Bí mật phía sau sân golf
Việt Nam có bao nhiêu sân golf đang kinh doanh, lời hay lỗ và ai vào chơi ở những sân golf này?
Mặc dù cả nước có khoảng 32 sân golf đang hoạt động, nhưng không ít sân rơi vào tình cảnh thua lỗ vì vắng khách, vốn đầu tư lớn, chiếm đất màu mỡ. Thế nhưng, nhiều địa phương, lãnh đạo chính quyền vẫn đề nghị cần tiếp tục đầu tư thêm nhiều sân golf.
VN cần bao nhiêu sân golf?
Chiều 3/5, tại sân golf Phú Mỹ (còn gọi là sân golf Twin Doves), nằm trong khu đô thị mới tỉnh Bình Dương, nơi diễn ra giải thi đấu với hơn 140 người tham gia vừa kết thúc, có hàng chục chiếc xe du lịch nhỏ mang biển số TP.HCM.
Các golf thủ chơi tại sân golf Phú Mỹ, Bình Dương. |
Trong sảnh tòa nhà trung tâm, nhiều người đang làm thủ tục ra về sau một ngày thi đấu, ở một góc sảnh là một nhóm người khác không tham gia giải đang chuẩn bị làm thủ tục để đánh đêm. Ông Mai Văn Nghĩa, Phó tổng giám đốc sân golf Phú Mỹ, cho biết tối 3/5 có khoảng 80 golf thủ đăng ký đánh đêm.
Ai đánh golf?
Anh Tuấn, nhân viên điều hành đã làm hơn ba năm tại sân golf này, cho biết thường thì khách người VN và nước ngoài vào chơi gần như ngang bằng nhau, sân chỉ đông trong những ngày cuối tuần, các ngày trong tuần thưa hơn nhiều. Ông Nghĩa cho biết ngày thường có khoảng 200 golf thủ đến chơi, ngày cuối tuần con số này dao động từ 300-350 người chơi suốt từ sáng đến tối khuya. “Với số lượng khách như vậy, sân này đạt khoảng 70% công suất. Phần lớn khách đến đây là doanh nhân ở TP.HCM, doanh nhân Bình Dương, người nước ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc) đang kinh doanh, đầu tư ở Bình Dương” - ông Nghĩa “bật mí”.
Nằm trên tuyến đường ven biển “5 sao” nối Đà Nẵng với đô thị cổ Hội An, hai sân golf thuộc vào loại “xịn” nhất miền Trung nằm kề nhau là Đà Nẵng Golf Club (Đà Nẵng) và Montgomerie Links (Quảng Nam) được cho là điểm đến giải trí của nhiều doanh nhân trong và ngoài nước hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, khách đến chơi golf ở hai sân này vào những ngày đầu tháng 5 khá vắng vẻ.
Khách chơi golf tại sân Đà Nẵng Golf Club. |
Theo chân H., một nữ quản lý sân golf ở Đà Nẵng Golf Club, chúng tôi có dịp đi khắp khuôn viên của sân golf 18 lỗ thuộc hàng “top” của sân golf VN, tuy nhiên chỉ gặp đúng ba nhóm người chơi, trong đó có đến hai nhóm người Việt đang cặm cụi phát bóng. “Đông nhất là hai ngày cuối tuần với trên 100 tay golf đến chơi nhưng chiếm đa số trong ngày nghỉ cuối tuần này vẫn là người Việt, trong đó người Đà Nẵng khoảng 20-30 người” - H. cho biết. Sau ba năm đưa vào khai thác, đến nay theo nhận xét của một đại diện Đà Nẵng Golf Club, khách có tăng đều qua từng năm, nhưng phần lớn là người nước ngoài thông qua các công ty lữ hành.
Tương tự, theo bà Trương Hoàng Uyên Ly - nhân viên tiếp thị và bán hàng của sân golf Montgomerie Links, lượng khách đến chơi golf chiếm phần lớn là khách châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. “Ngoài ra, còn một bộ phận là lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Đà Nẵng và một số đến từ Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi), số ít còn lại là doanh nhân và quan chức địa phương” - bà Ly cho hay.
Lời hay lỗ?
Theo khảo sát của hiệp hội Golf VN (VGA), đầu tư một lỗ golf tốn ít nhất 1 triệu USD, đó là chưa kể tiền thuê đất, đền bù giải tỏa, tùy địa hình mà số tiền đầu tư này còn gia tăng thêm. Ông Nguyễn Văn Hảo, tổng thư ký VGA, cho biết kinh doanh sân golf thuần túy (thu phí đánh golf, phí dịch vụ...) rất khó kiếm lời. Chính vì vậy, một sân golf 18 lỗ tại VN muốn huề vốn trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm, và muốn lợi nhuận 10% phải có 33.000 lượt người chơi/năm. Sân golf nhiều lỗ hơn, điểm huề vốn sẽ có số lượt người chơi cao thêm. “Ở VN hiện chỉ khoảng mười sân golf huề vốn hoặc có một ít lãi trong tổng số 32 sân golf đang hoạt động, trong đó phần lớn tập trung ở TP.HCM, Đà Nẵng, vùng xung quanh Hà Nội, Hải Phòng, Móng Cái (Quảng Ninh).
Hiện các sân golf đều duy trì hoạt động nhờ kinh doanh thẻ hội viên, trong đó thẻ duy trì hội viên 1.200 - 2.000 USD/năm. Mỗi lần hội viên vào đánh, sân golf thu trung bình 20 USD/người, khách vãng lai phí cao 3-5 lần tùy ngày đánh. “Nếu chỉ thu phí hội viên không biết đến khi nào các chủ đầu tư mới thu hồi vốn nên họ phải kinh doanh cái khác kèm theo” - ông Hảo cho hay. Và việc kinh doanh phần khác chủ yếu là bất động sản bên trong sân golf, thế nhưng do thị trường này mấy năm qua teo tóp nên nhiều chủ đầu tư sân golf cũng “lên bờ xuống ruộng”.
Kiếm tiền từ bất động sản
Sân golf Phú Mỹ rộng 165ha với tổng cộng 27 lỗ được liên doanh giữa một công ty Hàn Quốc và công ty ở Bình Dương đầu tư đến thời điểm này 82 triệu USD. Theo quy hoạch sân golf này, có 122ha dành để đánh golf, 16ha nhà biệt thự, 12ha nhà cao tầng, 7ha khách sạn, trung tâm hội nghị... Tuy nhiên phần bất động sản: khách sạn, nhà cao tầng, 200 căn biệt thự chưa biết khi nào mới được thi công vì “nhà ở thành phố mới còn không bán được thì trong sân golf này xây xong bán cho ai?” - ông Nghĩa phân tích.
Theo tính toán ban đầu của liên doanh dự án sân golf này, nếu kinh doanh golf đơn thuần phải mất 20 năm mới có thể hòa vốn, nếu có thêm bất động sản được đưa vào kinh doanh tốt, bán nhiều thẻ hội viên thì cũng phải mất ít nhất tám năm, tức là đến khoảng năm 2020 mới bắt đầu có lời. Để trở thành thành viên của sân golf này trong vòng 46 năm (thời gian tồn tại của dự án) mỗi người chơi phải trả ngay một lần 63.000 USD (đã giảm 10%).
Vì vậy theo ông Nghĩa, sau bốn năm triển khai bán thẻ thành viên (có lúc giá khuyến mãi chỉ khoảng 40.000 USD/năm) cũng chỉ có xấp xỉ 400 thành viên, trong khi mục tiêu đặt ra là 600 thành viên. “Vốn đầu tư sẽ được tính thu hồi bằng việc bán thẻ thành viên vì doanh thu hoạt động mỗi ngày của sân dư sức chi trả cho chi phí hoạt động. Số vốn chúng tôi bỏ ra đầu tư gần như không phải vay ngân hàng nên cũng không chịu gánh nặng trả lãi, nhưng tình hình kinh tế khó khăn, số lượng người có dư dả để mua thẻ rất ít nên thu hồi vốn rất chậm. Theo nguyên tắc tài chính, năm 2012 doanh thu của sân golf Phú Mỹ chắc chắn lỗ vì bán thẻ không đủ” - ông Nghĩa cho biết.
Chủ đầu tư một sân golf cho biết trong số thẻ thành viên có một lượng thẻ “ngoại giao” đáng kể mà không thể thu phí, có thẻ có giá trị vĩnh viễn, có thẻ chỉ vài năm, có những thẻ chỉ bán với giá tượng trưng, thẻ bán cho công ty (giống như bán sỉ) nên tính tổng số thành viên của một sân golf cũng chưa chắc nhìn thấy số tiền vốn thu hồi về.
Ông L,. một người chơi golf có bốn thẻ thành viên các sân golf ở TP.HCM và Bình Dương, cho biết các sân giờ khuyến mãi ghê lắm, khách vãng lai vào sân giờ có thêm bữa trưa thịnh soạn mà giá vé còn giảm đôi chút nên chẳng việc gì bỏ một đống tiền để làm thẻ thành viên. Mỗi năm ông chỉ đánh tối đa 20 lần ở một sân golf mới với chi phí 40 USD/lần. Theo ông Mai Văn Nghĩa, những năm trước các đại gia bất động sản rất thoải mái chi để trở thành thành viên của sân golf nhưng giờ đây họ đã biến mất. Các đại gia những ngành khác cũng không còn rủng rỉnh cho các hoạt động này nên doanh thu của sân golf giờ giảm hẳn.
Theo Tuổi trẻ