Vài năm gần đây, các cửa hàng đồng giá 10.000 đồng dần ít đi. Một số thương hiệu lớn chuyển sang hình thức kinh doanh khác. Vẫn nhìn ra được điểm mạnh của mô hình kinh doanh này, Nguyễn Anh Túc (Hà Nội) quyết định đầu tư mở chuỗi cửa hàng đồng giá 1 euro.
Với mô hình này, mỗi sản phẩm được bán đồng giá là 28.000-29.000 đồng, tùy theo tỷ giá từng giai đoạn, được quy đổi và làm tròn ra tiền Việt. Phần lớn hàng hóa có nguồn gốc ở Đức, ngoài ra là Anh, Pháp, Nga...
Anh Túc cho biết, trước khi lên kế hoạch mở hàng đồng giá này, anh đã tham khảo mô hình kinh doanh tương tự của các thương hiệu Việt và Nhật. Theo anh, hàng đồng giá 10.000 đồng từng được nhiều người áp dụng và khá thành công. Tuy nhiên, dù có giá rẻ nhưng chất lượng sản phẩm thấp nên khó được lòng khách hàng. Tuổi thọ của mô hình này vì thế cũng không cao.
Kinh doanh hàng đồng giá 1 euro là ý tưởng mới lạ song ban đầu chủ hàng cũng gặp một số khó khăn. Ảnh: Ngọc Lan. |
Trong khi đó, mô hình đồng giá của Nhật đảm bảo về chất lượng nhưng mức 39.500-40.000 đồng một sản phẩm lại tương đối cao so với thu nhập trung bình của người Việt.
"Bên cạnh đó, phần lớn hàng đồng giá của Nhật được gia công ở Trung Quốc, Thái Lan. Trên bao bì sản phẩm có ghi dòng chữ 'Made in China' khiến khách hàng lầm tưởng đây là hàng nhái. Tâm lý người Việt không ưng mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ thị trường này. Vì vậy, nếu không làm truyền thông tốt, họ sẽ mất một lượng khách nhất định", anh phân tích.
Qua những đánh giá trên, anh Túc cho rằng, giá 1 euro, tức 28.000-29.000 đồng một sản phẩm là không quá cao so với mức chi của một gia đình Việt có thu nhập trung bình trở lên. Lý do anh tự tin mở thêm 3 cửa hàng đồng giá 1 euro ở Hà Nội chỉ trong 3-4 tháng là người Việt đang khá chuộng hàng châu Âu.
"Ban đầu tôi khá băn khoăn về mức lợi nhuận thu lại do giá mỗi sản phẩm là rất nhỏ - cũng là điều khó khăn nhất trong kinh doanh hàng đồng giá. Song, nếu nhìn rộng ra, hàng trăm thương hiệu trên thế giới đang có nhu cầu quảng bá những sản phẩm mới. Do đó, đối tác có thể chấp nhận bán sản phẩm của họ với giá thấp hơn niêm yết và thấp hơn 1 euro. Nếu tận dụng được nguồn hàng này, cửa hàng có thể thu về một khoản không hề nhỏ", anh cho hay.
Mới đi vào hoạt động được 2 tháng, cửa hàng đầu tiên của anh Túc đã có lãi, song không đáng kể. Để giải bài toán này, anh Túc bổ sung thêm các sản phẩm có mức giá cao hơn, dao động 150.000-200.000 đồng. Sau một tháng nghiệm thu, anh nhận được câu trả lời bất ngờ là những mặt hàng bán phụ nhưng lại tạo lợi nhuận chính cho cửa hàng.
Có nguồn gốc châu Âu, các sản phẩm đồng giá 1 euro được khách hàng lựa chọn. Ảnh: Ngọc Lan. |
"Trong khi trên mạng xã hội, dịch vụ mua bán hàng xách tay châu Âu đang rầm rộ, nhiều người phải bỏ đủ các loại phí để mua một hộp mỹ phẩm từ Đức hay Nga về. Tận dụng cơ hội này, cửa hàng nhập thêm các sản phẩm đang bán chạy trên thị trường. Khách hàng có thể chọn mua sản phẩm với giá đã được niêm yết, có nguồn gốc rõ ràng", anh Túc cho hay.
Chị Nguyễn Phương Anh (Lê Văn Lương, Hà Nội) thường xuyên mua khăn mặt, kem đánh răng, sữa tắm, nước rửa tay tại cửa hàng 1 euro. Khách hàng này cho biết, so với giá trong siêu thị, những sản phẩm trên chỉ đắt hơn 1.000-5.000 đồng, thậm chí mặt hàng sữa tắm, dầu gội rẻ hơn gần một nửa. Sau 5 tháng sử dụng thường xuyên, chị Phương Anh đánh giá chất lượng sản phẩm tương đối tốt.
Song, theo chị, hạn chế là sản phẩm không phong phú và có thời gian thiếu hàng. Chị cũng cho biết, một số thương hiệu còn khá lạ nên người tiêu dùng chưa sẵn sàng để sử dụng.
Anh Phong (Ngọc Khánh, Hà Nội) cũng cho hay, gia đình anh sử dụng thường xuyên những sản phẩm trên bởi giá hàng hóa phù hợp. Bên cạnh đó, theo anh, những sản phẩm mang thương hiệu châu Âu thường được kiểm định chặt chẽ trong việc đánh giá chất lượng cũng như độ an toàn.