Theo phản ánh từ phía khách hàng Trương Quang Lộc (trú tại phường An Đông, TP Huế), chiều ngày 12/3, trong quá trình giao dịch bán hàng, nhân viên của anh có trao đổi thông tin cùng một chủ tài khoản Facebook (hiện đã khóa) để bán dụng cụ máy ảnh.
Khách hàng này đã đặt mua một tủ chống ẩm máy ảnh và yêu cầu gửi về địa chỉ phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Số tiền giao dịch là 1,57 triệu đồng, bao gồm tiền dụng cụ và phí vận chuyển.
Tài khoản Facebook này nói rằng mua cho một người quen ở nước ngoài, nên tiền sẽ được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam qua tài khoản của anh Lộc.
Sau đó, anh Lộc nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ có nội dung chuyển tiền quốc tế vào tài khoản của anh kèm theo một đường link ngân hàng và yêu cầu anh làm theo hướng dẫn.
Đường link này yêu cầu anh Lộc cung cấp một số thông tin bảo mật tài khoản ngân hàng. Ngay sau đó, anh nhận được thông báo chuyển 50 triệu đồng từ tài khoản Vietcombank của anh qua ví điện tử Momo.
Giao diện đường link lừa đảo anh Lộc đã truy cập theo hướng dẫn của kẻ gian |
Khi mã OTP gửi về điện thoại, biết đã bị kẻ gian lợi dụng, anh Lộc đã không nhập mã OTP như yêu cầu. Tuy nhiên, kẻ gian vẫn thực hiện thành công lệnh chuyển tiền với tổng giá trị 50 triệu đồng từ tài khoản của anh Lộc.
Anh vội liên hệ Ngân hàng Vietcombank tạm khóa tài khoản giao dịch, ngăn kẻ gian rút thêm tiền.
Chia sẻ về sự việc này, đại diện Vietcombank xác nhận ngân hàng đã nhận được yêu cầu hỗ trợ từ một khách hàng, thông báo bị lừa đảo qua việc bấm vào đường link giả mạo và đã cung cấp toàn bộ thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử kể cả mật mã OTP cho đối tượng lừa đảo.
Đối tượng lừa đảo đã thực hiện các giao dịch trên tài khoản của khách hàng với giá trị 50 triệu đồng.
Ngân hàng này cũng cho biết trong số 50 triệu tiền nói trên, ngân hàng đã khoanh giữ lại được hơn 30 triệu đồng và đã thông báo cho khách hàng trong ngày 13/3.
Hiện nay, ngân hàng đang phối hợp với đối tác và các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Phía ngân hàng này cũng cho biết thêm thực chất hành vi lừa đảo như trên của kẻ gian không mới, Vietcombank và nhiều ngân hàng trong hệ thống đã đã liên tục cảnh báo tới khách hàng.
Nhà băng này cũng lưu ý với các khách hàng một số yêu cầu nhằm bảo mật thông tin cá nhân như tuyệt đối không mở tài khoản và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử cho người khác sử dụng; không tiết lộ tên đăng nhập (username), mật khẩu truy cập, mã PIN của bất kỳ dịch vụ ngân hàng điện tử, mã OTP, mã kích hoạt dịch vụ cho bất cứ ai qua bất kỳ kênh nào như điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng, website, đường link lạ…
Trong trường hợp phát hiện mình vừa truy cập vào đường link nghi ngờ giả mạo, khách hàng nên đổi mật khẩu truy cập ngân hàng trực tuyến, Mobile Banking ngay lập tức.
Dịch vụ SMS Banking, thông báo biến động số dư tài khoản qua tín dụng được xem là một biện pháp hữu hiệu trong việc phát hiện các giao dịch gian lận bất thường trong tài khoản.
Ngoài ra, khi nhận được tin nhắn OTP, cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn (thông thường bao gồm: loại giao dịch, số tiền giao dịch, kênh giao dịch).
Nếu nội dung tin nhắn không khớp đúng với giao dịch do chính khách hàng đang thực hiện, khách hàng tuyệt đối không nhập mã OTP này vào bất kỳ trang web nào hoặc tiết lộ cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức.