Pha cản phá thành công cú sút luân lưu do Darmian thực hiện trong trận gặp Italy của Neuer. Ảnh: The Sun. |
Với tuyển Đức, việc sở hữu một thủ môn hàng đầu thế giới và thành tích sút penalty thuộc hàng tốt nhất trong số các đội tuyển quốc gia vẫn chưa đủ.
Để chuẩn bị cho Euro 2016, đội tuyển nổi tiếng với những kế hoạch tỉ mỉ này sử dụng công nghệ cao để giành lấy những ưu thế dù là nhỏ nhất trước các đối thủ, khi đội bóng phải đá luân lưu trong vòng knock-out.
Penalty Insights - ứng dụng cho công ty phần mềm Đức là SAP thiết kế - cung cấp cho Manuel Neuer và huấn luyện viên thủ môn của đội bóng về cách đối thủ của họ sút penalty. Nó chứa dữ liệu của tất cả các đội bóng tham dự Euro, nổi bật trong đó là những cầu thủ có khả năng đảm nhận vai trò sút penalty.
Ứng dụng này hiển thị khu vực khung thành mỗi cầu thủ nhắm đến, cùng với đó là những biểu hiện đặc biệt của họ, chẳng hạn cách chạy đà, cách họ nhìn quả bóng, thủ môn hoặc khung thành.
Nó cũng sở hữu đầy đủ dữ liệu về thành tích sút penalty của mỗi cầu thủ như sút bao nhiêu quả, ghi bao nhiêu bàn, bỏ lỡ bao nhiêu. Ngoài ra, ứng dụng cung cấp video của từng pha sút, cho phép Neuer và các thủ môn của tuyển Đức phân tích một cách chính xác nhất.
“Trong quá khứ, chúng tôi phải tìm kiếm dữ liệu rất mệt mỏi”, huấn luyện viên thủ môn của tuyển Đức Andreas Kopke chia sẻ. “Giờ đây, chúng tôi có thể phân tích từng cầu thủ và chuẩn bị cho thủ môn một cách tối ưu”.
Tuyển Đức sở hữu thành tích thắng 100% khi sút penalty tại World Cup – thắng cả 4 lần và chỉ sút hỏng một trong tổng số 18 quả. Thủ môn số một của họ là Manuel Neuer cũng sở hữu thành tích đáng nể với 15 pha cản phá thành công trong tổng số 32 quả penalty phải đối mặt trong 13 năm chơi bóng chuyên nghiệp, trước Euro.
Trước khi cản phá thành công 2 quả penalty của Italy, đưa Đức vào bán kết, pha cản phá penalty gần nhất của anh này là trước Fernando Torres của Atletico Madrid trong khuôn khổ bán kết Champion Leagues.
Tất nhiên, việc Đức theo dõi lịch sử sút penalty không giấu được các đối thủ. Sau trận thắng Italy, Neuer cũng tiết lộ, tất cả các cầu thủ tham gia sút phạt của Italy đều không sút cùng hướng với lần gần nhất họ thực hiện. Tuy nhiên, chỉ riêng việc biết được thói quen của đối thủ cũng giúp Neuer nắm được lợi thế tâm lý lớn.
Mặc dù được trợ giúp “tận răng”, quản lý đội bóng Oliver Bierhoff tin rằng mọi sự chuẩn bị đều có thể bị phá sản bởi các khoảnh khắc trong bóng đá: “Các cầu thủ hàng đầu biết rằng dữ liệu của họ bị thu thập. Yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất”.
Neuer ăn mừng với các đồng đội sau chiến thắng nghẹt thở. |
Năm 2014, công nghệ phân tích hiệu suất cầu thủ của SAP giúp tuyển Đức giảm thời gian giữ bóng trung bình của mỗi cầu thủ từ 3,4 giây (World Cup 2010) xuống còn 1,1 giây. Di chuyển quả bóng liên tục – theo huấn luyện viên Joachim Low – là yếu tố chiến thuật quan trọng giúp họ đè bẹp Brazil với tỷ số 7-1 và đánh bại Argentina trong trận chung kết.
Trước thềm Euro 2016, tuyển Đức được trang bị thêm một ứng dụng thứ 3, cho phép phân tích chiến thuật của từng đối thủ và phân tích điểm mạnh yếu của cầu thủ đội bạn. “Chúng tôi có thể gửi thông tin này đến huấn luyện viên và cầu thủ qua iPhone của họ”, Bierhoff cho hay. “Với bất cứ đối thủ nào, chúng tôi có thể nhìn ra và phản ứng tức thì trước mỗi thay đổi của họ”.
Tuy nhiên, có một điểm thú vị là sau khi phân tích cực kỳ kỹ lưỡng về Italy, phần mềm của SAP lại đưa ra cảnh báo: “đừng bao giờ tin vào những thông số trên sân của Italy. Họ là ông vua trên sân (ám chỉ cách họ làm chủ trận đấu theo cách của mình) và sẽ dùng mọi thủ thuật để duy trì điều đó. Họ sở hữu cực nhiều kinh nghiệm và linh hoạt về chiến thuật”.
Rõ ràng, phần mềm của SAP đã cảnh báo hoàn toàn chính xác. Trong khuôn khổ các trận đấu tại Euro lần này, tuyển Ý luôn khiến các đối thủ “té ngửa” vì cách họ tiếp cận trận đấu. Bản thân tuyển Đức cũng gặp vô vàn khó khăn, dù vươn lên dẫn trước với bàn thắng của Oezil. Đây cũng là lần đầu tiên trong loạt sút luân lưu, có đến 3 cầu thủ của Đức thực hiện không thành công.