đầu tiên, thành phố phải xây dựng bệnh viện dã chiến quy mô lớn nhất nước để ứng phó với dịch bệnh.
Báo cáo với Bí thư Thành ủy, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, cho biết đơn vị thi công đã vận chuyển hơn 100 tấn vật liệu vào Cung thể thao Tiên Sơn để triển khai lắp đặt các phòng, giường bệnh. Hơn 100 công nhân sẽ làm việc 24/24 giờ để đảm bảo hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Bí thư Trương Quang Nghĩa (thứ 2 từ trái qua) khảo sát bệnh viện dã chiến sáng 2/8. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Về quy mô, bà Yến cho biết đơn vị dự kiến lắp ráp 1.500 - 2.000 giường bệnh (mỗi giường bệnh khoảng 4 m2). "Nếu tận dụng hết diện tích 4 tầng nổi và các phòng chức năng có sẵn ở Cung thể thao Tiên Sơn thì bệnh viện dã chiến sẽ đủ chỗ để khám và điều trị cho khoảng 2.400 bệnh nhân", bà Yến thông tin.
Cũng theo người đứng đầu Sở Y tế, bệnh viện này sẽ hoạt động bằng hệ thống thông gió tự nhiên và mỗi cabin được bố trí thêm 1 cái quạt. Về thiết bị phục vụ bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết không gặp vấn đề, tuy nhiên, sở hiện gặp khó trong sắp xếp bộ máy nhân sự cho bệnh viện.
Sở Y tế đã giao một phó giám đốc phụ trách công tác hậu cần, tổ chức và phân công, điều động người. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu một phó giám đốc phụ trách chuyên môn. Bà Yến cho biết đang làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn để điều động một nhân sự như vậy về Đà Nẵng hỗ trợ.
"Với tiến độ này thì khoảng 4 ngày nữa sẽ lắp xong bệnh viện dã chiến. Đến thứ 5 tuần sau, các chuyên gia Bộ Y tế và Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thẩm định, sau đó chúng tôi sẽ hoàn thiện việc lắp đặt các thiết bị y tế. Khoảng cuối tuần, bệnh viện dã chiến sẽ đón các trường hợp F1, F2 vào cách ly, điều trị", bà Yến cho biết.
Giải tỏa áp lực cho 3 bệnh viện lớn
Người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo các sở: Y tế, Xây dựng và đặc biệt là hơn 100 công nhân phải nỗ lực hơn nữa, chia nhau làm việc 3 ca cả ngày lẫn đêm để sớm đưa công trình này vào hoạt động.
Ông Nghĩa yêu cầu trong thời gian thi công bệnh viện thì thành phố phải thực hiện song song việc mua sắm trang thiết bị để khi các cơ quan Trung ương thẩm định xong thì hoàn thiện ngay việc lắp đặt.
Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng tại Cung thể thao Tiên Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Số lượng người mắc Covid-19 đang tăng nhanh. Những trường hợp F1, F2 cũng nhiều nên nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải làm xong công trình càng sớm càng tốt để đón bệnh nhân vào cách ly, điều trị. Việc hoàn thành sớm công trình sẽ giải tỏa áp lực cho 3 bệnh viện lớn, gồm: Đà Nẵng, Chỉnh hình và Phục hồi chức năng và Bệnh viện C", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Chỉ đạo các đơn vị tại công trình, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế phải giải quyết ngay vấn đề về bộ máy vận hành bệnh viện, đảm bảo quy trình dây chuyền để các y tá, bác sĩ di chuyển một luồng, bệnh nhân đi đường khác, không để lây nhiễm chéo.
Người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP phối hợp chặt chẽ với đơn vị xây dựng để đảm bảo công tác vận chuyển vật liệu, vật tư từ các tỉnh về Đà Nẵng được thuận lợi. Đồng thời, nhà thầu có nhiệm vụ đảm bảo giữ sức khỏe, giãn cách xã hội cho công nhân trong quá trình thi công.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng yêu cầu UBND TP và các đơn vị liên quan chuẩn bị khảo sát thêm trung tâm triển lãm để khi cần thiết sẽ xây thêm bệnh viện dã chiến. "Đó cũng là nơi có không gian rất tốt, tương đối thuận lợi để làm nên phải xem luôn", ông Nghĩa lưu ý Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan.