Theo CNN, các công ty đang đối mặt với trào lưu quiet quitting (tạm dịch: âm thầm nghỉ việc) của người lao động. Cuộc khảo sát của ResumeBuilder.com chỉ ra 21% người lao động Mỹ cho biết đã ngừng cống hiến cho công việc. Nó trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm thời gian gần đây.
Tuy nhiên, không chỉ có "quiet quitting" mà “quietly fired” (tạm dịch: bị sa thải trong âm thầm) cũng đang dần trở nên phổ biến. Có rất nhiều người để cập đến việc nhân viên thiếu sự cống hiến, chỉ làm đủ việc rồi ra về. Thế nhưng lại ít ai nói đến việc nhân viên đang bị nhà quản lý cô lập, thiếu sự sát sao.
Câu chuyện bắt đầu nhận được sự chú ý khi một chuyên gia tuyển dụng chỉ ra những dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị sa thải trong lặng lẽ.
Bà Bonnie Dilber, giám đốc tuyển dụng của Zapier, cho biết “sa thải trong im lặng” đang xảy ra “mọi lúc” và “tràn lan”. Đó là lý do tại sao nó nên được quan tâm nhiều hơn so với chủ đề “nghỉ việc trong im lặng”. Dilber đã có một bài viết dài đăng tải trên mạng xã hội của mình để nói về vấn đề này.
Những dấu hiệu một nhân viên đang bị quietly fired đó chính là:
- Không nhận được phản hồi, lời khen ngợi.
- Chỉ được tăng lương ở mức 3% trở xuống, trong khi những người khác nhận được nhiều hơn.
- Không được tham gia các dự án trọng tâm. Đồng thời, bạn cũng bị cắt giảm khối lượng công việc mà không có lý do chính đáng.
- Bị phớt lờ các cuộc trò chuyện 1:1 giữa cấp trên và nhân viên để nói về tiến độ công việc hoặc quá trình thăng tiến.
Những điều này dẫn đến người lao động thất vọng đến mức bỏ việc.
Giống như bỏ việc trong im lặng, bị sa thải lặng lẽ cũng đưa nhân viên vào những tình huống bị động. Trong trường hợp này họ hoàn toàn bị phụ thuộc vào hành động của người khác, đặc biệt là từ cấp quản lý.
“Điều này tác động rất lớn đến nhân sự. Đến cuối cùng họ sẽ có cảm giác mình không đủ năng lực, bị cô lập, không được đánh giá cao. Kết quả họ buộc phải đi tìm một công việc mới. Trường hợp khác, khi gặp những tác động tiêu cực từ cấp trên, họ sẽ làm việc không đảm bảo hiệu suất. Sau đó những nhân sự này bị công ty chấm dứt hợp đồng để ra đi”, bà Dilber nói thêm trên bài đăng của mình.
Bà Bonnie Dilber cho rằng bạn nên chọn cách đối mặt trực tiếp khi bị cấp quản lý sa thải lặng lẽ. Ảnh: Pexels. |
Những chia sẻ của Dilber nhanh chóng nhận được 20.000 lượt tương tác và hàng trăm bình luận thể hiện sự đồng tình. Nhiều người trong số đó bày tỏ họ đã phải trải qua điều này ở nơi làm việc.
“Điều này đã xảy ra với tôi. Tôi đã bị gạt ra ngoài các dự án, bị hắt hủi, bị cô lập, bị phớt lờ. Tôi đã trải qua cảm giác cánh cửa đóng sầm vào mặt mình trong các cuộc họp quan trọng mà lẽ ra tôi nên tham gia”, một người dùng để lại bình luận.
"Thật là đau đớn và xấu hổ khi liên tục hỏi mọi người chuyện gì đang xảy ra”, một người khác nói.
Những người khác cho rằng cả 2 xu hướng “nghỉ việc trong im lặng" và “sa thải lặng lẽ" đều là dấu hiệu cho thấy cần có sự minh bạch hơn giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Dilber đề xuất các công ty nên xem xét các phương thức quản lý nhân sự của họ. Không ai muốn bị sa thải một cách lặng lẽ bởi những nhà quản lý kém, những người không muốn làm công việc hỗ trợ và đào tạo cho những nhân viên của mình.
Dưới bài đăng của mình, bà Dilber khuyên những ai đang phải đối mặt với tình huống này tại môi trường làm việc hãy học cách đối diện với nó.
“Không nên kéo dài. Chúng ta cần phải đủ dũng cảm để có những cuộc trò chuyện thẳng thắn với cấp quản lý", cô cho biết.