Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bi kịch của cựu thành viên Giáo hội Thống nhất

Người từng là tín đồ của Giáo hội Thống nhất cho biết bà bị gia đình ép tham gia tổ chức tôn giáo, khởi đầu cho chuỗi bi kịch của bản thân.

ong abe bi sat hai anh 1

Một phụ nữ trung niên Nhật Bản đã tiết lộ về quãng thời gian tối tăm bà từng trải qua khi còn là thành viên của tổ chức Liên hiệp Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới, hay thường được biết đến với cái tên Giáo hội Thống nhất.

Giáo hội Thống nhất là tổ chức tôn giáo liên quan tới mẹ của nghi phạm vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nghi phạm khai gia đình phá sản bởi mẹ đã quyên góp quá nhiều tiền cho Giáo hội Thống nhất, theo Mainichi.

Nạn nhân lên tiếng

Hôm 12/7, Mạng lưới Luật sư chống buôn bán tín ngưỡng quốc gia Nhật Bản, tổ chức hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng từ mê tín dị đoan, tổ chức một hội thảo ở Tokyo.

Người phụ nữ giấu tên hiện là nhân viên văn phòng là một trong số các diễn giả, bà đồng ý chia sẻ về trải nghiệm của bản thân với Giáo hội Thống nhất. Danh tính của người phụ nữ được giấu kín bởi bà lo ngại sẽ trở thành mục tiêu tấn công trên mạng.

"Khi đó, tôi vẫn ở cái tuổi chưa thể sống độc lập mà không có sự hỗ trợ của gia đình. Thật khó để khước từ chính cha mẹ mình", người phụ nữ cho biết.

Giáo hội Thống nhất giải thích rằng "mọi khoản đóng góp của tín đồ đều là tự nguyện, dựa trên ý chí của chính các thành viên". Nhưng nhân chứng chỉ trích tổ chức tôn giáo là "dối trá".

Người phụ nữ cho biết mẹ mình bắt đầu dấn sâu vào Giáo hội Thống nhất khi bà đang học trung học. Người mẹ sau đó ép buộc 3 con gái trong gia đình, bao gồm chính nhân chứng, tham gia các lớp học của Giáo hội Thống nhất.

Nhân chứng nói bà cũng tham gia các buổi sinh hoạt tại nhà thờ của giáo hội, với ý nghĩ rằng chấp nhận niềm tin tôn giáo của mẹ sẽ giúp bà trở thành một cô con gái ngoan ngoãn hơn.

ong abe bi sat hai anh 2

Đám cưới tập thể Giáo hội Thống nhất tổ chức ở Gapyeong, Hàn Quốc năm 2018. Ảnh: AP.

Năm 1995, ở tuổi 21, người phụ nữ tham gia một đám cưới tập thể do Giáo hội Thống nhất chủ trì. Tổ chức này thường kết đôi cho các tín đồ, dù trước đó họ hoàn toàn xa lạ.

Người phụ nữ được ghép cặp và sau đó kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc trẻ hơn bà 2 tuổi. Hai người sống cùng nhau tại Nhật Bản.

Chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, người chồng bắt đầu đánh đập bà. Bạo hành gia đình tiếp tục ngay cả khi họ có một đứa con.

Dù nạn nhân muốn nộp đơn ly dị, bà bị mẹ và các tín đồ khác trong giáo hội ngăn cản, nói rằng lỗi thuộc về bà vì "không có đủ niềm tin vào tôn giáo", hay việc ly hôn chỉ "khiến quỷ Satan thỏa mãn".

Nạn nhân sau đó thậm chí bị đánh đập ngay trước mặt mẹ ruột của mình. Người phụ nữ cuối cùng được cho phép ly dị, nhưng bị giáo hội ép tái hôn ngay.

"Giáo hội dạy chúng tôi rằng con người không thể được lên thiên đường trừ khi đã kết hôn. Mẹ tôi rất buồn nếu các con gái của bà không được lên thiên đường. Điều đó khiến tôi có mặc cảm tội lỗi", người phụ nữ chia sẻ.

Chồng thứ hai của nhân chứng cũng là một người đàn ông Hàn Quốc do Giáo hội Thống nhất lựa chọn. Lần này, người phụ nữ chuyển tới sống ở xứ kim chi. Nhân chứng nói Giáo hội Thống nhất yêu cầu hai người quyên góp khoảng 10.000 USD.

"Chồng tôi đã khai gian với giáo hội về trình độ học vấn, nghề nghiệp, tuổi tác. Ông ta dùng thẻ tín dụng của tôi để quyên góp. Chính chồng tôi đã khiến tôi phá sản", người phụ nữ nói.

Năm 2013, người phụ nữ quay trở về Nhật Bản. Dù không còn là tín đồ của Giáo hội Thống nhất nhưng vì là con gái của một tín đồ, bà không có đủ dũng khí để ra mặt chia sẻ câu chuyện của mình.

"Khi còn đi học, tôi sống trong môi trường gia đình nơi các con phải nghe lời cha mẹ. Tôi không có dũng khí đứng lên chống lại họ", bà nói.

Quan hệ với chính giới?

Mạng lưới Luật sư chống buôn bán tín ngưỡng quốc gia Nhật Bản đã nhận được đề nghị tư vấn từ những tín đồ cũ của Giáo hội Thống nhất, họ nói vẫn bị tổ chức này gây sức ép bắt quyên góp tài chính. Năm 2021, mạng lưới tiếp nhận 47 trường hợp, các nạn nhân thiệt hại khoảng 2,38 triệu USD.

Mạng lưới đã nhiều lần yêu cầu các thành viên Hạ viện Nhật Bản không có các hành động có thể được cho là ủng hộ Giáo hội Thống nhất và các nhóm liên quan tới tổ chức này.

Tháng 9/2021, mạng lưới gửi một tuyên bố phản đối tới cựu Thủ tướng Abe. Trước đó, ông Abe đã xuất hiện trong một video về buổi tập trung của các thành viên thuộc một nhóm liên quan tới Giáo hội Thống nhất.

"Tôi mong Ngài xem xét thận trọng vấn đề này, vì danh tiếng của chính Ngài", tuyên bố có đoạn.

Tuy nhiên, bức thư gửi tới tòa nhà nơi đặt văn phòng các thành viên Hạ viện Nhật Bản đã bị trả lại.

Yoshihide Sakurai, giáo sư chuyên nghiên cứu về Giáo hội Thống nhất thuộc Đại học Hokkaido, cho rằng mối liên hệ giữa cựu Thủ tướng Abe với tổ chức tôn giáo này rất "mơ hồ", theo New York Times.

"(Việc ông ấy phát biểu trước nhóm tôn giáo) là một công việc bình thường mà mọi chính trị gia sẽ làm để giành được lá phiếu của cử tri", giáo sư Sakurai nhận xét.

Sau khi vụ ám sát ông Abe xảy ra, hôm 11/7, đại diện Giáo hội Thống nhất thừa nhận mẹ của nghi phạm là tín đồ của tổ chức. Giáo hội tuyên bố cố Thủ tướng Abe không phải là tín đồ, nhưng ông đã ủng hộ tổ chức thúc đẩy hòa bình.

ong abe bi sat hai anh 3

Tomihiro Tanaka, người đứng đầu Giáo hội Thống nhất tại Nhật Bản. Ảnh: AP.

"Chúng tôi không thể hiểu vì sao sự thù ghét (của nghi phạm) có thể dẫn đến vụ giết người như vậy", Tomihiro Tanaka, người đứng đầu Giáo hội Thống nhất, nói.

Theo luật sư Hiroshi Yamaguchi, Giáo hội Thống nhất đã xây dựng quan hệ gần gũi với giới chính trị gia, vì thế việc tiến hành điều tra sâu với tổ chức tôn giáo này gặp nhiều khó khăn.

Quan hệ với các chính trị gia cũng giúp Giáo hội Thống nhất dễ dàng thu phục lòng tin của các tín đồ khi thuyết giảng, cũng như phổ biến niềm tin của tổ chức về những vấn đề gây tranh cãi như chống hôn nhân đồng giới.

Luật sư Yamaguchi cảnh báo việc các chính trị gia ủng hộ Giáo hội Thống nhất có thể khiến nhiều người khác trở thành nạn nhân.

"Khi xem những bức hình người sáng lập Giáo hội Thống nhất gặp gỡ cựu Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi (ông nội của cựu Thủ tướng Abe) tôi đã thực sự tin ông ấy là một người đáng kính trọng", nhân chứng nói.

Cha nghi phạm ám sát ông Abe đã tự tử gần bốn thập kỷ trước

Mẹ của nghi phạm ám sát ông Abe tham gia Giáo hội Thống nhất năm 1991 sau khi chồng bà tự tử năm 1984, và người mẹ đã quyên góp số tiền rất lớn ngay cả khi gia đình khánh kiệt.

Mẹ nghi phạm ám sát ông Abe là thành viên Giáo hội Thống nhất

Mẹ của nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là thành viên của Giáo hội Thống nhất (Unification Church), người đứng đầu giáo hội tại Nhật Bản cho biết hôm 11/7.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm