Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Bến Tre: Tạo điều kiện thuận lợi nhất để sớm khôi phục sản xuất

Để phục hồi sau dịch, Bến Tre coi nông nghiệp là trụ đỡ và đặt mục tiêu sớm nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa để tiêu thụ sản phẩm.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, Bến Tre đã vượt qua nhiều khó khăn; bước đầu kiểm soát được làn sóng lây nhiễm. Đây là là một trong 8 tỉnh, thành phố được Thủ tướng đánh giá kiểm soát tốt dịch bệnh.

“Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; từng bước khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép tiến tới xanh hóa toàn tỉnh…” là những mục tiêu chiến lược được ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đặt ra nhằm bảo vệ thành quả bước đầu và tiến tới ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đã xác định.

Tập trung thực hiện "mục tiêu kép"

Đến ngày 14/9, toàn tỉnh Bến Tre có 1.657/1.840 người mắc Covid-19 đã được điều trị khỏi bệnh. Số trường hợp mắc mới giảm chỉ còn một vài ca. Phần lớn các huyện, thành phố trên địa bàn đã chuyển sang trạng thái bình thường mới với “vùng xanh”; hoạt động sản xuất - kinh doanh bắt đầu khôi phục.

Để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bền vững; sớm ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đã xác định.

Khoi phuc san xuat sau dich Ben Tre anh 1

Bí thư Tỉnh ủy Bên Tre Lê Đức Thọ kiểm tra thực tế tiến độ dự án đầu tư xây dựngKCN Phú Thuận. Ảnh: Tạp chí Xây Dựng Đảng.

Mỗi xã, phường, thị trấn tiếp tục được là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” chung sức thực hiện mục tiêu kép. Đồng thời, các cơ quan chức năng được yêu cầu tập trung nghiên cứu giải pháp, chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Theo ông Thọ, sự tham gia, chấp hành của người dân đóng vai trò quyết định sự thành công trong phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19 và phát triển kinh tế gia đình.

“Tỉnh Bến Tre chỉ có thể thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” khi và chỉ khi người dân thực sự tham gia vào cuộc và tích cực thực hiện một cách chủ động, tự giác; do đó chiến thắng dịch bệnh Covid-19 và chiến thắng trong phát triển kinh tế - xã hội đều là chiến thắng của nhân dân”, người đứng đầu Đảng bộ Bến Tre cho biết.

Lấy nông nghiệp là nền tảng phục hồi

Theo số liệu thống kê, 9 tháng năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Bến Tre chỉ đạt 22.200 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ ngừng hoạt động do không bảo đảm vừa sản xuất vừa chống dịch. Lượng du khách giảm 66% và doanh thu giảm gần 63% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện chỉ có 666 doanh nghiệp đang sản xuất - kinh doanh (đạt tỷ lệ 16%). Trong đó, 230 đơn vị hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với tổng số 15.597 lao động. Phần lớn số doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng; một số khác thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu lao động...

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là “bệ đỡ”, là kho lương thực cần thiết cho “mặt trận” phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Điều này phù hợp với điều kiện của các địa phương có ưu thế về nông nghiệp như Bến Tre.

Khoi phuc san xuat sau dich Ben Tre anh 2

Chế biến nông sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Giao Long, Bến Tre. Ảnh: Tạp chí Xây Dựng Đảng.

Tỉnh đã xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực là heo, bò, tôm biển, dừa, bưởi, chôm chôm, nhãn, cây giống - hoa kiểng... Đặc biệt, hơn 74.000 ha trồng dừa và trên 1.950 ha nuôi tôm công nghệ cao đang là tiềm năng và lợi thế để tỉnh phấn đấu khôi phục phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian sớm nhất.

Để đạt “mục tiêu kép”, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh ngành nông nghiệp cần chủ động điều chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất đồng thời huy động lực lượng để kịp thời tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân theo phương châm lấy ngắn nuôi dài; chuẩn bị hàng hóa cung cấp cho thị trường trong thời gian sắp tới và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đồng thời, ông yêu cầu thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung nhằm bảo quản tốt nông sản và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp.

Nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế do giãn cách xã hội kéo dài. Do đó, để các doanh nghiệp hoạt động trở lại, ông Lê Đức Thọ nhấn mạnh việc cơ quan chức năng phải khẩn trương có giải pháp hỗ trợ tín dụng, thúc đẩy nhanh tìm thị trường nguyên liệu/thị trường tiêu thụ mới cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí… để giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp cũng được yêu cầu tập trung. Việc đảm bảo thị trường lao động phục vụ cho doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng là yếu tố cấp bách cần quan tâm.

“Doanh nghiệp cần có giải pháp thích nghi, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế; đồng thời, phải chủ động tái cơ cấu về quản trị, điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh”, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Bến Tre nói.

Sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, được ông Lê Đức Thọ yêu cầu được khẩn trương phục hồi và kết nối trở lại, nhất là lưu thông vận tải, khôi phục và mở cửa hoạt động buôn bán hàng hóa một cách khoa học và chặt chẽ.

Theo đó, ngành giao thông tỉnh được giao nhiệm vụ tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp vận tải xây dựng phương án hoạt động trở lại.

Các huyện, thành phố cần bố trí địa điểm bốc, dỡ hàng hóa tại xã, phường, thị trấn; tiếp tục triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu thông qua ứng dụng thương mại điện tử.

Ngoài ra, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công, tuyệt đối không để ảnh hưởng, trì trệ tiến độ dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Song song đó, phải chủ động điều chỉnh, điều chuyển vốn những dự án chậm giải ngân sang những dự có tiến độ tốt.

Đồng thời, 11 dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra cũng được yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ như: Cầu Rạch Miễu 2, tuyến đường ven biển, khu kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre và các nhà máy điện gió…

Bến Tre và Sóc Trăng nới lỏng giãn cách xã hội

Gần 2 tháng áp dụng Chỉ thị 16, Bến Tre nới lỏng giãn cách toàn tỉnh. Còn Sóc Trăng chuẩn bị chuyển 10 phường vùng vàng thành vùng xanh.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm