Theo Nikkei Asian Review, Huawei đang có tham vọng tăng khả năng nội địa hóa dây chuyền sản xuất, thông qua nhiều hình thức như ký thêm hợp đồng với các nhà cung ứng linh kiện nội địa như SMIC, hay tích cực hợp tác với những công ty có sẵn dây chuyền tại Trung Quốc.
Nhiều đối tác quay lưng với Huawei
Để tránh việc phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng đặt tại nước ngoài, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới muốn đưa các dây chuyền thử nghiệm và đóng gói thành phẩm – bước cuối cùng trong quá trình sản xuất linh kiện bán dẫn – về Trung Quốc vào cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, Huawei cũng đang thuyết phục các đối tác làm bảng mạch in chuyển sản xuất về Trung Quốc. Nguồn tin của Nikkei Asian Review cho biết Huawei chỉ tìm kiếm những nhà sản xuất linh kiện mới nếu họ đã có sẵn dây chuyền tại Trung Quốc.
Huawei xoay sở đủ đường để tránh các đòn giáng của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Hiện nay, việc sản xuất chip bán dẫn hầu hết được thực hiện ở các nước châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan hoặc Hàn Quốc.
Năm 2019, chi phí mua linh kiện bán dẫn của Huawei đạt 20,8 tỷ USD, trở thành khách hàng linh kiện bán dẫn lớn thứ ba thế giới chỉ sau hai gã khổng lồ Apple và Samsung.
Tuy nhiên, khách hàng lớn như Huawei vẫn chưa thể thuyết phục những đối tác. Những thách thức như bất ổn kinh tế, đại dịch Covid-19 hay các vòng vây hãm của Mỹ khiến nhiều nhà cung cấp bày tỏ sự e ngại trước lời kêu gọi của Huawei.
“Một số nhà cung cấp đã hỗ trợ Huawei sản xuất tại Trung Quốc vài năm qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng chuyển đổi thêm sản lượng về Trung Quốc. Đại dịch toàn cầu cũng như thái độ thù địch từ Mỹ làm các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn mất động lực hợp tác với Huawei”, một vị lãnh đạo hoạt động trong chuỗi cung ứng cho biết.
Trước đó, Huawei đã bị đối tác quan trọng TSMC quay lưng. Ảnh: Nikkei. |
Nhiều nhà cung cấp có cả đối tác tại Mỹ, do đó từ chối mở rộng công suất tại đất nước tỷ dân, theo phân tích của một vị lãnh đạo khác.
"Chuỗi cung ứng rất phức tạp và giống như một củ hành thật to. Huawei chỉ có thể bóc được vỏ và vài lớp bên ngoài, như cách họ đang yêu cầu đối tác chuyển dịch sản xuất về Trung Quốc và tìm kiếm các công ty nội địa để hợp tác. Khi chúng ta đi sâu hơn vào các lớp bên trong, sẽ rất khó để đưa mọi đối tác về Trung Quốc", một nguồn tin phân tích.
Theo Nikkei, những ý kiến của nhiều vị lãnh đạo trong ngành công nghiệp cho thấy chiến lược của Mỹ nhằm cô lập Huawei đang có hiệu quả, khi mỗi nhà cung cấp đều phải cân nhắc những ảnh hưởng của địa chính trị và tác động của nền kinh tế đi xuống.
Bài toán khó cho ngành công nghệ Trung Quốc
Sau khi nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc ZTE bị chính phủ Mỹ thi hành các biện pháp trừng phạt, cũng như sự kiện “công chúa Huawei” Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada hồi cuối năm 2018, Huawei đã triển khai và tăng tốc kế hoạch nội địa hóa chuỗi cung cứng của mình.
Hai nhà cung cấp vật liệu bán dẫn là JCET (công ty Công nghệ Điện tử Trường Giang) và Sanan (công ty Hạ Môn Sanan) đều được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ thông qua Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch tích hợp (hay còn gọi tắt là Quỹ Lớn).
Nội địa hóa, tránh phụ thuộc công nghệ Mỹ là ưu tiên số một của Huawei. Ảnh: AP. |
Trung Quốc nhấn mạnh ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước sẽ là yếu tố then chốt đảm bảo an ninh quốc gia.
"Huawei đã điều động hơn 100 nhân viên kỹ thuật tại JCET, nhà thử nghiệm và đóng gói chip hàng đầu đất nước trong gần một năm. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao số lượng lớn chip cao cấp cho JCET cuối năm 2019 đã không diễn ra suôn sẻ như Huawei dự đoán”, một nguồn tin trong ngành cho biết.
Một số công nghệ và nguyên liệu thiết yếu vẫn nằm trong tay các công ty Nhật Bản như Ajinomoto Fine-Techno hay Hitachi Chemical, hai nhà sản xuất và cung cấp chất nền quan trọng ABF cho bộ xử lý smartphone. Trong tương lai cả hai nhà cung cấp này vẫn chưa quyết định mở rộng công suất tại các cơ sở của mình ở Hong Kong.
Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, cho biết việc Huawei yêu cầu các đối tác sản xuất tại Trung Quốc nhằm phục vụ mục đích kiểm soát và đảm bảo chuỗi cung ứng chip bán dẫn của mình mà không chịu sự can thiệp từ bên ngoài.
“Tình hình diễn biến địa chính trị phức tạp và nguy cơ của đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy các nhà cung cấp đa dạng hóa cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Đây có thể coi là thách thức cho các công ty nước ngoài nếu muốn chuyển dây chuyền đến đây và chỉ tập trung đáp ứng cho một khách hàng”, ông Chiu nhận xét.