Ngày 27/8, Văn phòng Thành ủy Cần Thơ thông báo kết luận của ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Cần Thơ.
Trước đó ông Mạnh đã chủ trì cuộc họp, chỉ đạo giải quyết việc tổ chức giao thông, kiểm soát dịch Covid-19 và hoạt động giao thông vận tải.
4 việc cần làm ngay
Người đứng đầu Thành ủy yêu cầu UBND TP Cần Thơ tiếp tục quán triệt nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tăng cường biện pháp, phòng chống dịch Covid-19.
UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị đảm bảo hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, mọi lúc, mọi nơi và tuân thủ quy định về an toàn phòng, chống dịch.
Điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa trên quốc lộ 1. Ảnh: Đình Đình. |
Ông Mạnh yêu cầu UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Sở Công thương và Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thực hiện ngay 4 công việc.
Thứ nhất, hướng dẫn phân luồng cụ thể phương tiện không thực hiện việc giao, nhận hàng hóa tại Cần Thơ.
Thứ hai, tổ chức điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa tại khu công nghiệp, siêu thị để giảm áp lực ùn tắc giao thông tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa tại vị trí cửa ngõ ra, vào thành phố.
Thứ ba, làm việc với doanh nghiệp kinh doanh vận tải để trao đổi, thống nhất phương án quản lý việc cách ly, sinh hoạt của người trên phương tiện là tài xế, phụ xe khi tham gia việc giao nhận hàng hóa ở TP Cần Thơ.
Thứ 4, lập danh sách cụ thể và test nhanh hoặc bằng phương pháp rRT-PCR 2 ngày/lần đối với tài xế, người phục vụ trên xe do Sở Giao thông Vận tải quản lý và nhân viên vận chuyển, giao nhận hàng hóa (shipper) do Sở Công Thương quản lý.
Các phương tiện đã đăng ký, đáp ứng đủ các thủ tục cần thiết đều được giải quyết vào trung tâm Cần Thơ. Ảnh: Đình Đình. |
Xe vào Cần Thơ vẫn phải đăng ký trước
Theo ghi nhận ngày 27/8, điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa khu vực trung tâm TP Cần Thơ nằm trên quốc lộ 1, không còn cảnh "sang hàng, đổi tài xế".
Tài xế Phạm Văn Tấn (giao gas từ Tiền Giang đến Cần Thơ) cho biết chỉ cần đáp ứng đầy đủ thủ tục và giấy tờ sẽ, tài xế và phương tiện được giải quyết và công đoạn này mất vài phút.
Còn tài xế Thái Như Thuận, chở hàng thực phẩm từ TP.HCM đến Cần Thơ nhưng chưa đăng ký trước, đã phải chờ phía công ty hoàn tất thủ tục.
“Xe có 'luồng xanh' đi các tỉnh được nhưng tới Cần Thơ chưa có đăng ký trước và không có giấy Sở Công Thương cấp nên chưa được vào trung tâm”, tài xế này nói.
Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, ngày 26/8, Sở đã có hướng dẫn đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông vào thành phố.
Tài xế, doanh nghiệp đăng ký trực tuyến qua trang thông tin điện tử của Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương và Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp.
Cơ quan chức năng sẽ tổng hợp, phân loại và cập nhập trên hệ thống dữ liệu tra cứu và chuyển cho Công an TP Cần Thơ, Thanh tra giao thông và UBND quận, huyện đang quản lý các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa để kiểm tra, kiểm soát.
Mỗi ngày 3 lần, Sở Giao thông Vận tải đồng bộ dữ liệu đăng ký trên hệ thống và ghi nhận vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát sinh để hướng dẫn, giải quyết kịp thời cho tài xế.
“Sở Giao thông Vận tải họp cùng các đơn vị liên quan, xây dựng phương án đảm bảo cho phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông thuận lợi, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ”, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nói.
Hai ngày trước, các phương tiện bị ùn ứ trên quốc lộ 1. Ảnh: Đ.Đ. |
Nhiều ngày gần đây, Cần Thơ xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa ở khu vực bến xe trung tâm nằm trên quốc lộ 1.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, lý giải nhiều phương tiện đến TP Cần Thơ giao nhận hàng hóa cùng một thời điểm, dẫn đến tình trạng trên. Một số trường hợp giao nhận hàng hóa diễn ra chậm, đặc biệt cùng lúc một số phương tiện đi qua TP Cần Thơ nhưng lại vào luồng xe vào điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa của thành phố.
Cũng theo ông Hè, các phương tiện vận chuyển hàng hóa vào TP Cần Thơ đều phải đăng ký trước. Việc này giúp lực lượng chức năng nắm thông tin để phân luồng, hướng dẫn, hỗ trợ phương tiện được thuận lợi, thông suốt và tránh ùn tắc giao thông, đồng thời kiểm tra phòng, chống dịch đối với lái xe và người đi cùng.
“Việc đăng ký này không phải là thủ tục xin 'giấy phép con' mà là hình thức thông tin của doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng của thành phố biết, để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khi doanh nghiệp thực hiện giao nhận hàng hóa được thuận lợi”, ông Hè nêu.