Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi kịch có thật của cô gái Việt đêm ngủ cùng 2 vợ chồng Trung Quốc

Để thoát nợ, Tâm đồng ý làm vợ hai một người Trung Quốc với bao trắc trở phía trước. Xúc động với câu chuyện có thật, nhà văn Dương Hướng đã viết tác phẩm về bi kịch của phụ nữ.

Lấy chồng Trung Quốc vốn không phải là chuyện mới ở Việt Nam. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở địa hạt báo chí. Còn trong văn chương thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó nổi bật nhất là truyện ngắn Bến khách của Dương Hướng.

Trên con đường văn chương trải dài hơn 30 năm của mình, nhà văn Dương Hướng đã có duyên gặp được nhiều nguyên mẫu ấn tượng đi ra từ cuộc sống để đưa vào trong tác phẩm. Họ là những cô gái, chàng trai trong các tiểu thuyết Bến không chồng, Bóng đêm và mặt trời, Dưới chín tầng trời.

Các nhân vật thực này nhà văn đều biết rõ ràng về xuất thân, số phận, quãng đời của họ sau khi tác phẩm ra đời. Có nhân vật sau này ông gặp lại nhiều lần, vì họ đã coi ông là tri kỉ để chia sẻ mọi thứ. Nhưng có một nguyên mẫu mà sau khi tác phẩm ra đời, Dương Hướng để ý tìm mà vẫn chưa thể gặp lại. Đó là Tâm trong truyện ngắn Bến khách.

Người phụ nữ chấp nhận làm vợ hai nơi đất khách

Tâm (hay nhân vật Chiều trong truyện Bến khách) cũng có một quán karaoke mở ở Vạn Gia, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Lần đầu tiên nhà văn gặp Tâm là khi cô đang trốn nợ. Cô sợ nếu lên quán thì chủ nợ sẽ vào đòi, mà cô khi ấy thì không có khả năng trả.

Nhà văn lúc ấy đang là nhân viên hải quan, động viên cô vay mượn thêm trả bớt rồi tiếp tục việc kinh doanh, chứ trốn mãi cũng chẳng phải là cách hay ho. Cô nghe, bảo rằng thực cũng chẳng muốn trốn làm gì, chỉ tại chủ nợ đòi rát quá. Thêm nữa, vì quán karaoke của cô chỉ hát “chay” không có “tay vịn” nên rơi vào tình trạng ế khách.

Nguyen mau nhan vat truyen "Ben khach" anh 1
Tập truyện ngắn Bến khách của Dương Hướng.

Nhà văn Dương Hướng nhớ ngay lần gặp đó đã thấy trên mặt Tâm có gì đó phảng phất buồn. Một ánh buồn không thể cắt nghĩa được bằng một hai câu dù miệng lúc nào cũng cười. Cô không xinh, cũng không xấu, tóc để dài buông xõa hai vai.

Cô khiến nhà văn nhớ đến những cô gái làng quê ông. Mà những cô gái ở làng quê ấy của ông có mấy người được hạnh phúc đâu. Họ lớn lên trong thời chiến, lấy chồng lâu thì được vài ba tháng, nhanh thì chục ngày đã phải tiễn chồng lên đường nhập ngũ. Ngay như vợ ông, lấy nhau chưa được một tháng ông đã đi biền biệt vào Nam.

Bẵng đi một thời gian, lần thứ hai ông gặp cô là khi cô đã quyết định lấy một người đàn ông Trung Quốc. Người đã trả hết cho cô nợ nần của quán, đồng thời đưa thêm một số tiền lớn để cô nuôi các em cùng cha mẹ già.

Sự việc ấy được nhà văn viết trong truyện: “Nàng thấp thỏm khoác chiếc túi nhỏ chỉ đựng độc bộ quần áo bước lên dốc cầu Ka Long. Đây là bước ngoặt lớn lao nhất trong đời nàng. Lòng nàng chợt rưng rưng. Dòng Ka Long lóng lánh gợn sóng dưới nắng sớm. Xa xa phía bên kia biên giới, từng tòa nhà cao tầng vời vợi. Một vài cánh chim bay lướt qua khoảng trời biên giới. Chiều không ý thức được mình. Nàng đang âm thầm đơn độc chuẩn bị về nhà chồng mà không người thân, không bạn bè đưa tiễn”.

Lần gặp này nhà văn cũng chẳng biết nói gì nhiều với cô, chỉ hẹn vu vơ nếu có dịp về Việt Nam thì đến gặp ông chơi. Tâm nhận lời nhưng không hứa trước. Bởi đất nước Trung Quốc rộng lớn, thân phận làm dâu bé bỏng thì biết thế nào…

Tâm sang bên kia biên giới làm vợ hai của một người đàn ông Trung Quốc (trong truyện người này tên Bằng, làm nghề thu mua hải sản). Vợ trước (trong truyện tên Hoài) của hắn ta chỉ đẻ được một con gái. Mà chính sách của nước này mỗi phụ nữ chỉ được đẻ một con nên buộc phải đi tìm vợ mới. Nhiệm vụ của Tâm là đẻ bằng được một đứa con trai để nối dõi tông đường. Lúc này, Tâm hụt hẫng, nhưng phận đàn bà như hạt mưa rơi, rơi vào đâu thì chịu nấy chứ còn biết thế nào.

Đêm động phòng, người chồng Trung Quốc nằm giữa, một bên là Tâm, một bên là người vợ cả. Người đàn ông ngấu nghiến làm tình với Tâm, còn bên kia người vợ cả quay mặt vào tường vờ ngủ. Nhưng Tâm biết có ai ngủ được trong tình huống ấy, cô vẫn nghe thấy tiếng thút thít, nức nở khi to khi nhỏ của chị ta.

“Chị Hoài cựa mình, trong đêm vắng, Chiều nghe rõ tiếng thở dài của chị Hoài lẫn tiếng rên như mèo hoang của Bằng. Chiều cảm nhận rõ thân thể nàng đang phơi bày trần trụi trong đêm đầu tiên trên đất khách xứ người”.

Nhưng lạ cái, tuy mang tiếng chồng chung, cô ta không tai ác, dằn vặt mà lại rất tốt với Tâm. Người vợ cả chăm sóc cho vợ hai từng li từng tí, từ miếng thuốc để đậu thai đến miếng ăn miếng uống. Công việc trong nhà hầu như Tâm không phải làm gì cả. Chỉ có điều là bụng Tâm mãi chẳng thấy to lên.

Ánh mắt chờ đợi của chồng, bố mẹ chồng này càng sắc lên. Đã có lúc họ bóng gió đến việc lấy thêm vợ mới khiến Tâm sợ hãi. Rồi có khi nhớ nhà, nhớ cha mẹ các em Tâm tính trốn về Việt Nam. Nhưng rồi, trước sự năn nỉ của người vợ cả mà cô đành ở lại…

Lần gặp cuối cùng của nhà văn và Tâm

Chính nhà văn Dương Hướng cũng không biết Tâm về Việt Nam trong hoàn cảnh thế nào. Là cô trốn về hay người chồng đồng ý cho cô về. Nhưng cô có gặp nhà văn và kể cho ông nghe những chuyện ở Trung Quốc.

Cô kể từ chuyện chồng chung, ngủ cùng, hai người đàn bà một Việt một Trung cùng chia nhau sự đau đớn, tủi hờn vì không đẻ được con trai. Sự dằn vặt của gia đình nhà chồng... Những chuyện như thế thật chẳng thể nào bịa được.

Khi nghe xong chuyện của Tâm, nhà văn Dương Hướng cũng chưa viết truyện ngắn Bến khách ngay mà quên nó đi như bao chuyện đã được nghe. Nhưng rồi số phận đặc biệt của Tâm không để lòng ông yên. Ông vẫn canh cánh về nó, về những gì Tâm gặp phải. Ông viết câu chuyện của Tâm.

Nguyen mau nhan vat truyen "Ben khach" anh 2
Bi kịch phụ nữ trong Thương nhớ ở ai - phim chuyển thể từ Bến không chồng của Dương Hướng. 

Khi truyện ngắn được in, nhà văn đã nghỉ hưu về thành phố Hạ Long, Quảng Ninh sinh sống, ông vẫn muốn tìm được Tâm để tặng cô tờ tạp chí có in truyện về đời cô mà không được.

Ông chẳng biết Tâm giờ ở đâu, hỏi những người bạn còn ở Vạn Gia mỗi người nói một kiểu. Người bảo Tâm lại sang Trung Quốc với chồng rồi, người thì bảo Tâm chuyển lên Hà Nội sống, người thì chẳng rõ Tâm là ai, Tâm nào. Ông thì vẫn thấy mình như mắc nợ một thân phận mà những chữ nghĩa của mình không thể nào trả hết.

Rồi có những khi ông muốn quay lại Vạn Gia tìm Tâm nhưng lại sợ. Sợ cái phần đời tiếp theo của cô sẽ khổ hơn nhân vật Chiều trong truyện. Mà cái kết của nhân vật Chiều trong truyện đã khổ lắm rồi. Đó là khi Chiều không sinh được con cho Bằng, Bằng lại đi đón một cô gái mới về với mục đích đẻ con trai nối dõi.

“Hai người đàn bà bước ra cửa đứng lặng nhìn Bằng dắt về một cô gái còn non nõn. Cô gái ngơ ngác nhìn mọi người. Hai ông bà già run rẩy bước ra sân ngó mặt cô gái. Bà cụ lại đưa bàn tay run rẩy nắm tay cô gái giống y cái lần bà nắm tay Chiều. Chiều kinh hoàng đau đớn cho thân phận mình, đau đớn cho thân phận chị Hoài, và cả cô gái non nõn dại khờ”.

Nhà văn Dương Hướng bảo có đoạn cuối truyện Bến khách là ông hư cấu nhiều nhất. Chiều đã chấp nhận ở lại Trung Quốc, vì người vợ cả là Hoài. Nhưng ngoài đời thực ông tin câu chuyện không đơn giản dừng lại như thế, nó có thể bi thảm hơn nhiều.

‘Bến không chồng’ sẽ có bản tiếng Đức

Mới đây, Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt có mặt tại Hà Nội, đề nghị dịch và xuất bản tiểu thuyết “Bến không chồng” sang tiếng Đức.



Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm