Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho biết:
"Chúng tôi không sợ hội nhập thì gà ngoại sẽ tràn vào, mà còn tự tin Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt gà. Vấn đề là phải quản lý chặt chẽ thịt nhập khẩu khi có dấu hiệu bất thường, để đảm bảo công bằng cho người chăn nuôi trong nước".
Ông Nguyễn Văn Ngọc
- Chúng tôi vừa nhận được thông tin có đơn vị nhập gà từ Mỹ về Việt Nam với giá chỉ 45 cent/kg (khoảng 10.000 đồng/kg) và bán ra với giá 13.000-15.000 đồng/kg. Giá này còn thấp hơn 1 kg cám tại Việt Nam, trong khi để nuôi gà tăng thêm trọng lượng 1 kg phải tốn 1,6 kg cám, chưa kể các chi phí khác. Giá gà lông trong nước cũng giảm xuống còn 20.000 đồng/kg, mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Vì vậy, ngay sau khi gửi đơn kiến nghị điều tra chống bán phá giá đối với đùi gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đã làm việc với một công ty luật của Mỹ có trụ sở tại Việt Nam, để tư vấn các bước hành động. Công ty luật này sẽ đảm nhận công việc thu thập dữ liệu, điều tra thông tin trước khi gửi các cơ quan chức năng để khởi kiện.
- Đối với các vụ kiện chống bán phá gi, mức phí thuê luật sư, rồi chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ rất lớn. Liệu một hiệp hội với tập hợp là các chủ trang trại, nông dân có đủ chi phí để theo đuổi hay không?
- Đúng là phải tốn kém cho các chi phí thuê luật sư tiến hành những thủ tục liên quan, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng lo liệu được. Ngoài các thành viên Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chúng tôi cũng đang tiếp xúc và kêu gọi các chủ trang trại khác trên toàn quốc cùng chung tay trong vụ kiện này, vì đây là quyền lợi chung của cả ngành chăn nuôi gà tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng mời các công ty chăn nuôi lớn trong và ngoài nước có đầu tư tại Việt Nam cùng tham gia. Họ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất vì thịt gà Mỹ nhập khẩu bởi quy mô lớn và đầu tư nhiều vào Việt Nam những năm qua. Chính những công ty chăn nuôi lớn sẽ có đủ thông tin về tình hình kinh doanh, diễn biến thị trường trong các năm qua để cung cấp cho bên luật sư đánh giá.
- Không chỉ chi phí, các thủ tục giấy tờ và thu thập số liệu chứng minh thịt gà Mỹ bán phá giá tại Việt Nam sẽ rất phức tạp. Liệu hiệp hội có đi đến cùng vụ việc?
- Thịt gà Mỹ mới chỉ đưa về Việt Nam trong vài ba năm trở lại đây, nhưng với số lượng ngày càng nhiều và giá ngày càng rẻ. Trong sáu tháng đầu năm nay, thịt gà Mỹ chiếm 50-60% tổng lượng thịt gà nhập khẩu về Việt Nam.
Liên tục 11 tháng qua, người nuôi gà công nghiệp trong nước đều thua lỗ do bán dưới giá thành. Có thể nói người nuôi gà chúng tôi đang ở vào tình thế nếu không hành động sẽ phá sản hàng loạt. Vì vậy chúng tôi đã đưa vấn đề điều tra chống bán phá giá ra là sẽ đi đến cùng.
Đùi gà đông lạnh xuất xứ từ Mỹ bán với giá 33.000 đồng/kg ở siêu thị Metro quận 2, TP HCM chiều 29/7. |
- Có ý kiến cho rằng, loại gà Mỹ nhập về Việt Nam là loại gần hết hạn, chỉ làm thức ăn chăn nuôi. Khi đó lỗi thuộc về các cơ quan quản lý trong nước chứ không phải phía Mỹ để có thể kiện chống bán phá giá, thưa ông?
- Hiện đã có 35 quốc gia ngưng nhập khẩu thịt gà Mỹ do dịch cúm, trong khi Việt Nam nhập khẩu về rất nhiều cũng là điều cần quan tâm. Chúng tôi không loại trừ khả năng đó, nhưng để chứng minh phải có bằng chứng.
Vì vậy, bên cạnh điều tra chống bán phá giá, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan liên quan điều tra và kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thịt gà Mỹ nhập khẩu. Nếu như các công ty nhập khẩu làm ăn gian dối, bằng việc đưa hàng mua về chế biến thức ăn chăn nuôi cho người tiêu dùng, thì đó là tội của họ và cần xử lý nghiêm trước pháp luật.
- Trong điều kiện điều tra mà không có dấu hiệu bán phá giá, thịt gà Mỹ rẻ do giá thành chăn nuôi của họ rẻ thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ ứng phó thế nào?
- Chúng tôi tin rằng, nếu công khai minh bạch mọi chuyện không thể có chuyện đùi gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam mà giá chưa đến 20.000 đồng/kg, trong khi cũng ở Mỹ thì thịt đùi gà đang bán với giá 80.000 đồng/kg.
Tôi nói điều này không dựa trên cảm tính, mà bằng các số liệu cụ thể. Ngành chăn nuôi gà công nghiệp có sự tương đồng ở các khâu trong quy trình nuôi trên quy mô toàn cầu. Nếu như Việt Nam có giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cao hơn Mỹ, thì ngược lại chi phí nhân công của Mỹ cao gấp nhiều lần Việt Nam.
Do đó, giá thành sản xuất gà công nghiệp của Việt Nam có cao hơn, nhưng sẽ không nhiều so với Mỹ trong khi thịt gà Mỹ về Việt Nam phải tốn chi phí đông lạnh, vận chuyển, phân phối, tiếp thị...
Chưa kể với sự đầu tư vào công nghệ chuồng trại của nông dân và giá nguyên liệu giảm, thuế VAT mặt hàng thức ăn chăn nuôi giảm, giá thành nuôi gà của Việt Nam hiện đã ở mức thấp nhất khu vực ASEAN.
Ông Trần Hữu Huỳnh (Chủ tịch Ủy ban vận động chính sách thương mại quốc tế WTO - thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam):
Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp
Từ câu chuyện ngành chăn nuôi trong nước tỏ ra lúng túng trước tình trạng gà Mỹ nhập khẩu bán giá quá rẻ ở thị trường Việt Nam, tôi cho rằng bản thân các hiệp hội ngành hàng cần phải thay đổi cách thức tổ chức, điều hành, nếu không muốn lâm vào tình trạng “khó xử” cho các trường hợp khác sẽ xuất hiện.
Với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam theo các cam kết Hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phải là nơi chủ động ứng phó đầu tiên về tình trạng sản phẩm, hàng hóa của mình có nguy cơ bị thiệt hại từ sản phẩm nhập khẩu. Phải xác định rất rõ điều này, chứ không thể bắt buộc Nhà nước phải vào cuộc thay cho doanh nghiệp.
Hiệp hội ngành hàng cần chú ý khung pháp luật hoạt động của mình, trong đó phải xác lập rõ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của các hội viên theo các mục tiêu khác nhau: doanh nghiệp sản xuất nội địa sẽ khác với doanh nghiệp nhập khẩu, và cũng khác với doanh nghiệp xuất khẩu.
Ở câu chuyện gà Mỹ nhập khẩu đang gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi trong nước. Rõ ràng không thể bắt buộc doanh nghiệp nhập khẩu phải chia sẻ hay thông cảm với những khó khăn mà doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi đang đối mặt, bởi họ không thấy quyền lợi, trách nhiệm ở trong tình huống này.
Nên theo tôi, các hiệp hội cần tính đến phương án kiến nghị lại cách thức tổ chức hội/đoàn, theo hướng làm sao giải quyết được tình trạng lợi ích của từng thành phần hội viên không bị xung đột lẫn nhau khi “gặp chuyện”.
Các hiệp hội ngành hàng cũng nên nghiên cứu, nắm thật rõ được từng giai đoạn hàng hóa nước ngoài sẽ vào Việt Nam, khi mà các cam kết FTA đi vào thực thi. Chẳng hạn, với mặt hàng thịt bò, phải biết khi nào thịt bò vào Việt Nam sẽ có thuế suất 0%, số lượng cụ thể bao nhiêu... để tự bảo vệ cho chính mình.