Bị Mỹ dồn ép, Trung Quốc liên tiếp tung chiêu
Chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi, liên tục có hệ thống máy bay chiến đấu thế hệ mới của Trung Quốc được trình làng.
Dư luận thế giới hết sức sửng sốt đồng thời cũng đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn mà quốc gia Đông Bắc Á này lại tung ra nhiều nhiều loại máy bay chiến đấu mới như vậy? Tính năng của những thiết bị này ra sao? Những thiết bị này có ý nghĩa gì đối với ngành công nghiệp hàng không và không quân Trung Quốc?
Bị dồn vào đường cùng
Nếu tính theo chu kỳ nghiên cứu chế tạo một thiết bị mới thông thường, trung bình phải mất 15 năm mới có thể chế tạo một thiết bị quân sự đòi hỏi công nghệ cao như máy bay chiến đấu. Lô máy bay quân sự hiện đại này của không quân Trung Quốc được tập trung chế tạo hồi cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, từ thập kỷ 1990 đến nay, thế giới đã xảy ra mấy cuộc chiến tranh cục bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự thay đổi trong tư duy tác chiến và tư duy nghiên cứu, chế tạo của không quân Trung Quốc.
Máy bay tàng hình J20 của Trung Quốc.
Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 là mốc thời gian chuyển đổi mô hình đầu tiên của không quân Trung Quốc. Thời gian đó, các ý tưởng xây dựng lực lượng không quân Trung Quốc mới chỉ tập trung vào mô hình Liên Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh, trang bị quân sự chủ yếu vẫn bắt chước chế tạo máy bay chiến đấu Mig-21, máy bay tiêm kích J-7, J-8 của Liên Xô. Các nước phương Tây phổ biến cho rằng, lúc đó khoảng cách giữa sức mạnh không quân Trung Quốc với trình độ tiên tiến của thế giới ít nhất là 20 đến 30 năm. Cùng thời điểm đó, chiếc máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới F-117 do Mỹ chế tạo đã được đưa vào sử dụng trong chiến tranh, máy bay oanh tạc chiến lược tàng hình B-2 cũng đã trình làng. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, quân đội các nước đã thu thập được lượng thông tin tình báo khổng lồ dưới sự trợ giúp của máy bay cảnh báo sớm. Đặc điểm chủ yếu của chiến tranh giai đoạn này là các loại máy bay phóng ra rất nhiều đầu đạn laze, tỉ lệ các vụ không kích lớn hơn rất nhiều so với tấn công mặt đất.
Vương Á Nam – chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, việc Mỹ sử dụng hệ thống vũ khí điện tử và vũ khí với độ chính xác cao trên quy mô lớn trong chiến tranh vùng Vịnh đã khiến lực lượng không quân cảm nhận được một khoảng cách lớn rất khó rút ngắn. Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu ý thức được rằng, cần phải chuyển đổi cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện bình thường thành chiến tranh cục bộ công nghệ cao.
Tuy nhiên, chiến tranh vùng Vịnh chỉ là một cú huých nhỏ với không quân Trung Quốc, mấy cuộc chiến tranh cục bộ sau đó đã khiến quân đội nước này cảm thấy thực sự “đau đớn” và “đầy sức ép”. Năm 1999, trong thời gian NATO không kích Nam Tư, chính siêu máy bay tàng hình B-2 đã ném bom với độ chính xác cao vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư. Bài học máu này đã khiến Trung Quốc nhận thức được tính cấp bách của vấn đề hiện đại hóa quân sự. Và năm 2000, trước sức ép của Mỹ, Israel đã từ chối bán máy bay cảnh báo sớm Phalcon cho Trung Quốc. Sự kiện này đã khiến PLA chấm dứt ý tưởng “dùng tiền để mua chiến lược hiện đại hóa quân sự”.
Ông Vương Á Nam cho rằng, sự hiện đại hóa trong quân sự của Trung Quốc là do Mỹ ép mà ra, nếu không có cảm giác thiếu an toàn do bị Mỹ bao vây, Trung Quốc sẽ không dồn hết mọi nhiệt huyết cho chiến lược hiện đại hóa quân sự. Ngoài ra, sau khi quan sát những biểu hiện của quân đội Mỹ ở chiến trường Kosovo, Afghanistan và Iraq, năm 2001-2003, PLA đã đưa ra chiến lược “đánh thắng chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hóa”, đây là điểm mấu chốt thứ hai trong giai đoạn chuyển đổi mô hình của không quân Trung Quốc.
20 năm mài kiếm….
Bước tiến khiến phương Tây sửng sốt nhất của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc trong mấy năm qua là tốc độ nghiên cứu, chế tạo trang bị mới. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, Trung Quốc đã cho bay thử hai loại máy bay chiến đấu tàng hình. Trong khi đó, dự án chế tạo máy bay tiêm kích F-22 của Mỹ năm 1985 bắt đầu mời thầu, đến năm 1997, chiếc máy bay F-22 đầu tiên mới được bay thử nghiệm; Lọai máy bay chiến đấu tàng hình F-35 còn “chạy marthon” lâu hơn, đến năm 2006 mới thử nghiệm chuyến bay đầu tiên.
J10 do Trung Quốc tự sản xuất với sự trợ giúp của Israel.
Lý giải điều này, một chuyên gia không quân của Trung Quốc phân tích rằng, quá trình nghiên cứu, chế tạo một thiết bị mới phải trải qua quá trình thăm dò, thực tiễn, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực chưa biết, chính vì thế cần từ 15 đến 20 năm. Tuy nhiên, với vai trò là người đi sau, Trung Quốc có thể tiếp thu những bài học kinh nghiệm của người đi trước, vận dụng tối đa những thành tựu công nghệ chứ không cần thiết phải dò dẫm từng bước. Đây là nguyên nhân khiến PLA có thể hoàn thành quá trình nghiên cứu, chế tạo sớm hơn. Ví dụ, khi chế tạo máy bay chiến đấu F-35, Mỹ đã rất sáng tạo và phát minh ra cửa hút khí khuếch tán siêu âm (DSI). Thiế kế này vừa không ảnh hưởng đến hiệu quả tàng hình, đồng thời còn cải thiện được hiệu suất hút khí. Và Trung Quốc đã nhanh chóng vận dụng công nghệ này trong quá trình sản xuất máy bay chiến đấu FC-1, J-10…
Ông Vương Á Nam cho rằng, sở dĩ Trung Quốc nhanh chóng tung ra loại máy bay thế hệ mới như vậy là do ngành công nghiệp hàng không nước này cũng đã có sự phát triển vượt bậc. Năm 2005, máy bay chiến đấu Made in China J-10 được đưa vào sử dụng, sự kiện này được báo chí Trung Quốc miêu tả là “20 năm mài kiếm”. Từ khi đất nước Trung Hoa mới được thành lập, Trung Quốc đã nhập khẩu máy bay Mig-15 của Liên Xô, cho đến sau này bắt chước Liên Xô chế tạo J-6, J-7, ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc không có đủ kinh nghiệm cho quá trình chế tạo một chiếc máy bay chiến đấu hoàn chỉnh, đồng thời cũng thiếu các thiết bị và đội ngũ chuyên gia lành nghề. Chính vì vậy, sự ra đời của J-10 không chỉ đánh dấu Trung Quốc đã có thể tự chủ sản xuất máy bay chiến đấu tiên tiến, mà quá trình chế tạo nó đã giúp quốc gia này tích lũy được một loạt kinh nghiệm vốn là nền tảng không thể thiếu trong ngành công nghiêp hàng không như thiết kế rada, phần mềm điều khiển bay…
Sự tiến bộ trong ngành công nghiệp điện tử đã khiến hệ thống điện tử hàng không Trung Quốc thu hẹp được khoảng cách với phương Tây, đây cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc có thể hùng hồn tuyên bố máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 mà nước này mới cho trình làng vào tháng 11-2012 vừa qua có tính năng vượt trội so với máy bay cảnh báo sớm E-3C của Mỹ.
Vẫn còn khó khăn
Các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho rằng, bài toán tiếp theo mà thế hệ máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc phải đối mặt là làm thế nào để chuyển hóa các dự án đã nghiên cứu sang sản xuất hàng loạt. Kinh nghiệm của phương Tây đã chứng minh được rằng, trong quá trình đưa vào sản xuất hàng loạt, những mô hình máy bay đã thử nghiệm thường phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều chi tiết, trong đó một nguyên nhân rất quan trọng là một số thiết kế không phù hợp với việc sản xuất hàng loạt. Hiện tại hầu hết các mô hình máy bay chiến đấu mới ra trình làng của Trung Quốc còn đang ở trong giai đoạn nghiên cứu, chế tạo. Đây là bài toán nan giải đang chờ đáp án bởi nó liên quan đến rất nhiều nhân tố như trình độ quản lý công nghiệp hiện đại hóa, sự đồng bộ trong khâu nghiên cứu, chế tạo và đơn vị sản xuất…
Các chuyên gia quân sự Mỹ thì cho rằng, điểm yếu lớn nhất của máy bay chiến đấu thế hệ mới của Trung Quốc là không có kinh nghiệm thực tiễn, chính vì vậy những thiếu sót trong khâu thiết kế không được bộc lộ rõ nét, chính vì thế rất khó phát hiện để cải tiến. Để khắc phục nhược điểm này, vài năm gần đây, lực lượng không quân Trung Quốc thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập quân sự với cường độ cao và tính đối kháng cao để phát hiện những khiếm khuyết trong hệ thống máy bay chiến đấu kiểu mới của mình.
Theo Tiền Phong