Báo Peruvian Times số ra cuối tháng 9 cho biết 20% tiền USD giả đang lưu hành tại Mỹ hiện nay có xuất xứ từ Peru với mệnh giá đa dạng từ 20, 50 cho đến 100 USD. Đặc biệt, sản phẩm tiền giả có nguồn gốc Peru được khách hàng Mỹ ưa chuộng bởi nó "giả như thật", rất khó phát hiện, thậm chí còn qua mặt được cả cơ quan chức năng hoặc một số thiết bị kiểm đếm hiện đại nhất. Nếu như tiền giả tại Mỹ được làm với quy mô manh mún, nhỏ lẻ, trình độ thấp thì tại Peru, tiền giả được "nhân bản hàng loạt" theo quy mô công nghiệp.
Theo điều tra của báo Peruvian Times, tiền giả ở Peru được sản xuất theo một quy trình mang tính công nghiệp hóa tới mức hoàn hảo. Công nghệ làm tiền giả ở Peru đã tiến từ chỗ dựa nhiều vào các máy in tiên tiến sang dựa vào hoạt động thủ công. Trước tiên là khâu thiết kế: Tiền giả được đưa lên trình bày trên các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp như Corel Draw hoặc đơn giản hơn là Microsoft Office.
Sau khi thiết kế xong, hình ảnh được xuất ra bản kẽm, đưa lên máy in offset (một kỹ thuật in ấn trong đó các hình ảnh trên bản kẽm và mực in được ép lên các tấm cao su trước rồi mới ép từ miếng cao su này lên giấy) và tiền giả sẽ được in ra hàng loạt, với chất lượng bản in rất cao.
Tang vật cảnh sát Peru thu được sau khi truy quét một cơ sở sản xuất tiền giả ở quận San Juan de Lurigancho, Lima. |
Nhưng đây mới chỉ là bước đầu tiên, dễ dàng nhất trong hoạt động làm tiền giả. Khâu tiếp theo, đóng vai trò quan trọng nhất, là tinh chỉnh đồng tiền giả. Mỗi tấm tiền in ra, thường gồm 12 đồng tiền giả trên một tấm, sẽ được cắt rời, tẩm hóa chất bảo quản đặc biệt. Một thợ làm tiền giả sẽ nhận nhiệm vụ dùng kim xuyên một đoạn dây bảo hiểm giả bằng nhựa phát quang qua các tờ tiền giả rồi dùng keo gắn cứng lại.
Trên tờ tiền thật giống như bóng mờ, dây bảo hiểm có thể được nhìn thấy khi đưa tờ bạc ra trước ánh sáng. Đây là công việc đặc biệt đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận và chỉ có những đôi tay lành nghề, kiên nhẫn mới thực hiện được. Những tờ tiền giả tiếp tục được cán qua lại trên hai con lăn bọc vải sợi thô để có bề mặt thô ráp như của một tờ tiền thật, chứ không trơn láng như lúc vừa in ra.
Cuối cùng, thợ thủ công sẽ dùng giấy ráp mịn để làm cho tờ tiền mỏng thêm một chút, bằng với kích cỡ tiền thật. Do đó, thường phải mất từ 4 đến 5 ngày để làm ra khoảng 300.000 USD tiền giả.
Theo cơ quan Mật vụ Mỹ (cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ đồng USD), trong 2 năm qua, nhờ kỹ nghệ rất tinh vi cùng với nhân công giá rẻ, các băng tội phạm Peru đã đưa nước này vượt qua mặt Colombia để trở thành nguồn sản xuất USD giả số 1 thế giới.
Tội phạm không chỉ cho ra lò số lượng tiền giả mang mệnh giá 20, 50 hay 100 USD, mà chúng còn tạo ra các đồng tiền giả với chất lượng rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với các điểm làm tiền giả ở Mỹ và phải mắt của người có chuyên môn cao mới phát hiện ra.
Tại Mỹ, tiền giả thường được làm với quy mô nhỏ, bởi thợ có trình độ thấp. Các tay tội phạm ở đây thường sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và máy in lazer để tạo ra một số lượng tiền giả hạn chế. Nhưng ở Peru, làm tiền giả diễn ra theo một dây chuyền khác hẳn, tăng tốc với số lượng ngày càng lớn. "Năm 2003, chúng tôi đã phát hiện đồng đôla giả đầu tiên được sản xuất ở Peru", phát ngôn viên mật vụ Mỹ Brian Leary nói. "Tiền giả từ Peru sau đó cứ thế tăng dần lên và giờ đây ít nhất 20% các đồng đôla giả ở Mỹ có gốc Peru".
Trong một bài phóng sự số ra ngày 27/9 vừa qua, báo Peruvian Times cho biết Cảnh sát thủ đô Lima đã vô cùng sốc khi chứng kiến kỹ năng làm tiền giả của một đứa trẻ bị bắt trong chiến dịch trấn áp tiền giả tổ chức ở ngoại ô. Cảnh sát tỏ ra vô cùng kinh ngạc khi thấy cậu bé khéo léo dùng kim luồn một đoạn dây bảo hiểm giả làm từ nhựa xuyên qua một tờ 100 USD giả. Trước đó đứa trẻ bị bắt trên phố cùng với một túi xách chứa 700.000 USD và các tờ euro giả mà cậu ta nhận được từ một đồng phạm.
"Những kẻ đó là chuyên gia trong việc khiến tờ tiền giả có màu sắc, các nếp nhăn, hình mờ an ninh giống y hệt tiền thật. Mỗi đồng tiền giả đều đã trải qua những quá trình xử lý vô cùng tỉ mỉ", Đại tá Segundo Portocarrero, lãnh đạo Đơn vị chống gian lận của Peru cho biết.
Từ lời khai của cậu bé, cảnh sát đã tóm được cả ổ làm tiền giả, với nhiều người chỉ chuyên chỉnh sửa các chi tiết bảo đảm an ninh trên tờ tiền giả. Chúng coi đây là một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận vì trung bình những tay làm tiền giả thường kiếm được khoảng 20.000 USD trên mỗi 100.000 USD tiền giả sản xuất ra, sau khi trừ mọi chi phí. Tính ra, sản xuất tiền giả còn lời hơn cả buôn bán ma túy bởi chi phí đầu tư đối với ma túy rất lớn, trong khi việc vận chuyển và chế biến phức tạp hơn.
Nhưng dù có tinh vi đến đâu, theo ông Portocarrero, những kẻ làm tiền giả vẫn phải chịu thua máy quét hồng ngoại mà các ngân hàng sử dụng. Điều này là do chúng thường sử dụng giấy thông thường có trên thị trường, khiến mực in dễ bị nhòe đi khi gặp nước. Nếu những kẻ này có thể tiếp cận loại giấy chuyên dùng để sản xuất tiền, khi đó sẽ chẳng ai có thể phát hiện.