Trước nguy cơ trái cây Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại đe dọa sức khỏe, nhiều người tiêu dùng có thu nhập thấp cũng đang sẵn sàng chi thêm tiền để mua trái cây sạch. Tuy nhiên, vẫn có đường để trái cây Trung Quốc tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng mà ít được chú ý đến, đó là những món sinh tố, nước ép.
Thời tiết oi bức khiến nhu cầu giải nhiệt của người dân gia tăng, các món sinh tố hay nước ép cũng được ưa chuộng nhất. Tâm lý người tiêu dùng thường cho rằng, những món giải nhiệt làm từ trái cây sẽ đảm bảo sự nguyên chất, ít độc hại hơn những loại thực phẩm đóng gói sẵn. Tuy nhiên, với sinh tố, nước ép được chế biến từ trái cây Trung Quốc, nguy cơ độc hại còn lớn hơn nhiều lần.
Mùa nắng nóng, nước ép, sinh tố là món giải nhiệt được nhiều người chọn mà không để ý đến nguồn gốc các loại trái cây, nguyên liệu pha chế. |
Theo người làm nghề pha chế tại một quán giải khát ở TP.HCM, “tùy số lượng ít hay nhiều, hầu như tất cả các quán cà phê, kinh doanh nước giải khát đều có sử dụng trái cây xuất xứ Trung Quốc. Những quán cà phê lớn, có thương hiệu thường sẽ mua trái cây ở các địa chỉ đáng tin cậy hơn, tuy nhiên xuất xứ cũng ít được chú trọng. Còn lại những quán giải khát bình dân thì khoảng 80% là trái cây Trung Quốc. Thậm chí có nhiều nơi sử dụng hoàn toàn trái cây Trung Quốc để chế biến thức uống”.
Cũng theo anh này, để có nguyên liệu cho việc kinh doanh của quán, những bán sẽ tới các chợ đầu mối nông sản để lấy hàng. Và chỉ có trái cây Trung Quốc mới đáp ứng được các yêu cầu: giá rẻ, để được lâu, màu sắc bắt mắt. Đặc biệt là các loại táo, lê, cam, nho, cà rốt, dâu.... thường là hàng Trung Quốc, để đến 2 tuần mà vẫn còn tươi nguyên.
Anh này dẫn chứng, hiện trên thị trường, giá bơ sáp Đăk Lăk loại 1 là 55.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 55.000 đồng/kg, nho xanh Ninh Thuận 85.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 70.000 đồng/kg, cam xoàn Bến Tre 65.000 đồng/kg, cam sành Long An 50.000 đồng/kg, đu đủ vườn 30.000 đồng/kg, dưa hấu không hạt 28.000 đồng/kg.... Giá của một ly sinh tố ở những quán bình dân tại TP.HCM hiện nay chỉ từ 10.000-20.000 đồng. Nếu sử dụng trái cây trong nước thì các chủ kinh doanh khó mà có lời. Đó là chưa kể đến chi phí mặt bằng, nguyên liệu chế biến như đường, đá, sữa.... Nên họ sẽ thay bằng các loại trái cây Trung Quốc, vốn có giá chỉ bằng 40% những con số trên.
Còn theo một người bán hoa quả ở chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), hoa quả được chia ra nhiều loại bán cho nhiều đối tượng. Trong đó có loại hoa quả dùng bán cho những người kinh doanh sinh tố, nước ép. Đối tượng thường chọn mua những loại hoa quả rẻ, có thể bị hư hỏng bầm dập chút ít là những người bán sinh tố, nước ép bình dân. Những quán sang trọng thì sẽ đặt hàng chất lượng, hoặc mua hàng ở siêu thị để có hóa đơn, còn người kinh doanh vỉa hè bình dân thì miễn rẻ là mua.
Mặc dù dùng trái cây để chế biến không tươi, nhưng trên thực tế, những ly sinh tố bình dân vẫn rất thơm ngon. Giải đáp thắc mắc này, Lan, phục vụ tại quán sinh tố trên Quốc lộ 13 (Thủ Đức) cho biết, trái cây chỉ là một phần để tạo nên ly sinh tố, ngoài ra còn có phụ liệu khác như siro, sữa. Pha sinh tố loại nào thì sẽ thêm vào siro loại trái cây đó, đảm bảo có hương vị thơm ngon.
Không chỉ sử dụng trái cây, các quán còn sử dụng siro Trung Quốc để chế biến sinh tố, nước ép để có lợi nhuận cao nhất. |
“Không chỉ là trái cây Trung Quốc, những loại nước cốt trái cây hay còn gọi là siro cũng là hàng Trung Quốc”, một người pha chế tại quán cà phê trên đường Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) khẳng định. Siro có nhiều xuất xứ, ví dụ như siro Monin các vị của Pháp có giá khoảng 220.000 đồng/chai 70ml, loại này được sử dụng ở các quán cà phê sang trọng. Còn có nhiều loại siro giá rất rẻ, chưa đến 10.000 đồng đã có thể mua một chai 650ml hàng Trung Quốc. Các quán vỉa hè bán cho sinh viên, học sinh thường sử dụng loại này. "Thường thì khi sử dụng những loại siro này để pha vào nước ép hoặc sinh tố trái cây thì đã đủ độ ngọt nên chủ quán cũng sẽ tiết kiệm thêm chi phí mua đường và sữa đặc", người này cho biết thêm.