Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi hài sống trong những căn nhà bạc tỷ

Giá nhà từ hàng trăm triệu tăng lên bạc tỷ, nhưng cuộc sống của nhiều người dân TP HCM trở nên khó khăn khi họ phải bắc thang xuống đường, chui hầm từ nhà ra mặt phố.

Chui hầm rồi trèo thang

Chưa kịp mừng vì bỗng dưng “thành nhà mặt tiền” khi đại lộ đẹp nhất Sài Gòn mang tên Phạm Văn Đồng thông xe, hàng trăm người dân lại thất vọng phải sống cảnh “chui hầm, trèo thang” để từ đường vào và ra nhà. 

Dọc đoạn đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, hàng chục ngôi nhà có mái tôn lè tè so với mặt đường, mỗi lần ra vào nhà, họ phải đi khom hoặc chui. 

Người dân phải bắc thang để ra vào nhà.
Người dân phải bắc thang để ra vào nhà.

Ngay khi đại lộ hoàn thiện, bà Nguyễn Thị Phương, 60 tuổi ở khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, cũng làm xong bậc thang phía trong nhà để đi ra đường. Để “làm đường” ra đại lộ Phạm Văn Đồng, bà Phương dành phần lớn gian phòng phía trước xây bậc thang.

“Cúi thấp xuống, không thì đụng đầu vào mái nhà”, bà Phương cảnh báo khi khách vào nhà. Dù đã đẩy phần móng cao hơn mặt đường gần 1m khi xây nhà cách đây mấy năm, nhưng khi đường Phạm Văn Đồng làm xong, nhà bà lọt xuống thấp hơn mặt đường gần 1,7 m.

“Nhà đang cao ráo bỗng thành cái hang, muốn ra vào nhà phải chui như chui hầm”, bà Phương tếu táo. Theo bà, trời nắng thì bụi, trong nhà tối om. Khi mưa, nước từ hành lang đường đổ vào biến nhà thành ao.

Hàng trăm dân ở hai bên đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cũng chung cảnh ngộ khi đường này đang được nâng cấp. Những ngôi nhà của người dân bỗng dưng bị “đè” xuống thấp hơn mặt đường 1,4 - 1,7 m. Chị Trương Thị Hoa, chủ tiệm tạp hóa trên đường này nói, do nền nhà thấp hơn mặt đường hơn 1 m, nên “hưởng” bụi, đất đá liên tục. 

12 hộ dân sống trên đường Phan Châu Trinh, phường 12, quận Bình Thạnh thì lại bắc thang, leo tường vào nhà. Bà Nguyễn Thị Oanh cho biết, do đường hạ cốt nên nhà cao hơn mặt đường 1,5-2 m.

“Nhà có ba đứa trẻ, có đứa mới hơn 2 tuổi nên cũng sợ khi chơi dễ rơi xuống dưới. Tôi bị đau chân nên mỗi lần lên xuống cầu thang này rất khổ”, bà Oanh kể. Để “hạ sơn”, người dân phải làm cầu thang.

“Mỗi lần dắt xe máy vào nhà cực lắm, khi dắt vào còn đỡ, lúc dắt xe ra nếu không cẩn thận thì rơi xuống đường như chơi”, ông Nhân (ở bên đường Phan Châu Trinh) kể. 

Nhà của ông Hùng bên đường Phan Châu Trinh không còn khoảng trống để làm đường dẫn từ trên nhà xuống mặt đường, nên phải dùng ghế để leo vào nhà. Sau này, ông phải làm cầu thang bằng sắt bắc từ trên nền nhà xuống mặt đường cao hơn 1,5 m.

Cảnh ngộ bi hài này cũng xảy ra với hàng trăm hộ dân trên đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8; đường Lò Gốm, đường Hậu Giang, quận 6... khi đường được nâng cấp, nền nhà cao hơn hoặc thấp hơn mặt đường hơn 1m.

Đảo lộn cuộc sống

Theo chị Hoa, từ ngày đường Tam Bình được khởi công nâng cấp, công việc, sinh hoạt của cả trăm hộ dân hai bên đường bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều gia đình không chịu nổi cảnh bụi bặm, bùn đất, không kinh doanh được, nên phải bỏ nhà đi ở thuê hoặc rao bán.

Anh Trần Đình Quyền ở ven đường Tam Bình nói rằng, trước khi đường được nâng cấp, dân hai bên đường được thông báo, mặt đường sẽ nâng cao lên 1m.

“Không ngờ, khi làm đường xong, nó cao lên đến gần 1,7 m”, anh Quyền kể. Theo anh Quyền, không có cách nào vào nhà nên đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để nâng nền. Bà Nguyễn Thị Hoa cũng phải bỏ ra gần 100 triệu đồng để nâng cấp nền của cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. 

Các hộ kinh doanh quán ăn, nhậu ở đường Phan Châu Trinh, quận Bình Thạnh đã bỏ nghề vì vỉa hè không có, nhà thì “đội” hơn đường 2 m.

Hỗ trợ dân: Bó tay

Ông Vũ Quốc Bảo, Phó chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, cho biết, dù biết nhiều hộ bị ảnh hưởng bởi đường Tam Bình và đại lộ Phạm Văn Đồng, nhưng địa phương vẫn chưa có phương án nào để hỗ trợ cho người dân về mặt vật chất để sửa chữa nhà.

“Địa phương chưa có điều kiện nào để hỗ trợ người dân”. Trong các cuộc họp, hội thảo với các cấp, chúng tôi cũng đề cập đến vấn đề này nhưng vẫn không có nguồn nào. Các nhà đầu tư chỉ lo vấn đề hạ tầng, chứ chưa quan tâm đến cuộc sống người dân”, ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, những hộ dân sống hai bên đường Tam Bình đang nằm trong diện quy hoạch, nên theo quy định, những hộ có sổ hồng hoặc xây nhà trước thời điểm công bố quy hoạch mới được cấp phép sửa chữa theo hiện trạng. Tuy nhiên, phường sẽ cố gắng tạo điều kiện để những hộ dân mới xây nhà được sửa chữa nâng nền, nâng mái.

Ông Bảo cũng đề nghị các nhà đầu tư khi nghiên cứu xây dựng các con đường cần phải quan tâm đời sống người dân để hạn chế thiệt hại cho dân.

Đường mới mở, nhà dân chỗ thành gò chỗ thành hang

Đường Phan Chu Trinh, Q. Bình Thạnh (TP.HCM) được mở rộng đến sát nhà dân chắn hết lối đi. Chỗ cao biến thành gò, chỗ thấp trở thành hang, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bi-hai-song-trong-nhung-can-nha-bac-ty-814578.tpo

Theo Ngô Bình/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm