Kết quả của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam luôn mang đến bất ngờ, tuy nhiên đâu đó vẫn có những điểm tương đồng giữa những cô gái từng đăng quang tại cuộc thi này.
Chiều cao nổi trội
Hẳn khán giả vẫn còn nhớ sự đăng quang của những thí sinh cao nhất trong 2 mùa thi liên tiếp với Mai Phương Thúy (2006 - 1,80 m) và Trần Thị Thùy Dung (2008 - 1,78 m).
Và những cựu hoa hậu cũng thuộc nhóm những thí sinh có chiều cao nổi trội (từ 1,72 đến 1,76 m) như Nguyễn Thị Huyền (2004), Nguyễn Cao Kỳ Duyên (2014) và các á hậu trước đây có thể kể tên đến như Vũ Minh Thúy (1996), Trịnh Chân Trân (2004), Đỗ Hoàng Anh (2012) hay Nguyễn Trần Huyền My (2014).
Mai Phương Thúy là thí sinh cao nhất tại Hoa hậu Việt Nam 2006. Ảnh: BTC |
Không chỉ ở những cuộc thi trong nước, mà kể cả những cuộc thi nước ngoài BTC luôn đề ra quy định quan trọng về tuổi tác và chiều cao. Riêng phần số đo 3 vòng và cân nặng càng về sau này càng không còn được chú trọng, nhiều khi vấp phải sự phản đối của các tổ chức nữ quyền về việc cân đo hình thể các nữ thí sinh.
"Hủ tục" này vẫn còn tồn tại ở Việt Nam và một số nước khác ở Mỹ Latin, Philippines, Thái Lan; nhưng nó gần như bị bỏ qua ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc, và các quốc gia Hồi giáo thế tục (Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập...).
Vì vậy cao trên 1,72 m là một lợi thế tại Hoa hậu Việt Nam.
Tuổi trẻ là một lợi thế
Trước năm 2004, thí sinh chỉ cần từ 16 tuổi trở lên là có thể tham dự các cuộc thi sắc đẹp. Từ năm 2004, quy chế cuộc thi được thay đổi, thí sinh phải từ 18 tuổi trở lên và đã tốt nghiệp trung học phổ thông.
Từ đó đến nay, chúng ta dễ dàng thấy được độ tuổi đẹp nhất để đăng quang ngôi vị hoa hậu là trong khoảng từ 17 đến 19 tuổi (Phạm Thị Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy, Trần Thị Thùy Dung, Nguyễn Cao Kỳ Duyên). Và độ tuổi được xem là "lão làng" là 21-22 tuổi (Đặng Thị Ngọc Hân, Đặng Thu Thảo).
Nếu cô gái nào tham dự ở tuổi 24 thì chắc chắn được danh hiệu "chị cả" và không còn hy vọng để đăng quang ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Trong khi đó ở nước ngoài, độ tuổi 23-25 được xem là "đủ độ chín" nhất của một hoa hậu.
Không phải ngẫu nhiên mà ban tổ chức của cả Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ đều lần lượt nâng độ tuổi giới hạn lên lần lượt 26 và 28 - thay thế cho quy định 24 và 27 tuổi trước đây.
Thành tích học tập đáng nể
Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam luôn tự hào về thành tích học tập của các cựu hoa hậu trước đây, tất nhiên là trừ trường hợp của Trần Thị Thùy Dung.
Chúng ta có thể sơ lược qua một số cái tên như Nguyễn Cao Kỳ Duyên, sinh viên năm thứ nhất lớp Pháp 1, khoa Kinh tế Đối ngoại, trường Ngoại Thương - một trong những trường đại học danh giá nhất Việt Nam.
Năm 2006, Mai Phương Thúy đã trúng tuyển vào ngành Kinh tế Đối ngoại của trường Đại học Ngoại Thương với số điểm 24,5. Trong đó, môn tiếng Anh đạt điểm cao nhất (9), văn đạt 7,5 và toán đạt 8 điểm. Cô cũng giành được học bổng và là sinh viên giỏi ở đại học RMIT.
Hay như hoa hậu Đặng Thu Thảo đạt 20,5 điểm, đỗ hệ Cao đẳng, chuyên ngành Tài chính – Kế toán của Đại học Tây Đô.
Còn Đặng Thị Ngọc Hân trúng tuyển Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với số điểm 36,5 - thừa 4,5 điểm so với điểm chuẩn năm đó. Cô tốt nghiệp đại học loại giỏi với số điểm 9,32, xếp thứ 3 toàn trường.
Ngọc Hân là một trong những Hoa hậu Việt Nam có thành tích học tập tốt nhất. Ảnh: BTC |
Hoa hậu Phạm Thị Mai Phương và Nguyễn Thị Huyền sau khi đăng quang đã đi du học ở Anh quốc.
Trong khi ở những cuộc thi quốc tế, thậm chí là ở Hoa hậu Thế giới hay Hoa hậu Hoàn vũ, họ không đặt nặng vấn đề thành tích học tập và cũng không có quy định về trình độ học vấn như ở Việt Nam.
Lấy ví dụ trường hợp của Dayana Mendoza (Hoa hậu Hoàn vũ 2008) đã bỏ học từ năm 15 tuổi để theo nghiệp người mẫu. Tại Hoa hậu Thế giới, một số thí sinh còn ngồi trên ghế trung học phổ thông, chưa đậu tú tài nhưng vẫn đăng quang như Denise Perrier (Pháp), Taťána Kuchařová (Cộng hòa Czech), Alexandria Mills (Mỹ)...
Một bản lý lịch "sạch"
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nay ghi nhận việc ban tổ chức đã rất mạnh tay khi loại thẳng thí sinh trước vòng chung kết vì vấn đề thẩm mỹ răng hay gian dối hồ sơ.
Các thí sinh lọt vào vòng chung kết toàn quốc sẽ được gửi hồ sơ để công an điều tra về phần nhân thân, học tập trước đây. Chính vì vậy mà đã có nhiều thí sinh để tuột mất vương miện như trường hợp của á hậu H.M. khi bị phát hiện ảnh đi diễn nội y ở quán bar là một ví dụ.
Hoa hậu Việt Nam năm nào cũng đối mặt với rất nhiều đơn thư tố cáo, thật có giả có, nên đây luôn luôn là một vấn đề "nhức nhối" của ban tổ chức. Tất cả đều là những chiêu trò của các ông bầu, người nhà thí sinh khác để hạ bệ đối thủ.
Điểm mặt những cái tên sáng giá
Từ những lập luận ở trên thì dễ dàng thấy tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, thí sinh Ngô Thanh Thanh Tú (SBD 246, Hà Nội) đã đáp ứng được về chiều cao, thành tích học tập, học ngoại giao, biết ngoại ngữ, gia thế tốt. Nhưng độ tuổi 22 có trở ngại cho cô hay không thì phải đợi kết quả cuối cùng.
Ngoài ra, người đẹp Cửa Lò - Đào Thị Hà (19 tuổi, SBD 094, Nghệ An) với chiều cao 1,75 m, gương mặt đẹp cũng nổi lên như một ứng viên sáng giá.
Thí sinh Thanh Tú (ảnh trái) và Đào Thị Hà. Ảnh: BTC |
Cùng có chiều cao 1,71 m, trong độ tuổi đẹp 19-20 là hai thí sinh Huỳnh Thị Thùy Dung (SBD 015, Sài Gòn) và Phùng Bảo Ngọc Vân (SBD 268, Hà Nội) . Cả hai được đánh giá rất cao về thành tích học tập và khả năng ngoại ngữ nhưng nếu để đăng quang thì có phần khó thuyết phục công chúng.
Hoa hậu Việt Nam luôn luôn có bất ngờ, đến phút chót còn có sự đổi ngôi. Tất cả sẽ được tiết lộ vào tối 28/8 tại chung kết trao giải chính thức.