Bí mật thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam
Cầu thủ khi chuyển sang CLB mới, tiền “lót tay” thực nhận trong nhiều trường hợp chưa đến một nửa so với con số công bố chính thức. Phần lớn còn lại rơi vào túi “cò” và những người có tiếng nói quyết định đến hợp đồng.
Câu chuyện phổ biến được kể lại trong giới cầu thủ xảy ra với cựu trung vệ ĐTVN Trương Đình Luật. Kết thúc giai đoạn lượt đi mùa giải 2011, Đình Luật chuyển sang thi đấu cho Hải Phòng theo bản hợp đồng cho mượn từ Ximăng Xuân Thành Sài Gòn (khi ấy mang tên Sài Gòn Xuân Thành) của ông bầu Nguyễn Đức Thuỵ. Để đổi lại sự phục vụ của Đình Luật, Hải Phòng đã phải chi cho cựu cầu thủ Quân khu 4 số tiền “lót tay” 4 tỷ đồng.
Đấy là con số được thông báo chính thức. Tuy nhiên, theo những nguồn tin thân cận với Đình Luật, số tiền thực tế cầu thủ này được nhận chỉ... 500 triệu đồng, tức chưa đến 15% con số nói trên. Đình Luật sau này được cho thêm một khoản nữa, để động viên tinh thần thi đấu.
Trần Tiến Đại được cho là người khuynh đảo thị trường chuyển nhượng của BĐVN. |
Số tiền còn lại sẽ “chảy” vào túi ai?
Để có thể ký hợp đồng mới, đồng nghĩa được nhận một khoản tiền lớn, cầu thủ buộc phải chấp nhận cắt “phế” (tiền hoa hồng) cho những người có quyền quyết định. Ở đây có thể gồm cả HLV, GĐĐH hoặc chủ tịch CLB của cả CLB chuyển đến và rời đi. Trong đó, HLV thường là người quyết định về chuyên môn (trên danh nghĩa hoặc thực tế). Khoản tiền “phế”, tuỳ mỗi trường hợp có thể lên tới trên 50-60% như trường hợp của Đình Luật nói trên.
Do số tiền “phế” thu lại từ mỗi bản hợp đồng vô cùng lớn, nên những kẻ trục lợi từ hoạt động chuyển nhượng cũng tăng cường thực hiện các hợp đồng mua, bán để kiếm lời. Giá trị mỗi bản hợp đồng cũng bị đẩy lên chóng mặt. Ở thời điểm phát triển “nóng”, V-League liên tục chao đảo bởi các bản hợp đồng “khủng”.
Các “trung tâm mua sắm” nổi tiếng V-League các mùa giải 2008-2011 gồm B.Bình Dương, Hải Phòng, HAGL, Ximăng The Vissai Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành và Navibank Sài Gòn. Số tiền đầu tư vào thị trường chuyển nhượng của các đội bóng trên, theo thống kê của VFF có lúc tiệm cận con số 50 tỷ đồng/mùa giải. Tổng chi phí đầu tư của Navibank Sài Gòn, theo tính toán cho đến khi giải thể vào khoảng 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là The Vissai Ninh Bình, với một gương mặt không còn xa lạ ở làng bóng VN, Trần Tiến Đại, được biết đến với tên gọi “cò” Đại.
Dưới bàn tay đạo diễn của “cò” Đại, Ninh Bình đã trở thành trạm trung chuyển cầu thủ lớn nhất miền Bắc, với hàng chục bản hợp đồng mua đi bán lại. Nổi tiếng nhất phải kể đến hợp đồng mua hai cầu thủ của B.Bình Dương - trung vệ Như Thành (9 tỷ đồng) và tiền đạo Việt Thắng (8,5 tỷ đồng). The Vissai Ninh Bình còn ký hợp đồng với rất nhiều ngoại binh như Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Gustavo... và gần nhất là tiền đạo Timothy (CLB bóng đá Hà Nội). Ngoài ra còn phải kể đến các vụ mua tiền vệ Mai Tiến Thành (Thanh Hoá) hay 4 cầu thủ của K.Khánh Hoà: Hữu Chương, Tấn Điền, Đức Hùng và Trọng Bình, đều gây nên kiện cáo kéo dài với hai đội bóng chủ quản của các cầu thủ trên.
Sau khi rời Ninh Bình chuyển sang Ximăng Xuân Thành Sài Gòn, “cò” Đại tiếp tục đưa đội bóng của bầu Thuỵ vào guồng xoáy chuyển nhượng. Ximăng Xuân Thành Sài Gòn trở thành điểm đến của hàng loạt ngôi sao ở V-League, cả nội lẫn ngoại binh. Nổi tiếng nhất là trường hợp của Phước Tứ. Cựu trung vệ Thể Công sau khi hết hợp đồng với Thanh Hoá đã chuyển sang đội bóng của bầu Thuỵ với khoản tiền “lót tay” được thông báo là 14 tỷ đồng.
Trong tất cả các phi vụ kể trên, người bị “móc túi” chính là các ông bầu. Chủ tịch CLB The Vissai Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường cuối mùa giải 2010 đã lên tiếng tố cáo “cò” Đại, với cáo buộc ông Đại gây nên tình trạng mờ ám ở CLB. Cho đến thời điểm hiện tại, dù khủng hoảng kinh tế đã buộc các CLB phải thắt chặt chi tiêu, nhưng “phế” vẫn là khái niệm phổ biến ở V-League.
Theo Lao Động