Theo Business Insider, Jhonny Perez, một cư dân tại Florida, Mỹ, sẽ phải trả 150.000 USD cho nhà sản xuất tựa game "Grand Theft Auto V" do đã tạo ra và bán phần mềm gian lận trò chơi này.
Nhà phát hành Take-Two Interactive cáo buộc Perez đã tạo ra một phần mềm có tên Elusive và bán chúng với giá 10-30 USD. Nó cho phép người chơi tự ý thay đổi nội dung và các cài đặt trong game một cách bất hợp pháp. Trang TorrentFreak cho biết đơn khiếu nại đã được đệ trình lên Tòa án quận phía Nam của New York.
Phần mềm gian lận cho phép người chơi có thể tạo ra số tiền không giới hạn trong game, ảnh hưởng đến tính công bằng và doanh thu của nhà sản xuất. |
Trong khi một số phần mềm chỉ tác động đến hình ảnh, đồ họa của game, phần mềm này lại làm mất tính công bằng trong môi trường online và Take-Two cho rằng nó sẽ là ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của "Grand Theft Auto V". Người chơi sử dụng Elusive cũng có thể tạo ra một lượng tiền ảo không giới hạn trong game, điều này sẽ ảnh hưởng đến các giao dịch mua bán của Take-Two.
Từ năm 2013, "Grand Theft Auto V" đã bán được hơn 100 triệu bản trên toàn thế giới và là một trong những sản phẩm bán chạy nhất năm 2018. "Cộng đồng người chơi lành mạnh đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển không ngừng của trò chơi", Take-Two chia sẻ.
"Phần mềm gian lận của Perez đã tạo ra những tính năng và yếu tố mới trong Grand Theft Auto V. Việc sử dụng chúng có thể ảnh hưởng xấu đến những người chơi hợp pháp. Điều này tạo nên sự bất công trong trò chơi của chúng tôi", Take-Two cho biết trong đơn khiếu nại.
Tòa án đã phán quyết Perez vi phạm bản quyền và can thiệp trái phép vào trò chơi. Theo đó, Perez sẽ phải trả 150.000 USD tiền bồi thường thiệt hại.
Đây không phải trường hợp đầu tiên những người tạo ra phần mềm gian lận phải chịu án phạt. Trước đó vào tháng 10/2018, Epic Games, công ty chủ quản trò chơi "Fortnite" đã đệ đơn khiếu nại bản quyền với một cặp đôi YouTuber do họ bán phần mềm sửa đổi các trò chơi trực tuyến gồm "Fortnite", "Grand Theft Auto V" và "PlayerUn Unknown's Battlegrounds".
Nintendo cũng có bản án trị giá 12,23 triệu USD với một cặp vợ chồng ở Arizona, Mỹ khi họ tổ chức trang web lậu cho phép tải xuống miễn phí các trò chơi cổ điển của hãng như "Super Mario World".