Chiêu trò giả dạng các lập trình viên, luật sư nhằm lừa đảo các nạn nhân đã từng bị mất tiền. Ảnh: iStock. |
Lê Mẫn T. (Hà Nội) từng bị lừa mất gần 500 triệu đồng do tham gia vào hội nhóm tìm kiếm việc làm trên nền tảng Telegram. Sau khi đăng tải câu chuyện bản thân lên hội nhóm, chị T. nhận được nhiều tin nhắn tự xưng "hacker" với mong muốn giúp đỡ chị tìm lại số tiền đã bị mất.
Vì cả tin và mong muốn lấy lại số tiền lớn đã bị lừa, nạn nhân lại tiếp tục bị lừa mất 86 triệu đồng tiền "phí thu hồi vốn".
Lừa đảo đội lốt hỗ trợ
Chị T. cho biết sau khi đăng tải câu chuyện bị lừa đảo vào hội "Cảnh báo scam, truy tìm lừa đảo" trên mạng xã hội, chị T. được tài khoản có tên "Nguyễn Pháp" kết bạn. Tài khoản trên tự xưng là lập trình viên, làm việc cho "tổ trọng án" chuyên theo dõi các vụ lừa đảo nhằm giúp đỡ người bị hại.
"Tôi bị trang CV88**.com lừa đảo gần 500 triệu đồng, sau khi đăng tải lên hội nhóm thì có người tên Nguyễn Pháp liên lạc qua Facebook. Hắn ta tự xưng là lập trình viên có kinh nghiệm hơn 8 năm, muốn giúp tôi lấy lại tiền bị mất. Cách nói chuyện rất hiểu biết, tự tin nên tôi cũng nghĩ là thật", chị T. chia sẻ.
Sau khi trao đổi thông tin, "hacker" này đã yêu cầu chị T. cung cấp số tài khoản ngân hàng, tên ứng dụng lừa đảo. Kẻ lừa đảo đã nhanh chóng thông báo đã đăng nhập thành công nhờ khả năng "phá tường lửa của hệ thống lừa đảo".
Những lời quảng cáo đánh vào tâm lý của nạn nhân trong các hội nhóm chia sẻ, cảnh báo lừa đảo. |
Để lấy lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo đã quảng cáo bản thân hiện hợp tác cùng lực lượng lập trình viên, luật sư và cơ quan chức năng tại TP.HCM để xử lý vụ án. Tên "hacker" giả này còn nhấn mạnh về khả năng thành công khiến chị T. hoàn toàn tin tưởng.
"Nguyễn Pháp gửi cho tôi hình ảnh về các vụ lừa đảo được phá, tin nhắn cảm ơn từ các nạn nhân để lấy lòng tin của tôi. Hắn ta còn nói đang ngồi cùng cảnh sát hình sự TP.HCM và đội lập trình viên cấp cao gì đó của nhà nước. Tên này còn gửi cho tôi những tên của trang lừa đảo, nhấn mạnh tất cả những người thu phí trước đây đều là giả mạo", chị T. kể về chiêu trò của kẻ lừa đảo.
Với tâm lý muốn sớm "cứu" tiền, chị T. đã nhanh chóng chấp thuận yêu cầu đóng 10% phí thu hồi của lập trình viên này. Tuy nhiên sau đó khoảng một giờ đồng hồ, kẻ lừa đảo tiếp tục liên lạc thông báo nạn nhân cần chuyển thêm 36 triệu đồng bởi số tiền cần chuyển về quá lớn khiến chi phí cho các ngân hàng và thủ tục phát sinh thêm.
Tin nhắn của nhóm lừa đảo dưới danh nghĩa "hỗ trợ" nhằm tiếp tục lấy thêm tiền của nạn nhân. |
"Khoảng gần một giờ đồng hồ sau thì Phát nhắn bảo tôi kiểm tra, nếu chưa về thì cần chuyển thêm 36 triệu chi phí phát sinh do số tiền 500 triệu đồng là quá lớn, cần đóng phí thủ tục", chị T. chia sẻ thêm.
Sau khi chuyển khoản tổng 86 triệu đồng, chị T. bất ngờ nhận thấy mình đã bị tài khoản của "hacker" kia chặn và các tin nhắn cũng đã bị thu hồi. Liên lạc đến số điện thoại được kẻ lừa đảo cung cấp, nạn nhân được biết đây là số ảo, không có thật.
Giả dạng nhân viên ngân hàng
Tương tự chị T., chị Nguyễn Dương H. (TP.HCM) cũng là nạn nhân của chiêu trò giúp đỡ thu hồi tiền. Chị H. cho biết vì xem được quảng cáo từ tài khoản có tên Tất Thành tự xưng là đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần lớn, có thể lấy lại tiền đã bị lừa đảo nên đã liên lạc.
Cùng chiêu thức tạo lòng tin, kẻ lừa đảo đã nhanh chóng gửi thẻ nhân viên ngân hàng, hình ảnh CMND cho chị H. kiểm tra. Sau đó yêu cầu chị H. chuyển khoản đặt cọc 10 triệu đồng ban đầu làm phí dịch vụ.
"Tôi nhắn cho một trang hỗ trợ trên Facebook thì được thêm vào nhóm gồm tổng cộng 3 người, tôi, người 'sếp' và nhân viên ngân hàng. Ban đầu tôi không tin nhưng bọn chúng phối hợp diễn rất đạt, gửi cả thẻ nhân viên cho tôi kiểm tra. Họ còn nói dịch vụ này không thu phí, sau khi lấy lại tiền sẽ chuyển trả tôi 210 triệu đồng, coi như là đặt cọc", chị H. chia sẻ.
Các trang tự xưng "hỗ trợ" thường sử dụng thông tin và hình ảnh giả. |
Với mong muốn sớm nhận lại tiền, chị H. đã chuyển khoản 10 triệu đồng theo yêu cầu. Sau đó không lâu, kẻ lừa đảo gửi hình ảnh hóa đơn chuyển khoản thành công 210 triệu đồng cho chị H. và thông báo số tiền hiện bị đóng băng. Tuy nhiên khi liên lạc đến ngân hàng, chị H. được biết không có khoản tiền nào bị đóng băng, nếu có cũng không mất phí gì.
Nhận ra có dấu hiệu lừa đảo, chị H. nhanh chóng nhắn tin công kích và yêu cầu kẻ lừa đảo trả lại tiền. Tài khoản có tên "Tất Thành" cho biết người này hiện ở phòng giao dịch có địa chỉ quận 6 (TP.HCM), chị H. có thể kiểm tra.
"Kẻ đó nói cả 2 làm việc ở địa chỉ đường Hậu Giang, quận 6 (TP.HCM). Tôi tìm kiếm thì được biết đây là địa chỉ phòng giao dịch của ngân hàng nhưng không có nhân viên nào tên Thành. Người có tên Tất Thành còn hăm dọa sẽ cho pháp lý trên Bộ xuống nhà làm việc với tôi vì vu oan", chị H. chia sẻ thêm.
Từ khoảng tháng 4/2022 đến nay, các đơn vị thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã liên tục có cảnh báo người dùng Internet nâng cao cảnh giác với thủ đoạn được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng thời gian gần đây.
Để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát, bị chiếm đoạt tài sản, các chuyên gia Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến nghị người dân cảnh giác trước các yêu cầu chuyển khoản, việc làm có mức lương hấp dẫn hay quà tặng bất ngờ.
Đồng thời, người dân cũng cần thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng để đề phòng.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.