Khởi nghiệp và gặp gỡ Đan Trường
Công việc chính thức đầu tiên của ông bầu này trong những ngày sống tại Đức không hề liên quan đến nghệ thuật, mà lại thuộc lĩnh vực du lịch. Nhưng chính những ngày được đi nhiều nơi cũng như tiếp xúc với kiều bào, anh dần nhận ra nhu cầu được thưởng thức những buổi trình diễn văn nghệ rất cao, từ đó dẫn đến ý định tổ chức mời đoàn nghệ sĩ trong nước sang để phục vụ. Tuy nhiên, điều này không phải dễ dàng bởi những vấn đề về thủ tục pháp lý, đặc biệt là vấn đề giấy tờ để xuất ngoại được kiểm soát rất khó khăn. Lúc này, chính những kinh nghiệm hay thậm chí là “chiêu” thu nhặt được từ những ngày làm du lịch chính thức được vận dụng.
Nhiều năm sau, Hoàng Tuấn lần đầu trở về Việt Nam để tìm hiểu và tổ chức mời nghệ sĩ Việt sang hải ngoại biểu diễn. Chưa có nhiều quan hệ trong giới, nhưng trong những năm đầu tiên này, việc được xuất ngoại là ước mơ to tát của nhiều người, nên Hoàng Tuấn cho biết anh không hề gặp khó khăn, mà ngược lại còn được nghệ sĩ “săn đón” rất nhiệt tình.
Chuyến đi đầu tiên đến Canada và vài nước châu Âu diễn ra vào năm 1995 với sự góp mặt của những gương mặt hàng đầu thời bấy giờ như Bảo Quốc, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Bảo Chung… lãi không nhiều, thỉnh thoảng còn bị ném cà chua, trứng thối vì bị phản đối, những nhìn chung vẫn rất thành công khi nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả.
Năm 1997, Hoàng Tuấn quyết định rẽ sang một hướng mới là đào tạo ca sĩ. Tưởng chừng những tham vọng này nhanh chóng bị sụp đổ khi vài người đến rồi lại ra đi, cho đến khi anh gặp Đan Trường trong một chương trình diễn ra tại Thảo Cầm Viên. Khi ấy, Đan Trường vừa đoạt giải ba trong một cuộc thi giọng hát hay của Nhà văn hóa quận 10, TP.HCM và đang tập tành những bước chân đầu tiên tại các sân khấu nhỏ.
Bài hit đầu tiên Kiếp ve sầu đưa tên tuổi của Đan Trường vào top những giọng ca nam ăn khách nhất khi đó. |
“Ấn tượng của tôi về Đan Trường khi đó là một gương mặt rất sáng, giọng hát ổn, tự nhiên, không kỹ thuật và đặc biệt là có tên giống với Lam Trường. Chỉ có điều lúc đó cát-xê của Lam Trường là 8 - 10 triệu, còn Đan Trường hát một đêm đươc 25 ngàn đồng”, Hoàng Tuấn nhớ lại. Linh tính mách bảo, anh quyết định mở lời và được Đan Trường đồng ý.
Lúc này, trụ sở công ty được đặt cùng khuôn viên với văn phòng Hội nhạc sĩ Việt Nam (Trần Quốc Thảo, TP.HCM) nên Hoàng Tuấn có lợi thế quen biết khá nhiều nhạc sĩ hàng đầu của Việt Nam. Chính những người đi trước này đã góp phần không nhỏ tạo dựng lên Đan Trường trong những ngày đầu của sự nghiệp khi giọng ca điển trai thường xuyên nhận được những góp ý, xây dựng về chuyên môn, cách chọn bài hát cũng như thể hiện sao cho hay nhất.
Vài tháng sau, Đan Trường lần đầu tham gia biểu diễn tại châu Âu cùng đoàn nghệ sị do Hoàng Tuấn dẫn đầu.
Đưa Đan Trường lên đỉnh cao
Không đi ngược lại với xu hướng và thị hiếu nghe nhạc thời bấy giờ, Đan Trường được định hướng theo dòng cantopop với ca khúc được phát hành đầu tiên là Kiếp ve sầu. Từng được Vân Trường thể hiện nhưng không tạo hiệu ứng cao, mãi đến khi qua giọng hát của Đan Trường, Kiếp ve sầu nhanh chóng được phổ biến và nghiễm nhiên trở thành bài hit đầu tiên của anh.
Cùng với các ca khúc khác như Mưa trên cuộc tình, Bước chân lẻ loi, Cuộc tình cay đắng, Tâm hồn xao động… Đan Trường tạo cú hích đầu tiên với album đầu tay. Thời điểm đó, đi đến đâu, người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh, tiếng hát của Đan Trường trong các tiệm đĩa, quán coffee, mọi ngóc ngách ngõ hẻm…
Thành công đến ngay từ những bước đi đầu tiên khiến cả Hoàng Tuấn và Đan Trường không khỏi bất ngờ. “Mức độ phổ biến và lượng tiêu thụ của album này rất kinh khủng. Sau lần đó, Đan Trường được các bầu show săn đón. Cát-xê từ 15 – 25 ngàn nay đã tăng gần bằng với Lam Trường”, ông bầu kể lại.
Thừa thắng xông lên, Đan Trường tiếp tục phát hành các album vol 2 Đi về nơi xa (1999), vol 3 Bóng dáng thiên thần (2000), vol 4 Best Collection (2000), vol 5 The Best of Đan Trường (2001)…, mỗi album đều có bài hit và nhanh chóng đẩy tên tuổi của anh lên top đầu.
Hoàng Tuấn chia sẻ trong gần 20 năm hỗ trợ Đan Trường, anh luôn quan niệm tìm tòi những hướng đi mới, tiên phong trong nhiều lĩnh vực từ quy mô nhỏ đến lớn, thay vì phải chịu cảnh “đụng hàng”.
Đơn cử như vào năm 2001, khi đời sống âm nhạc Việt vẫn còn khó khăn, thiếu hụt trầm trọng các chương trình âm nhạc, Đan Trường đã có liveshow đầu tiên Cảm ơn cuộc đời. Hay như năm 2005, hình thức tổ chức bán đĩa kết hợp cùng ký tặng cho khán giả cũng được Hoàng Tuấn học hỏi và áp dụng cho học trò sau chuyến đi Đài Loan. Sau này, cách quảng bá này được rất nhiều ca sĩ học hỏi.
Tuy nhiên một trong những quyết định có phần mạo hiểm nhưng lại là niềm tự hào lớn nhất của ông bầu này chính là việc việc đầu tư thực hiện album video Đan Trường in China - Phong ba tình đời vào năm 2002.
Đan Trường là ca sĩ Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài quay MV với album video Đan Trường in China - Phong ba tình đời vào năm 2002. |
Thực tế, xu hướng cổ trang đã và đang rất được khán giả yêu thích với loạt MV Hoàn châu công chúa, tuy nhiên đa số các bối cảnh đều là các địa danh trong nước như Đà Lạt, Phan Thiết… nên khi làm sản phẩm cho Đan Trường, ông bầu này quyết định đầu tư lớn sang Trung Quốc.
“MV Phong ba tình đời được đầu tư khoảng 300 triệu đồng - trị giá tương đương mấy chục cây vàng thời điểm bấy giờ với những cảnh quay được thực hiện trên Vạn Lý Trường Thành và phim trường chuyên nghiệp, hệ thống ánh sáng hơn nhiều lần so với điều kiện tại Việt Nam. MV Cuộc tình cay đắng do đạo diễn người Trung Quốc chỉ đạo tiêu tốn 200 triệu. Tổng cộng album video này được đầu tư với giá 2 tỷ đồng nhưng đây là sự đầu tư đáng giá và đúng đắn.
Ngày đó, mọi kỹ xảo, chiêu trò gần như đều phải làm bằng tay chứ không có điều kiện kỹ thuật như bây giờ, nhưng có cùng nhau trải qua những khó khăn này mới cảm thấy quý công sức mà mình bỏ ra. Bây giờ, ngay cả chuyện bình chọn cũng có thể thay đổi bằng kỹ thuật, nên chúng tôi cũng không còn mặn mà nữa, trong khi trước kia được giải là hạnh phúc lắm”.
Sau này, quyết định để Đan Trường chuyển sang hát lần lượt từ dân ca sang nhạc sử thi, từng sản phẩm âm nhạc, điện ảnh giải quyết những tai tiếng, scandal riêng tư đều có dấu ấn rất lớn của Hoàng Tuấn.
Ông bầu không hợp đồng
Từ những ngày đầu gặp gỡ cho đến gần 20 năm sau, Hoàng Tuấn và Đan Trường không có bất cứ hợp đồng nào được ký kết bởi giữa họ có thứ gắn kết bền vững hơn chính là niềm tin và trách nhiệm.
Gần như mỗi bước đi trong nghề của Đan Trường đều có bóng dáng của ông bầu này. “Ngoài việc nhận lương bổng, mở đĩa…, người quản lý còn phải quán xuyến tất cả các sự cố có thể diễn ra. Đan Trường đi Hải Phòng hát, tôi đang sốt cao vẫn phải đi cùng. Cách đây 4 năm, trên đường đi diễn ở Bình Thuận, đoàn gặp sự cố trên đường đi khiến xe đâm thẳng vào rừng cây, nếu hôm đó tôi không có mặt để giải quyết, chắc chắn sẽ phải hủy show”, Hoàng Tuấn kể lại.
Mỗi lần tổ chức liveshow cho Đan Trường, người ta lại thấy ông bầu này túc trực gần như 24/24 tại địa điểm tổ chức để đếm từng chiếc ghế, đo từng khoảng sân, cân chỉnh vị trí từng đạo cụ. Nếu không, ắt hẳn anh đang làm việc với ê-kíp hoặc đối tác nào đó. Anh lý giải: “Tất cả mọi thứ đều phải được tính toán một cách chi tiết và chính xác nhất để từ đó có thể có phương án cho mọi tình huống. Đông khách làm sao để tất cả mọi người đều hài lòng, vắng khách phải tính đường lùi để không lâm vào thế bị động”.
Ông bầu Hoàng Tuấn cùng một phần trong gia tài các sản phẩm của Đan Trường. Tất cả đều có phần đóng góp rất lớn của anh. |
Để có được ngày hôm nay, Hoàng Tuấn phải đặt ra không ít nguyên tắc, trong đó quan trọng nhất là không hét giá, chính xác giờ giấc và trung thực.
“Không hét giá trước tiên để bày tỏ sự thông cảm với nhà tổ chức, sau là để tiếng hát của mình đi khắp nơi. Tôi cam đoan Đan Trường hiện là ca sĩ hạng A có mức giá dễ chịu nhất. Giờ giấc phải chính xác là chữ tín cũng như để công việc không bị ảnh hưởng. Trung thực để hai bên có thể tin nhau tuyệt đối và hỗ trợ nhau một cách tốt nhất”, anh nói. “Nhiều ca sĩ khó đáp ứng được điều này nên không thể hợp tác lâu dài”.
Trong giới vẫn truyền tay nhau một câu chuyện rằng Đan Trường phải tự bỏ tiền ra mua đĩa hoặc vé để xem liveshow của… chính mình, cũng bắt nguồn từ những nguyên tắc bất di bất dịch của ông bầu này. “Tôi là người tổ chức và phải bỏ tiền ra để thu hồi vốn. Làm show mà cái gì cũng miễn phí thì bán nhà đi à!”.
Ngay cả chuyện bán đĩa, Hoàng Tuấn của có cách làm của riêng mình: “Đi diễn các tỉnh, khi Đan Trường hát trên sân khấu, cũng là lúc nhân viên công ty đi xuống khu vực khán giả để bán đĩa. Tất nhiên khán giả ở những nơi này không thể mua với giá quá cao nên tôi không bán kèm hộp gốc mà thay bằng hộp nhựa bình thường, có dán tem với giá 20 ngàn đồng. Ít lời hơn nhưng nhạc của Đan Trường lại được dịp len lỏi đi khắp nơi từ đây”.
Không ít lần cự cãi rồi chuyện chia tay gần như đã cận kề, nhưng người ta vẫn thấy cặp đôi quyền lực này đồng hành cùng nhau. Có lẽ ngoài Hoàng Tuấn, ít ai có thể hiểu rõ và đặt ra những nguyên tắc phù hợp với Đan Trường đến như vậy. Ngược lại với Hoàng Tuấn nếu không có cuộc gặp gỡ tại Sở thú gần 20 năm trước, chưa chắc giờ đây có thể làm điều mà mình thích.
Hay đơn giản như chính lời ông bầu này: “Tôi sẽ không bao giờ tìm được người như Đan Trường và Đan Trường cũng sẽ không tìm được một người nào như tôi”.
Kết thúc cuộc trò chuyện, ông bầu này lại tất bật với công việc, trước mắt là liveshow Dấu ấn diễn ra vào ngày 1/11, phát hành 2 ca khúc mới, book show và liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát vào năm 2016. Nhưng dường như lửa nghề trong người đàn ông này chưa bao giờ bị dập tắt.