Chuyên gia
Người bắn pháo hoa không phải cổ động viên chủ nhà. Họ là CĐV của Borussia Dortmund, đại kình địch với Schalke. Nhóm này hân hoan ăn mừng ngay trên chính sào huyệt đối thủ.
Chuyện gì đã xảy ra? Trận derby vùng Ruhr đã kết thúc từ tháng 2. Với CĐV Dortmund, họ tổ chức tiệc để tiễn Schalke xuống hạng. Một bi kịch đã xảy ra.
Cổ tích không có hậu
Sau 30 năm chơi ở Bundesliga, Schalke xuống hạng. Nếu không theo dõi bóng đá Đức thường xuyên, nhiều người sẽ bị sốc.
Mới vài năm trước, Schalke còn dự Champions League. Họ thậm chí từng vào tới bán kết ở mùa 2010/11.
Khi ấy, đội hình đại diện vùng Ruhr vẫn còn Manuel Neuer đứng trong khung thành. Ở hàng thủ, họ sở hữu Joel Matip và Christoph Metzelder. Cũng thời điểm đó, huyền thoại Raul Gonzalez Blanco vẫn còn khoác áo số 7 ở CLB.
Raul từng có thời gian khoác áo Schalke. Ảnh: Getty. |
Làng bóng đá thế giới từng được chứng kiến một Schalke như vậy. Họ không phải đội bóng quá mạnh hay khác biệt phần còn lại. Nhưng CLB này chẳng hề dễ bị bắt nạt.
Theo dõi Schalke luôn tạo ra cho người xem cảm giác rất tuyệt. Ở đó, họ như lạc vào thế giới cổ tích mà đội bóng Đức sắm vai "Chàng tí hon" David sẵn sàng đấu với những "gã khổng lồ" Goliath.
Những hình ảnh ấy không còn, để rồi điều còn sót lại là một Schalke rệu rã và bạc nhược. Mọi chuyện thay đổi quá nhanh. Không ai có thể tin được rằng đại diện vùng Ruhr đã xuống hạng.
Người hâm mộ Borussia Dortmund có dịp hả hê khi đối thủ không đội trời chung tụt dốc thảm hại. Nhưng sâu thẳm trong trái tim người hâm mộ, họ lại có phần tiếc nuối.
Derby vùng Ruhr luôn là một trong những trận đấu hấp dẫn nhất nước Đức. Khi trái bóng lăn trên sân Veltins Arena hay Signal Iduna Park, ngày hội thật sự xuất hiện.
Mỗi lần Schalke chạm trán Dortmund, chủ đề này lại trở thành đề tài gây tranh cãi nhiều nhất, giống như khi người ta so sánh Cristiano Ronaldo và Lionel Messi thì ai giỏi hơn. Dortmund cần Schalke và ngược lại.
Cả hai luôn ganh đua để chứng minh họ mới là đội bóng mạnh nhất vùng Ruhr. Nhưng vào lúc này, tất cả đã tìm ra câu trả lời. Schalke phải cúi đầu và ngước nhìn Dortmund chơi ở giải đấu cao nhất nước Đức.
Vậy chuyện gì đã xảy ra với Schalke, đội bóng từng được chứng kiến Raul, Neuer, Leroy Sane, Leon Goretzka... thi đấu? Không ai giải thích được điều này.
Một Schalke rệu rã
Tôi có nghe kể nội bộ Schalke xảy ra lộn xộn. Các cầu thủ lại chơi bóng phụ thuộc nhiều vào cảm hứng và sự tự tin.
Bởi vậy, khi liên tiếp nhận thất bại, họ xuống tinh thần. Đội hình của đội chủ sân Veltins Arena cũng thiếu một thủ lĩnh thật sự.
Một lần, Mark Uth - cầu thủ tấn công chủ chốt của Schalke - thổ lộ cảm xúc thật sau trận thua trước Wolfsburg hồi đầu mùa. Anh nói: "Tôi rất thất vọng và giận dữ. Tôi chỉ có thể vào phòng thay đồ và khóc".
Mark Uth chẳng phải tân binh ở Schalke. Tiền đạo này rất giàu kinh nghiệm và có tiếng nói cũng như tầm ảnh hưởng tới phần còn lại. Nhưng khi quân bài thủ lĩnh còn chạm đáy thất vọng, hiệu ứng domino lập tức xuất hiện.
Không có nhiều người tin Schalke xuống hạng. Ảnh: Getty. |
Schalke cũng không duy trì được sự ổn định trên ghế huấn luyện. Sau thời của Domenico Tedesco, đội bóng này thay đổi ghế huấn luyện tới 6 lần. Từ Huub Stevens tới David Wagner, sau Manuel Baum rồi trở lại là Huub Stevens, hết Christian Gross đến Dimitrios Grammozis, tất cả đều thất bại.
Schalke thật sự quá kém. Họ thua những đối thủ khác từ con người tới chiến thuật.
Sau mỗi lần thay đổi HLV, đội bóng lại phải bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Lúc Manuel Baum dẫn dắt CLB, ông liên tục thử nghiệm nhiều đội hình khác nhau từ 4-3-3, 3-5-2 tới 3-1-4-2. Canh bạc nào cũng hỏng.
Ở mùa 2020/21, tình hình kinh tế của Schalke không mấy sáng sủa. Họ không thể mang về sân Veltins Arena tân binh chất lượng nào.
Thậm chí, ở cuối mùa 2018/19, đội bóng đang nợ 200 triệu euro. Tới hè 2020, tỷ phú kiêm Chủ tịch Clemens Tonnies phải từ chức sau khi bị phản ứng dữ dội vì nhận xét mang tính phân biệt chủng tộc.
Schalke là đội bóng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ khán giả nhà. Mỗi lần sân Veltins Arena chật kín khán giả, họ lại thi đấu "sung" hơn.
Nhưng dịch Covid-19 phá hỏng điểm tựa của đại diện vùng Rurh. Khi phải chơi trên sân không có khán giả, Schalke đánh mất chính mình.
Vào cuối mùa 2019/20, khi Schalke bắt đầu tụt dốc, trưởng bộ phận marketing Alexander Jobst của đội bóng đã lên ý tưởng về sự thay đổi cơ cấu trong CLB. Ông đề cập tới chính sách "thắt lưng buộc bụng" và nhắc tới "một sự thay đổi lớn lao".
Cụ thể, Schalke có thể hoạt động theo mô hình như Leipzig, tức có doanh nghiệp nào đó hậu thuẫn về tiền bạc. Động thái này vấp phải sự phản kháng từ người hâm mộ. Họ muốn Schalke không thể tách rời với những giá trị truyền thống.
Vào cuối ngày, bi kịch xảy ra với Schalke. Họ sụp đổ.
Sau 30 vòng đấu, đội bóng này đứng chót, chỉ giành được 13 điểm. Đại diện vùng Ruhr thậm chí còn trở thành trò cười cho truyền thông khi họ muốn đặt cược chuỗi trận toàn thua của CLB sẽ còn tiếp diễn tới bao giờ.
Sau trận thua Arminia Bielefeld, nhiều cầu thủ Schalke đã khóc. Người hâm mộ cũng rơi nước mắt.
Nhưng số khác lại nổi cơn thịnh nộ. Họ đuổi đánh các cầu thủ, một cảnh tượng đáng buồn với đội bóng từng nhiều lần dự Champions League.
Từ mùa 2021/22, Schalke phải chơi ở giải Bundesliga 2. Họ đối mặt "cuộc chảy máu" nhân tài. Nhiều trụ cột có thể ra đi. Khó tưởng tượng đội hình đội chủ sân Veltins Arena lúc đó sẽ ra sao.
Nói tới Schalke là nhắc đến bi kịch. Người hâm mộ sẽ không thể tha thứ cho đội bóng một cách nhanh chóng. Nhưng không phải ai cũng căm ghét đại diện vùng Ruhr. Một trong số đó là Raul Gonzalez.
"Yêu các bạn. Mãi mãi tình yêu với đội bóng màu xanh trắng", huyền thoại Raul Gonzalez người Tây Ban Nha chia sẻ trên mạng xã hội, như một cách để an ủi những trái tim tan nát vào lúc này.
Stephan Uersfeld là nhà báo của ESPN. Cây viết này đang sinh sống và làm việc tại Berlin. Ông chuyên bóng đá Đức và thường xuyên cập nhật chuyển động của Bayern Munich, Borussia Dortmund.
Sau khi Schalke xuống hạng, ông Stephan đã gửi tới Zing nhận định của mình.