Trong số đó, cụ bà Nguyễn Thị Trù, 122 tuổi được tổ chức World Records Association (WRA) chính thức công bố là “Cụ bà cao tuổi nhất thế giới”.
Cụ Nguyễn Thị Trù được xác nhận cao tuổi nhất thế giới. Ảnh: Trường Nguyên. |
Theo các giấy tờ chính thức, cụ Nguyễn Thị Trù sinh năm 1893 tại Sài Gòn (sống xuyên 3 thế kỷ là 19, 20, 21).
Hiện người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam sống tại ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM với con dâu út là bà Nguyễn Thị Ba (76 tuổi). Người cao tuổi nhất thế giới có 11 người con (nay chỉ còn 2 người), 20 cháu nội ngoại, 20 chắt và hơn 30 chít.
Theo bà Nguyễn Thị Ba (con dâu), trước đây cụ Trù chia sẻ bí quyết sống lâu rất giản đơn là "ăn đúng bữa, biết thương yêu giúp đỡ mọi người, sống thoải mái để tâm hồn được thanh thản".
Cụ ông Y'N Dông ngồi ghế bên trái cùng vợ và con cháu. Ảnh: Tiền Phong. |
Năm 2014, cụ Y’N Dông - dân tộc Mơ Nông, sống tại Bon Jâng Plây I, xã Trường Xuân (Đắk Song, Đắk Nông) 116 tuổi được xác lập là người đàn ông cao tuổi nhất Việt Nam.
Năm 2015, cụ Y’N Dông bước sang tuổi 117 nhưng sức khỏe vẫn khá tốt. Người đàn ông cao tuổi nhất Việt Nam đi lại nhanh nhẹn, trí nhớ minh mẫn. Vợ là cụ bà H’Dơi (94 tuổi). Hai cụ sinh được 14 người con nhưng hiện chỉ còn 7 người với 44 cháu và 20 chắt.
Bà H’Đơi - vợ của người đàn ông cao tuổi nhất Việt Nam cho biết, ông Y'N Dông hiền, không la vợ đánh con bao giờ. Ông cũng không uống rượu, hút thuốc. "Hồi trẻ ổng suốt ngày đi rẫy, tối về lại hát kể sử thi từ đêm này qua đêm khác. Chắc nhờ vậy mà ổng sống lâu".
Hai anh em cao tuổi nhất Việt Nam Trần Đình Long (sinh năm 1909) và Trần Đình Liên (1912 sinh năm). Ảnh: Công an nhân dân. |
Theo công bố của Tổ chức kỷ lục Việt Nam năm 2014, anh em cao tuổi nhất Việt Nam thuộc về Trần Đình Thăng (sinh năm 1909) và em trai Trần Đình Liên (sinh năm 1912). Họ đang sống ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Cụ Trần Đình Thăng sinh được một người con tên Trần Thi Mai sinh năm 1957, đang ở Quảng Trị.
Cụ Trần Đình Liên sinh được 4 người con. Con cả là ông Trần Đình Hằng sinh năm 1942, bà Trần Thị Lựu sinh năm 1945, bà Trần Thị Tình sinh năm 1961, bà Trần Thị Lê sinh năm 1961. Tất cả các con của cụ Liên đều đang sống tại Quảng Trị.
Hai anh em cao tuổi nhất Việt Nam chia sẻ bí quyết trường thọ là sống điều độ và được con cháu quan tâm hết mực.
Hai cụ Đinh Thị Xa (102 tuổi) và Đinh Thị Long (94 tuổi). Ảnh: Tuổi Trẻ |
Ngày 17/1/2015, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục S100 cho chị em ruột cao tuổi nhất Việt Nam: Đinh Thị Xa (102 tuổi) và Đinh Thị Long (94 tuổi) tại khu phố 5, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Hai cụ sinh ra trong gia đình gồm 7 chị em, hiện có 5 cụ còn sống, và đều trên 90 tuổi.
Cụ Xa là chị cả của gia đình, em gái kế cụ Xa năm nay đã 98 tuổi nhưng đang định cư ở nước ngoài. Vì vậy, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Nam quyết định trao bằng xác lập kỷ lục chị em ruột cao tuổi nhất Việt Nam cho cụ Xa và cụ Long.
Tại buổi lễ, hai chị em cao tuổi nhất Việt Nam cho biết, nhờ sự chăm sóc quan tâm, hòa thuận của con cháu, cùng với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ nên cả hai có thể sống lâu như vậy.
Cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam. Ảnh: Lao động |
Cũng trong năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Ban đại diện Hội người cao tuổi Quảng Trị đã phát hiện thêm trường hợp cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Cặp vợ chồng cao tuổi nhất là cụ bà Trần Thị Cháu (sinh ngày 18/10/1908) – 106 tuổi và cụ ông Trương Triêm (sinh ngày 15/10/1910) - 104 tuổi. Chứng minh nhân dân của cả hai được cấp vào ngày 17/4/1979. Trường hợp này khá đặc biệt vì tuổi của cụ bà cao hơn 2 tuổi so với cụ ông.
Cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam sống tại Khu phố 2, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Hai vợ chồng sinh được 7 người con. Họ có 21 cháu nội, ngoại cùng 19 chắt.
Hai cụ chia sẻ phương pháp sống lâu là ăn phải nhớ công lao của người khác và công sức mình đã bỏ ra, làm gì cũng phải lấy chữ đức đi đầu. Còn bí quyết để hai vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau đến “đầu bạc răng long” chính là sự chia sẻ, quan tâm lẫn nhau.