Đo từng lạng, đếm từng mớ
Đang đứng chờ bác bán thịt lợn cắt cho bốn lạng ba chỉ ngoài chợ Nghĩa Tân, chị Vũ Thu Thủy ở Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được điện thoại của chồng, báo tối nay cơ quan tổ chức liên hoan nên không ăn cơm nhà, chị liền cắt ngang cuộc điện thoại và nói với bác bán thịt “cho cháu hai lạng rưỡi thôi nhé”.
Chị Thủy chia sẻ, hơn một năm trước, thu nhập của hai vợ chồng khoảng 18 triệu đồng/tháng thì chi tiêu trong gia đình chỉ ba miệng ăn khá thoải mái, thích ăn gì là mua hoặc đi nhà hàng mà không cần lo nghĩ về tiền. Có ngày cuối tuần, đi chợ 1 ngày mà hết ngót triệu bạc. “Ngay cả ngày thường cũng vậy, cứ thấy gì ngon là mua về ăn bằng thích thì thôi. Không ăn hết để tủ lạnh, hôm sau lại mua món mới... Đến cuối tuần dọn tủ, đồ ăn thừa để lâu tống khứ cả vào thùng rác”, chị nói.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến giờ, thu nhập của hai vợ chồng có phần eo hẹp, lương bị cắt giảm. Đã thế, nỗi ám ảnh thực phẩm, hàng hóa, nhiên liệu tăng giá luôn đeo bám, rồi con cái lớn cần chi tiêu nhiều hơn. Chị Thủy buộc phải thay đổi thói quen tiêu dùng, cắt giảm chi tiêu triệt để.
“Giờ thì đi chợ tôi tính từ mớ rau con cá sao cho vừa đủ ăn trong ngày”, chị Thủy nói.
Thói quen thích ăn gì mua thứ đó mà không để ý đến túi tiền nay đã không còn. |
Tương tự, thói quen chi tiêu sinh hoạt của gia đình chị Trần Thị Ngọc Hương (Khâm Thiên, Đống Đa) đã đảo ngược hoàn toàn so với trước đó. Chị cho biết, ngày trước, bữa cơm nhà chị lúc nào cũng có 4 món, thậm chí còn 5-6 món nếu thích cải thiện.
Giờ thì, kinh tế khó khăn, hàng ngày đi chợ đều phải lên kế hoạch cụ thể và chi tiết xem ăn gì, giá thế nào, tổng chi phí hết bao nhiêu. Nhà 5 người như gia đình chị một bữa chỉ 3 món ăn, gồm món chính 35.000-40.000 đồng, món rau 7.000-10.000 đồng và món phụ chỉ 15.000 đồng. Số lượng các món đều được tính toán vừa đủ, người lớn ăn nhiều bù cho trẻ ăn ít.
Không chỉ vậy, chị Nguyễn Mai Hoa (ở ngõ 1050 Đường Láng, Đống Đa) còn cho biết, ngoài việc tính toán số lượng rau thịt, trứng, cá cần mua cho một bữa cơm gia đình 4 người, chị còn phải thay đổi cả cách chế biến. Trước, chị bày đủ món, rất kỳ công, tốn kém. Có khi tiền nguyên liệu gia giảm tốn bằng tiền mua nguyên liệu chính. Nay thì chị chỉ xoay quanh mấy món rán, chiên, xào luộc, kho... và hạn chế ăn món hầm để tiết kiệm điện, gas.
“Sau gần nửa năm, mỗi tháng gia đình chỉ tiêu khoảng 10 triệu đồng, còn dư 3 triệu tiết kiệm chứ không hết sạch như trước”, chị Hoa khoe.
Kế hoạch đi chợ với 50.000 đồng
Để thực hiện tiết kiệm, chi tiêu hợp với túi tiền, không ít bà nội trợ còn lên kế hoạch đi chợ với 50.000 đồng hay 100.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Hằng ở Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy) tiết lộ đang thực hiện kế hoạch đi chợ 50.000 đồng/ngày cho 3 người ăn được hơn 2 tháng nay. Phải nói rằng, thời buổi này đi chợ cầm 50.000 đồng thì không biết mua gì. Cũng may, chị chỉ phải mua đồ ăn cho bữa sáng và bữa tối. Còn bữa trưa, con học bán trú, ăn luôn ở trường; chồng cũng ăn tại bếp tập thể ở cơ quan.
Tuy nhiên, chị Hằng cũng cho hay, không phải ngày nào đi chợ cũng hết đúng 50.000 đồng mà có hôm vượt, có hôm thừa. Song, chị đặt ra nguyên tắc: không bao giờ mua vượt quá 100.000 đồng/ngày.
Thay vào đó, giờ đây đi chợ mọi người luôn có sự tính toán, đo đếm từng mớ rau, miếng thịt sao cho vừa đủ, tránh dư thừa lãng phí. |
Để có thể chỉ tiêu trong vòng 50.000 đồng, chị Hằng phải lên thực đơn cho cả tuần. Bữa sáng gia đình có thể ăn mỳ trứng, rang cơm nguội hoặc ăn cháo... Bữa tối sẽ có 1 món canh, 1 món xào và 1 món mặn. Có thể là đậu cove xào thịt lợn, giá đỗ xào, mướp đắng xào trứng... Món mặn như thịt kho củ cải, thịt kho đậu, đậu nhồi thịt, thịt kho, thịt gà, cá rán, cá kho, giò rim mắm, chả, tôm đồng rang... Chẳng hạn, thực đơn bữa ăn nhà chị gồm: canh rau dền hết 5.000 đồng, đậu rán 3 cái hết 6.000 đồng và 3 lạng thịt lợn về rang hoặc luộc hết 24.000 đồng. Số tiền 15.000 đồng còn lại mua trứng, đỗ, thịt băm về nấu ăn sáng là vừa đủ.
Tương tự, gia đình chị Kiều Linh ở Mai Dịch (Cầu Giấy) cũng thực hiện thành công kế hoạch đi chợ 50.000 đồng/bữa (trưa, tối) cho 5 người ăn.
“Ngoài lên thực đơn cụ thể từng món, mua hết bao nhiêu tiền cho mỗi món, tôi còn ưu tiên chọn mua những loại thực phẩm rẻ, mua thực phẩm theo mùa”. Chị dẫn chứng: mùa hè thì mua vịt vì giá khá rẻ, thay vì mua xương sườn về nấu canh, xào chua ngọt (giá tới 90.000-100.000 đồng/kg)... thì chị chỉ mua xương cục chỉ 30.000-40.000 đồng/kg.
Ngoài tiền thức ăn 50.000 đồng cho bữa chính, hoa quả tráng miệng chị cũng áp dụng mua theo mùa. Mùa nào quả ấy để có giá rẻ. Chị cũng thường xuyên lên mạng để tham khảo thực đơn mà các bà mẹ có kinh nghiệm tư vấn.
“Mới thực hiện kế hoạch đi chợ 50.000 đồng tôi cũng thấy hơi khó chịu, nhưng qua được tuần đầu tiên mọi thứ đơn giản hơn. Việc đi chợ với 50.000 đồng đã thành thói quen, nhiều khi chẳng cần xem thực đơn cũng không bao giờ mua vượt số tiền đã quy định”, chị Kiều Linh chia sẻ.