Trong phiên điều trần ngày 23/6, Britney Spears chia sẻ cô không được châm cứu, mát-xa hay làm tóc vì những quy định hạn chế phòng dịch. Nhưng nữ ca sĩ lại thấy những người giúp việc cho mình có bộ móng tay được chăm sóc kỹ càng. “Tôi trông thấy những người giúp việc trong nhà mình làm móng mới mỗi tuần”, Spears nói trước tòa.
Theo cây bút Liz Brown của Palisades, việc Britney Spears chú ý tới tiểu tiết như sự thay đổi màu móng tay của những người giúp việc là dấu hiệu cho thấy cô khao khát thông tin về thế giới bên ngoài vì đã bị cô lập quá lâu.
Vụ kiện giám hộ hợp pháp của Britney Spears đã rọi ánh sáng vào những góc tối trong quan hệ giám hộ hợp pháp tại Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Brown chỉ ra tại Hollywood, từ rất lâu, người ta đã nhào nặn một thiết chế nhằm kiểm soát những người giàu có nhưng dễ bị tổn thương trong xã hội. Trong một thập kỷ qua, chị đã thu thập tài liệu, nghiên cứu và tìm hiểu những câu chuyện xoay quanh bi kịch của Harrison Post - một người đàn ông đồng tính giàu có và yếu thế, bị gia đình giam giữ, trục lợi nhân danh sự “bảo vệ”.
Cuộc đời bi kịch của Harrison Post được Liz Brown tái hiện trong cuốn sách nhan đề Twilight Man: Love and Ruin in the Shadows of Hollywood and the Clark Empire (tạm dịch: Người đàn ông lúc chạng vạng: Tình yêu và sự hủy hoại dưới cái bóng của Hollywood và đế chế Clark). Đặt cạnh nhau, câu chuyện của Post những năm 1930 và Britney Spears những năm 2020 có không ít điểm tương đồng.
Mối tình đồng tính bị che giấu
Harrison Post là một trong những gương mặt tinh hoa của Hollywood thập niên 1930 và là người tình bí mật của đại gia William Andrews Clark Jr. (hay Will Clark). Will Clark là con trai của nhà tài phiệt Sen. W.A. Clark - một trong những ông trùm công nghiệp của bang Montana, Mỹ.
Ông là nhà sáng lập dàn nhạc Los Angeles Philharmonic và đóng góp vào sự ra đời của Hollywood Bowl, nhà hát 100 tuổi của Mỹ. Dù có nhiều đóng góp cho bộ mặt của kinh đô điện ảnh thế giới, ngày nay, không nhiều người còn nhớ đến Will Clark. Phần nhiều bởi sinh thời, ông luôn bị gia đình giám sát chặt vẽ. Bản thân Will Clark cũng không phải kiểu người thích xuất hiện trước đám đông.
Sau khi qua đời, William Andrews Clark Jr. được an táng trong lăng mộ bên hồ nước giữa nghĩa trang Hollywood Forever. Ảnh: Wikipedia. |
Cuộc đời Clark có nhiều bí mật và một trong số đó là tình yêu với Harrison Post. Mối tình đồng giới này đã thay đổi cuộc đời Post vĩnh viễn. Từ một nhân viên bán hàng, anh trở thành triệu phú của Hollywood trước khi mang thân phận một kẻ bị tù đày.
Will Clark gặp Harrison Post lần đầu tiên tại San Francisco năm 1919, khi anh vừa mất vợ, còn Post là chàng nhân viên bán hàng bảnh bao Albert Weis Harrison. Sau vài tháng, Harrison chuyển tới Los Angeles cùng Will Clark và đổi tên thành Harrison Post.
Post bắt đầu bước chân vào giới thượng lưu Hollywood đương thời. Anh kết bạn với những người nổi tiếng, có người hầu và được Will Clark tặng cho nhiều bất động sản. Trên mặt báo, Harrison Post được mô tả là “người ưa giao tế”, “nhà sưu tập nghệ thuật” hay “triệu phú Hollywood”.
Tuy nhiên, danh tiếng và sự giàu sang cũng biến Harrison Post trở thành chủ đề tọc mạch của dư luận. Nếu quá khứ bị tiết lộ, Post hoàn toàn có thể phải ngồi tù vì tội lừa đảo. Trên mặt báo, người ta vẫn nhắc đến anh như một ngôi sao mới nổi, nhưng trong dư luận, đã có những lá thư nặc danh kể tội Post là kẻ sa đọa.
Sau lời phàn nàn của hàng xóm về một bữa tiệc do Post tổ chức, dẫn đến việc anh bị yêu cầu rời khỏi tư gia vùng West Adam. Cặp tình nhân Post và Clark đã cùng lánh tới châu Âu trong vài tháng. Khoản tiền kếch xù họ mang theo mình khi đó giúp họ duy trì cuộc sống xa hoa, nhưng cũng trở thành mục tiêu cho những kẻ giàu lòng tham.
Vụ lừa đảo đội lốt quan hệ giám hộ hợp pháp
Tháng 3/1934, Harrison Post đổ bệnh. Trong những năm sau đó, anh thường xuyên bột phát những cơn rối loạn lo âu. Anh nói với mọi người đó là đột quỵ. Trong bệnh án, một bác sĩ đã chẩn đoán nhân vật bị “tổn thương não”.
Sau khi Will Clark đột ngột qua đời vì đau tim vào tháng 6/1934, Harrison Post được chăm sóc tận tình trong một khu điều dưỡng xa hoa. Chỉ sau vài ngày, người chị em gái của Harrison Post, Gladys Harrison đã đệ đơn yêu cầu tòa án tuyên bố Post không còn đủ năng lực hành vi và trao quyền giám hộ tài sản của anh cho mình.
Thời điểm ấy, tổng giá trị khối tài sản của Post là 200.000 USD, tương đương 4,5 triệu USD trong hiện tại. Sau đó, Gladys Harrison kết hôn với một người bán xe hơi tên Charles Crooks.
Chân dung Harrison Post thời trẻ. Ảnh: Liz Brown. |
Về phía Clark, trước khi qua đời, vì lo lắng cho tình trạng sức khỏe của người tình, ông đã thành lập một quỹ ủy thác trị giá 1 triệu USD đứng tên Harrison Post nhưng nhà Crooks đã tuyên bố khoản tiền ấy là không đủ để trang trải chi phí y tế cho Harrison Post. Họ chuyển anh tới một bệnh viện tồi tàn, trước khi một lần nữa tuyên bố chi phí điều trị quá đắt đỏ và đưa Post về ngôi nhà tại Palisades.
Gladys Crooks thay thế toàn bộ người ăn kẻ làm đã phục vụ lâu năm tại đây và tuyển về một đội ngũ y tá nam thay thế. Sau này, Harrison Post đã khai trước tòa mình bị ép buộc điều trị trái nhu cầu, giam giữ trái phép thậm chí bị kiểm soát bằng máy móc để không thể bỏ trốn. Người chị em gái của Crooks cũng không thể trình tòa bản kê chính xác chi tiết các khoản đã tiêu cho Post.
Một trong số các món đồ đầu tiên nhà Crooks mua cho anh là một cuộn dây thép gai. Họ thậm chí lắp đặt hệ thống chống trộm xung quanh khu nhà. Hai vợ chồng cũng vài lần cho sửa chữa cổng chính dẫn vào khu nhà của Harrison Post.
Trong các năm nhận quyền giám hộ tài sản của Post, Gladys Crooks lần lượt rao bán nhiều tài sản của anh gồm xe hơi, ngựa, đồ cổ, trang sức, kim loại quý và tranh. Người này cũng bán đấu giá bộ sưu tập sách của Post cho bạn bè và đồng nghiệp. Sau đó, Gladys Crooks nói với Post rằng số sách này đã bị thất lạc.
Suốt nhiều năm trời, vợ chồng nhà Crooks đã tìm cách bòn rút khối tài sản khổng lồ của Harrison Post trong khi vẫn được tiếng chăm sóc cho người thân không may lâm trọng bệnh.
Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với Harrison Post khi tới tháng 3/1936, quan tòa tuyên bố anh khỏi bệnh và đủ điều kiện tự chăm sóc bản thân cũng như khối tài sản của mình.
Tuy nhiên, phần lớn khối tài sản năm nào đã hoàn toàn “bốc hơi” dưới bàn tàn tay của người giám hộ hợp pháp Gladys Crooks. Bằng số tiền chiếm dụng được từ quỹ ủy thác William Clark thành lập cho Post, nhà Crooks đã có thể sống yên ấm đến hết đời.
Sau khi giành được tự do, Harrison Post chuyển tới Geiranger Fjord, Na Uy vào năm 1938. Cuộc đời người đàn ông từ đây lại rơi vào cơn sóng gió mới khi lúc này, phát-xít Đức đang bành trướng tại châu Âu còn bản thân Harrison Post là một người đồng tính nam gốc Do Thái.