Bí mật dự án phòng thủ tên lửa của Trung Quốc
Không chỉ Mỹ và Nga mới có tham vọng về hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong thực tế, Trung Quốc từng muốn xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa với kinh phí khổng lồ từ những năm 60.
>>Nga đe dọa tấn công hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO
>>Triều Tiên hoàn tất công tác chuẩn bị thử hạt nhân lần ba
>>Các phương án bắn hạ vệ tinh Triều Tiên của Nhật Bản
Lịch sử phát triển
Ngày 15/12/1963, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã phát biểu rằng chiến lược quân sự của Trung Quốc là phòng thủ, vì vậy Trung Quốc cần thiết phải phát triển vũ khí phòng thủ (chiến lược) cũng như vũ khí tấn công.
Siêu pháo chống tên lửa XianFeng
Ngày 6/2/1964, trong cuộc gặp gỡ với Qian Xuesen (cha đẻ của ngành khoa học tên lửa Trung Quốc), chủ tịch Mao Trạch Đông đã một lần nữa khẳng định rõ tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo chủ tịch Mao Trạch Đông, hệ thống này sẽ không chịu ảnh hưởng của hai siêu cường lớn (Mỹ và Liên Xô), và Trung Quốc phải tự phát triển vũ khí của riêng mình.
Ngày 23/3/1964, 30 nhà khoa học hàng đầu ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có mặt trong một cuộc gặp gỡ do Ủy ban khoa học, công nghệ và công nghiệp Bộ quốc phòng Trung Quốc (COSTIND) tổ chức ở Bắc Kinh để cùng thảo luận về tính khả thi của hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tháng 8/1965, Ủy ban Trung Ương đặc biệt đã phê chuẩn bản kế hoạch phác thảo việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa do Ủy ban khoa học – công nghệ và công nghiệp Bộ quốc phòng đệ trình.
Ngày 23/2/1966, COSTIND đã tổ chức cuộc thảo luận khác xoay quanh kế hoạch phát triển chương trình phòng thủ tên lửa, mang mật danh “đề án 640” sau “chỉ thị 640” của chủ tịch Mao Trạch Đông.
Các yếu tố chủ yếu của đề án 640 bao gồm seri chống tên lửa đạn đạo Fanji, siêu pháo chống tên lửa XianFeng và mạng lưới cảnh báo sớm chống tên lửa. Hội nghị đã quyết định đẩy nhanh việc xây dựng một khu vực để thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa và phát triển đầu đạn hạt nhân cho hệ thống.
Dưới sự chỉ đạo của thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, viện khoa học số 2 đã được đổi tên thành viện nghiên cứu chống tên lửa đạn đạo và chống vệ tinh năm 1969 để gánh vác trọng trách phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa.
Radar 110
Viện 210 cấp dưới được phân công phát triển siêu pháo chống tên lửa. Viện Shanghai chịu trách nhiệm phát triển vũ khí laze chống tên lửa.
Sau đây là một số thành phần chính trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc:
Tên lửa đánh chặn FanJi (FJ)
Viện khoa học số 2 đã khởi đầu bằng ba chương trình phát triển tên lửa đánh chặn vào đầu những năm 1970 gồm: tên lửa đánh chặn tầm thấp/ tầm trung FanJi 1, tên lửa đánh chặn tầm thấp FanJi 2, đánh chặn tầm cao FanJi 3.
FanJi 1 là loại tên lửa đánh chặn tốc độ siêu âm được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo ở tầm thấp và tầm trung. FanJi 1 thiết kế 2 tầng phóng, tầng thứ nhất của tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng và tầng thứ hai dùng động cơ nhiên liệu rắn.
Cuộc thử nghiệm bắn thử hai tên lửa đã được thực hiện thành công vào tháng 8 và tháng 9 năm 1979. Quân đội Trung Quốc dự định đề xuất triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh thủ đô Bắc Kinh dùng FanJi-1.
Dù vậy, chương trình phát triển đã bị hủy bỏ bởi chính phủ Trung Quốc tháng 3 năm 1980 do những lý do về chính trị và tài chính. Từ tháng 10/1971 tới tháng 4/1972, viện nghiên cứu số 2 đã thử nghiệm sáu lần với mô hình thu nhỏ tỷ lệ 1:5 của tên lửa đánh chặn tầm thấp FanJi 2, trong đó có năm lần thành công. Chương trình phát triển bị hủy bỏ năm 1973. Tên lửa đánh chặn tầm cao FanJi 3 cũng do Viện nghiên cứu số 2 lên kế hoạch phát triển năm 1974. Song, năm 1977 thì dự án bị hủy bỏ.
