Công bố thưởng nhiều khi không nhằm mục đích khích lệ nhân viên mà là chiêu trò để đánh bóng tên tuổi doanh nghiệp (DN).
Năm nào cũng công bố thưởng từ ôtô đến căn hộ 8 tỷ
Trong 5 năm trở lại đây, C.T Group luôn là DN công bố mức thưởng cho nhân viên khủng nhất thị trường bất động sản. Cụ thể, Tết Nguyên đán năm 2012, khi thị trường bất động sản vẫn ở giai đoạn khó khăn, tập đoàn này trở thành tâm điểm chú ý khi công bố mức thưởng khủng bằng căn hộ 8 tỷ đồng và 200 triệu tiền mặt cho 2 quản lý cấp cao. Cùng với đó, 3 nhân viên xuất sắc cũng được tặng căn hộ Beehome trị giá 500 triệu và 50 triệu tiền mặt.
Năm 2016, dù có nhiều dự án bất động, C.T Group vẫn công bố thưởng Tết hơn 800 triệu đồng/người cho 3 nhân viên xuất sắc, bao gồm 3 chiếc Honda City, tiền mặt và nhiều quà tặng khác. Và năm nay, dù chưa đưa ra dự án mới nào nổi bật trên thị trường, tập đoàn này vẫn công bố thưởng Tết cho nhân viên bằng ôtô phiên bản mới, thuộc dòng xe 7 chỗ đa năng.
C.T Group liên tiếp công bố thưởng khủng dù không có dự án nào nổi bật trong những năm gần đây. Ảnh: C.T Group. |
Sau C.T Group phải kể đến Đất Xanh, với vụ thưởng Tết bằng căn hộ trị giá 3,13 tỷ đồng vào năm 2014. Theo công bố, căn hộ thuộc dự án Morning Star Plaza, được thưởng cho ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó tổng giám đốc Đất Xanh ở thời điểm đó.
Gần đây, cuộc đua thưởng Tết xuất hiện thêm cái tên mới là Cen Group. Được biết đến là nhà đầu tư và cũng là đơn vị môi giới, cuối năm 2016, Cen Group cho biết công ty thưởng Tết bằng ôtô trị giá trên dưới 1 tỷ đồng cho 11 nhân viên xuất sắc nhất năm. Trả lời báo chí, ông Phạm Thành Hưng, Phó tổng giám đốc Cen Group, cho biết nếu như năm 2015 chỉ khoảng 4-5 trường hợp được thưởng, thì năm 2016 có trên 10 người được thưởng nhà, thưởng ôtô.
Năm nay, ông Phạm Thành Hưng cho biết, DN cũng sẽ chi hàng chục tỷ đồng để thưởng Tết cho nhân viên. Tuy nhiên, thay vì thưởng bằng tiền và hiện vật như năm ngoái, DN sẽ thưởng bằng cổ phiếu.
Việc thưởng Tết cao ở một số DN địa ốc phát triển nhiều dự án, các sàn có kết quả bán hàng tốt là chuyện có cơ sở. Nhưng một số DN có mức lãi thấp, không có dự án nào nổi bật, nguồn thu rất ít mà vẫn công bố mức thưởng khủng thì cũng cần đặt vấn đề về mục đích thưởng.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết quy định về việc thưởng Tết cũng như báo cáo mức thưởng Tết chưa được “luật hóa” thành các điều khoản cụ thể Luật Lao động. Do vậy, mức thưởng Tết trên thực tế có thể sẽ cao hơn so với con số các DN báo cáo.
Cũng theo ông Phạm Minh Huân, mức thưởng Tết chủ yếu dựa vào khả năng quản trị, kết quả hoạt động và văn hóa của từng DN. Theo truyền thống, các DN sẽ tập trung vào việc thưởng trong dịp Tết âm lịch hơn là Tết Dương lịch.
Công bố thưởng khủng để làm gì?
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, một số DN địa ốc cuối năm thường công bố thông tin thưởng rất lớn so với các mặt bằng chung của các DN cùng lĩnh vực. Thưởng Tết của DN địa ốc có 2 mặt: Thứ nhất là do công ty làm ăn hiệu quả, lợi nhuận nhiều, nhân viên kinh doanh tốt, và thứ 2 là mang tính PR.
Nhiều người đặt nghi vấn câu chuyện thưởng Tết khủng với căn hộ, xe sang bạc tỷ của một số DN kinh doanh không thực sự nổi bật. Ảnh minh họa: Lê Quân. |
Ngành bất động sản mang tính đặc thù hơn các ngành khác do sản phẩm có giá trị lớn. Thành ra, một số DN địa ốc thường dồn thưởng thật lớn về một người để có thể khuyến khích, tạo động lực cho các nhân viên khác noi theo”, ông Quang chia sẻ.
Tuy nhiên ông Quang cũng cho rằng trên thực tế, có những DN hoạt động không hiệu quả lắm nhưng lại công bố thưởng Tết cực kỳ lớn bằng nhà, ôtô, thì cũng nên xem lại cách thưởng như thế nào. Phải xem DN đó hoạt động có hiệu quả hay không, thì mới biết là thưởng thật hay không.
Thưởng làm sao để cho đẹp là một chuyện khác.
“Nhiều DN lợi nhuận chỉ được 20 tỷ mà tặng nhà 10 tỷ thì cần phải xem lại. Độ hoành tráng ở ngoài khác với lợi nhuận thực tế. Nhưng đó là những năm trước, còn năm nay việc thưởng thực tôi nghĩ sẽ có nhiều hơn, vì các DN địa ốc làm ăn cực kỳ tốt”, ông Quang nói.
Một môi giới có thâm niên tại TP.HCM thì cho rằng thông tin thưởng Tết khủng sẽ tác động ngay đến số đông. Trong đó, có 2 nhóm đối tượng mà DN có thể hướng đến: Thứ nhất là nhân sự, mà chủ yếu là môi giới; thứ 2 là khách hàng.
Đối với môi giới mới vào nghề, họ có thể nghĩ ngay đó là công ty làm ăn tốt để vào làm. Khách hàng cũng vậy, những người thiếu kinh nghiệm dễ tin rằng công ty thưởng khủng phải đang kinh doanh tốt, nên mua nhà của họ sẽ cực kỳ yên tâm.
Trong khi đó Luật sư Phạm Đình Bắc, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng: “Khi DN quá nhấn mạnh PR qua chuyện thưởng Tết thì người nhận thưởng cũng chưa chắc nhận được thưởng như công bố. Ví dụ tặng một căn hộ nhưng bắt buộc phải sống ở đó, trong khi người ta không thuận tiện đi làm. Hoặc bắt người nhận thưởng phải cam kết làm việc với công ty trong vòng 20 năm... Thậm chí căn hộ nằm trong dự án đang ngừng triển khai”.
Lãnh đạo một DN địa ốc ở khu Nam TP.HCM, cho rằng thưởng Tết ở DN bất động sản luôn có quy tắc riêng. Thông thường, ở khối kinh doanh sẽ chia hoa hồng theo quý để tạo động lực, nếu gom về cả năm thì quá lâu. Do vậy, mức thưởng Tết cùng lắm vài tháng lương. Mà lương khối kinh doanh khá thấp so với hoa hồng theo doanh số, nên rất khó có con số khủng.
Do vậy, để có con số thưởng Tết khủng, đôi khi là nhiều chiêu trò đằng sau. Có trường hợp công ty công bố thưởng ôtô, nhưng thực tế ôtô đó chỉ được cấp cho lãnh đạo sử dụng đi lại, phục vụ công việc, còn về mặt sở hữu vẫn là của công ty đứng tên. Chưa kể, thưởng nhà bạc tỷ mà người được thưởng cũng chính là người nhà sếp lớn… Nên mức độ xác thực nguồn thưởng, mục đích thưởng và người nhận như thế nào là một câu hỏi khó lý giải.