Theo thông tin mới nhất từ Riot, LMS và LST kết hợp lại và tạo thành giải đấu mới mang tên Pacific Championship Series (PCS). PCS sẽ có 10 đội tuyển tham dự, tuyển chọn từ LMS và LST cũ. Trong vài tháng qua, Garena đã cùng Riot Games thảo luận và đánh giá về hệ thống giải chuyên nghiệp của LMS và LST.
Năm 2012, Taipei Assasin (TPA), đại diện Đài Loan đã lên ngôi vô địch Chung kết thế giới (CKTG) mùa 2 sau khi đánh bại Azubu Frost (AZF), đối thủ sừng sỏ đến từ Hàn Quốc trong trận chung kết. Sau giải đấu, Orianna của Toyz hay Ezreal của Bebe trở thành biểu tượng.
Bi kịch của LMS
Thời điểm đó, Đài Loan vẫn cùng chung khu vực với các đội Đông Nam Á để tranh tài tại Grena Premier League (GPL). TPA, cùng người anh em là Taipei Sniper (TPS) hay Hongkong Attitude, ahq... luôn áp đảo các đội Saigon Jokers, Saigon Fantastic 5 (Việt Nam); Bangkok Titans (Thái Lan), Minieski (Philippines)... Vì vậy, họ được Riot tách ra thành một khu vực riêng vào năm 2015.
Các thành viên TPA nâng cao chiếc cup vô địch CKTG mùa 2. Ảnh: Wikipedia. |
Từ đó, LMS luôn có thành tích khá ổn tại các giải đấu quốc tế. Họ được đánh giá là khu vực mạnh ngang châu Âu, chỉ kém Trung Quốc và Hàn Quốc. Sau thời của Toyz, Bebe, những tuyển thủ hay nhất của LMS là Maple, Karsa và nổi bật nhất là SwordArt, người leo tới bậc Thách Đấu máy chủ Hàn Quốc chỉ bằng các vị tướng hỗ trợ.
Cả 3 người kể trên đều thi đấu trong màu áo Flash Wolves (FW), đội tuyển từng có ý muốn chiêu mộ "thần rừng" SofM của Việt Nam. Với lối đánh thông minh, di chuyển linh hoạt, cùng khả năng kêu gọi giao tranh tốt của SwordArt, FW chính là tập thể hiếm hoi nhiều lần đánh bại các đội Hàn Quốc, kể cả SK Telecom hùng mạnh.
Tuy nhiên, FW gần như là đội hình "all stars" của Đài Loan. Tất cả tuyển thủ giỏi nhất đều tập trung tại đây. Do đó, sự chênh lệch đẳng cấp giữa FW và các đội hạng 2, 3 của LMS là khá lớn. Trong 7 mùa giải liên tiếp, "Bầy Sói" thống trị LMS. 3 năm liền, họ đến CKTG với tư cách hạt giống số một Đài Loan.
FW vô địch LMS 7 mùa liên tiếp. Ảnh: LMS. |
"Tất cả tinh túy của nền LMHT Đài Loan đã dồn cả vào FW. Do đó, khi những tuyển thủ chủ lực rời đi, FW cũng đi xuống. Và chất lượng các đội LMS tại CKTG lần này là không cao", BLV Lê Khôi của Vietnam eSports TV chia sẻ với Zing.vn.
Cả 3 tuyển thủ Karsa, Maple và SwordArt đều đã chuyển sang Trung Quốc thi đấu. Ngôi vương LMHT Đài Loan thuộc về J-Team (JT) của ông bầu nổi tiếng Châu Kiệt Luân. Tuy nhiên, so với FW, JT ở trình độ thấp hơn.
"Tôi nghĩ sức mạnh của các đội LMS không còn như xưa nữa. GAM eSports và Lowkey eSports của Việt Nam hoàn toàn đủ sức đánh bại họ, dù từ trước đến nay, chúng ta luôn nằm ở cửa dưới", BLV Lê Khôi nhận định.
Cơ hội và thách thức cho LST
Việc LMS kết hợp LST để tạo ra một khu vực mới có thể coi là sự đi xuống của nền LMHT Đài Loan. Tuy nhiên, đối với Đông Nam Á (ngoại trừ Việt Nam), khu vực bị đánh giá là vùng trũng của LMHT thế giới thì đây là một cơ hội.
Khi thường xuyên được thi đấu với các đối thủ có trình độ cao hơn, các đội tại LST sẽ được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao trình độ. Riot cũng chia sẻ rằng mục tiêu của PCS sẽ là tăng thêm sự cạnh tranh giữa các khu vực và thúc đẩy sự phát triển của nền LMHT Đông Nam Á.
Petland (giữa) là tuyển thủ Việt Nam xuất hiện trong đội hình Siêu Sao Indonesia 2017. Ảnh: Liên Minh 360. |
Bên cạnh đó, cơ hội xuất ngoại cũng sẽ mở ra nhiều hơn cho các tuyển thủ Việt Nam bởi các đội LST cần bổ sung lực lượng để cạnh tranh với LMS. Trong quá khứ, Navi, Potm và Lies đã chuyển sang Thái Lan để đầu quân cho Bangkok Titans và MEGA eSports, 2 đội tuyển hàng đầu đất nước này.
Petland, KrissKyle cũng thi đấu tại Indonesia trong màu áo HeadHunters và giúp đội tuyển này lên ngôi vương LMHT xứ vạn đảo. Thậm chí, Petland còn được lựa chọn để tham gia Siêu Sao Đại Chiến Đông Nam Á 2017.
"Đài Loan vẫn mạnh hơn nhiều so với khu vực Đông Nam Á, đó là điều không cần bàn cãi", BLV Lê Khôi nói.
Do đó, các đội tuyển LST cần phải cố gắng đầu tư mạnh mẽ, tập luyện chuyên nghiệp hơn nếu không muốn các suất dự CKTG đều rơi vào tay LMS. Năm nay, MEGA eSports của Thái Lan là nằm chung bảng với Lowkey eSports, đại diện Việt Nam tại vòng khởi động.