Siêu pháo chống tên lửa “Xianfeng”
Siêu pháo chống tên lửa do viện nghiên cứu 210 phát triển. Tháng 1 năm 1967, siêu pháo chống tên lửa biết đến với cái tên “Xianfeng” (“Pioneer” – tiên phong) được đề xuất. Siêu pháo dài 26m và nặng 155 tấn. Siêu pháo có cỡ nòng 420mm thiết kế để bắn ra đạn nặng 160kg, đây là loại đạn không điều khiển, có sử dụng động cơ rocket dùng để đánh chặn đầu đạn hạt nhân.
Các cuộc thử nghiệm khác nhau tiến hành đầu những năm 1970 và sớm chứng minh đây là thiết kế không thực tế. Chương trình phát triển siêu pháo tạm dừng năm 1977 và hủy bỏ tháng 3/1980.
Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa
Cùng với hệ thống ABM, cần phải phát triển kết hợp với hệ thống theo dõi và cảnh báo sớm tên lửa. Giai đoạn đầu của dự án bao gồm năm trạm cảnh báo sớm tên lửa đặt ở Khashi, Nanning, Kunming, Hainan, Jiaodong và Xiangxi và trung tâm điều khiển chỉ huy ở Weinan.
Các yếu tố chủ yếu của hệ thống mạng cảnh báo sớm bao gồm radar theo dõi cảnh báo sớm mảng pha 7010 và radar dò tìm tên lửa 110. Cả hai hệ thống radar đều đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp khả năng cảnh báo sớm tên lửa cho Trung Quốc, cũng như hỗ trợ các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chương trình không gian.
Radar cảnh báo sớm 7010
Tên lửa đánh chặn FanJi 1
Radar 7010 do viện nghiên cứu điện tử số 14 phát triển năm 1970. Radar 7010 là loại radar mảng pha thiết kế để dò tìm, nhận dạng và theo dấu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và các vật thể khác trong khoảng không vũ trụ. Chương trình phát triển radar 7010 hoàn thiện đầy đủ và chính thức đi vào hoạt động năm 1976. Ăng ten của radar có kích cỡ 40x20m được chế tạo và đặt ở ngọn núi Huangyang cao hơn mực nước biển 1600m ở Xuanhua, tỉnh Hebei, nằm phía tây bắc cách Bắc Kinh 140km. Chiếc thứ hai đặt ở tỉnh Henan.
Tháng 7/1979, trạm radar 7010 đã cung cấp chính xác thời gian trở lại bầu khí quyển của tàu vũ trụ Skylab (Mỹ). Ngày 12/1/1983, radar 7010 dự đoán thành công được thời gian và địa điểm đổ bộ của vệ tinh nhân tạo Cosmos 1402 (Liên Xô). Trạm radar 7010 đã bị “bỏ rơi” vào đầu những năm 1990.
Radar theo dõi tên lửa đơn xung 110
Radar 110 là sản phẩm hợp tác phát triển giữa viện nghiên cứu điện tử số 14 và viện nghiên cứu điện tử thuộc học viện khoa học Trung Quốc chế tạo trong những năm đầu 1970.
Ăng ten radar có đường kính 25m và nặng 400 tấn. Radar 110 hoàn thành và đi vào hoạt động năm 1977, với một trạm xây dựng ở Zhanyi và trạm theo dõi tên lửa ở phía nam tỉnh Yunnan.
Hủy bỏ
Đề án 640 đòi hỏi phải có công nghệ kỹ thuật hiện đại và nguồn kinh phí khổng lồ nên dự án này đã gặp khó ngay khi mới bắt đầu.Thêm vào đó, năm 1972 hiệp ước chống tên lửa đạn đạo đã được ký kết giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và sau đó sự kết thúc của hệ thống phòng thủ tên lửa Safeguard (Mỹ). Hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc trở nên đơn độc và thực sự không cần thiết.
Tháng 3/1980, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình quyết định hủy bỏ toàn bộ dự án để tập trung phát triển kinh tế đất nước. Đề án 640 hủy bỏ, toàn bộ mạng lưới theo dõi và cảnh báo sớm chống tên lửa được cải tiến thành mạng theo dõi, đo xa và điều khiển để hỗ trợ chương trình không gian của Trung Quốc.
Theo Thế giới & hội nhập