Hầu hết những người trúng số độc đắc thì trước khi trúng đều có một sự kiện gì đó khác thường xảy đến với họ. Anh Lượng kể, khi cầm 3 tờ vé số của bé gái cùng trú mưa với anh thì tự nhiên khóe miệng bên trái của anh giựt liên hồi.
Ông bà xưa có câu "máy mắt ăn xôi, máy môi ăn thịt, máy… đít ăn đòn" - tạm hiểu là nếu mắt bị giựt thì sẽ gặp mối lợi nhỏ, môi giựt thì có mối lợi lớn, còn mông mà giựt thì ắt hẳn sẽ gặp chuyện xui xẻo, mất mát - trong lúc theo y học hiện đại, đó chỉ là những phản ứng của thần kinh ngoại biên khi gặp điều kiện kích thích mà thôi. Còn chuyện nó có liên quan đến việc trúng số hay tai nạn thì chỉ là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên, tình cờ.
Anh Lượng kể tiếp: "Lúc đó, tui sợ mình bị giựt méo miệng giống như mấy người cảm lạnh nên tui lấy ngón tay chà vào môi liên tục nhưng nó càng giựt mạnh hơn. Tới hồi tui trả tiền cho con nhỏ rồi cất 3 tờ vé số vào túi thì một lát sau, nó mới hết".
Bây giờ, ước mơ số phận sẽ mỉm cười với mình một lần nữa vẫn không ngớt thôi thúc Lượng. Trong lúc chờ bán nhà, anh ta vẫn mua vé số hàng ngày nhưng hiện tượng "môi giựt" lại chẳng thấy xảy ra.
Lượng nói: "Kinh nghiệm đau thương rồi. Bây giờ nếu trúng độc đắc, tui sẽ dùng tiền đó mở đại lý thu mua nông sản chứ không sắm sửa ăn chơi nữa" nhưng xem ra, "phúc bất trùng lai" còn họa thì "vô đơn chí", và mơ ước có lẽ mãi mãi vẫn chỉ nằm ở cuối chân trời!
Ông Thanh (quận 8, TP.HCM), người trúng giải đặc biệt 1,5 tỷ đồng cũng có "điềm" tương tự. Theo lời ông, khoảng 3 hôm trước ngày trúng số, ông nằm mơ thấy mình chìm trong một biển nước: "Kỳ lạ là nước ngập hết đầu tôi nhưng tôi lại không bị ngộp, vẫn thở bình thường". Hôm sau, lúc uống cà phê sáng với mấy người bạn, ông vui miệng kể lại thì có người hỏi ngày sinh tháng đẻ của ông rồi nói: "Anh mạng mộc, mà mộc hợp với thủy nên sắp tới, làm ăn sẽ khá hơn".
Kể tôi nghe chuyện này, ông Thanh cười: "Nói thiệt là hồi đó tôi không tin vì tôi chạy xe ôm chứ có làm ăn gì mà khá. Nếu có khá - nghĩa là mỗi ngày chạy được chục cuốc thì mình cũng rã rời". Tới hồi trúng số, ông dành một ít để làm từ thiện, sửa lại căn nhà và mua chiếc xe tải nhỏ, giao cho đứa con trai cầm lái còn ông theo phụ. Ngày ngày, hai cha con rong ruổi trên đường, chở hàng thuê.
Tuy nhiên, chuyện ông Thanh ổn định cuộc sống sau khi trúng số không nằm trong phạm vi của bài viết này mà chúng tôi chỉ muốn đề cập đến những người trúng số rồi lại trở về con số 0 vì vung tay quá trán, chưa kể có người gia đình, vợ con bất hòa, ly tán cũng chỉ vì những đồng tiền từ trên trời rơi xuống.
Hôm Chủ nhật (10/8) vừa qua, khi đi cùng Đội công tác xã hội từ thiện của khoa Y, Đại học Y Dược TP.HCM khám bệnh, nhổ răng, phát thuốc, tặng đường, sữa, và 2 chiếc xe lăn cho gần 600 gia đình chính sách, gia đình nghèo tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, tôi đã được người dân ở đây kể cho nghe câu chuyện về "tỷ phú" Mười Ngón, trước làm nghề bán tạp hóa ở cổng Bệnh viện huyện Đầm Dơi.
Theo lời kể thì sau nhiều năm buôn bán, dành dụm được ít vốn, Mười Ngón sắm thêm canô để chở bà con ở vùng sâu đi cấp cứu. Thế rồi một buổi chiều, dân Đầm Dơi xôn xao trước cái tin Mười Ngón trúng 8 tờ độc đắc. Mấy hôm sau, không ai còn nhìn thấy quán tạp hóa của vợ chồng anh ở trước cổng bệnh viện nữa mà thay vào đó, "anh Mười" giờ là chủ của 4 chiếc xe khách loại 16 chỗ, chạy tuyến Đầm Dơi - TP.HCM, còn căn nhà nhỏ rách nát được thay bằng ngôi nhà lớn, vừa là chỗ ở, vừa là trạm giao dịch xe khách liên tỉnh, nằm ở trung tâm thị trấn.
Và cũng như một số người trúng độc đắc mà chúng tôi đã nói ở trên, có tiền, Mười Ngón sinh tật gái gú. Bị vợ phát hiện và kiểm soát, Mười Ngón lấy cớ phải ký hợp đồng vận chuyển để thường xuyên đi Cần Thơ, TP.HCM. Mọi chuyện chỉ bung bét khi một cô gái từ Sài Gòn vác cái bụng to tướng về Đầm Dơi kiếm "anh Mười".
Do không có kinh nghiệm, việc kinh doanh của "anh Mười" ngày càng sa sút, nợ đầm đìa. Cuối cùng, "anh Mười" phải bán xe, thậm chí bán cả căn nhà đang ở để trả nợ. Cóc chết ba năm quay đầu về núi, bây giờ Mười Ngón lại tiếp tục bám trụ tại Bệnh viện Đa khoa Đầm Dơi, nhưng không phải bán tạp hóa mà trông coi nhà… vệ sinh công cộng. Hàng ngày, "anh Mười" vẫn đều đặn mua vé số với ước mơ một lần nữa, anh tái đổi đời!
Không chỉ trắng tay vì ăn tiêu xả láng, gái gú bồ bịch, có người trúng số độc đắc rồi gần như hết sạch vì những lý do rất lạ lùng! Đại tá Trần Văn Lộc, nguyên Trưởng Công an quận 11 kể tôi nghe câu chuyện: Chiều 28 Tết Canh Dần (2010), ông Hết, ở đường Lạc Long Quân, phường 5, thuộc diện xóa đói giảm nghèo được một nhà hảo tâm tặng cho chút tiền lì xì.
Dùng số tiền này, ông mua 6 tờ vé số. Chiều hôm ấy, trong số 6 tờ vé số ông mua thì có 5 tờ trúng giải đặc biệt, 1 tờ trúng giải an ủi, tổng cộng 7,6 tỷ đồng. Nghe tin ông Hết trúng số, bà con lối xóm kéo đến chúc mừng. Có lẽ do trí tuệ không còn minh mẫn nên gặp ai ông cũng móc tiền ra cho, chưa kể ông còn làm từ thiện và đền ơn những người đã từng giúp đỡ ông.
Chỉ một ngày sau khi trúng số, gần 1 tỷ đồng đã bay hết. Số tiền còn lại, chính quyền địa phương hướng dẫn ông làm thủ tục, gửi ngân hàng, mỗi tháng lĩnh lãi để ổn định cuộc sống. Ai dè đến cận Tết Tân Mão (2011), bà con trong xóm té ngửa khi biết "tỷ phú" Hết chỉ còn vài trăm triệu đồng mà nguyên do là từ ngày trúng số, bỗng có nhiều người tự xưng là "cháu" tấp nập đến thăm ông mặc dù ông Hết không con cái.
Hàng xóm kể, có người lúc gặp ông đã ôm lấy ông khóc nức nở, miệng gọi "ông", gọi "bác" xưng "cháu" nghe ngọt sớt. Hầu hết những người đến thăm ông đều được ông cho tiền, ít thì vài triệu, nhiều thì cả trăm. Trước đó, tháng 7/2010, vợ ông Hết qua đời, một số người "cháu" của ông đứng ra lo đám tang, chi phí ước tính khoảng 500 triệu nhưng thực tế số tiền này vẫn là tiền của ông Hết.
Một cán bộ ở phường 5 cho biết, số tiền còn lại trong ngân hàng của ông Hết là 850 triệu đồng. Và vì chuyện cho ai, tặng ai là quyền tự do cá nhân của ông nên chính quyền không thể can thiệp.
Hiện tại, ông Hết được một người thân ở Gò Vấp đưa về nuôi. Hàng xóm cho biết đôi lần ông Hết về thăm xóm cũ và lần nào cũng vậy, ông vẫn giữ thói quen mua vé số với lời khẳng định "từ đây tới chết, tui sẽ còn trúng độc đắc một lần nữa!".
"Chẳng ai may mắn cả đời", đó là câu nói của ông Lâm, ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, người đã từng trúng số liên tục với tổng số tiền gần 8 tỷ đồng. Thực tế cho thấy việc trúng số độc đắc hoàn toàn dựa vào sự "may mắn" hoặc nói nôm na là "trời cho" bởi lẽ xác suất trúng giải đặc biệt chỉ là 1/1triệu vé.
Thế nhưng hầu như không có công ty xổ số nào tiêu thụ hết số vé đã in ra, mà cao nhất họ cũng chỉ bán được từ 30 đến 40% tổng số vé. Nếu "sêri" vé trúng độc đắc nằm trong số vé không bán được, công ty thu hồi lại thì dĩ nhiên chiều hôm đó, sẽ chẳng có ai trở thành… tỷ phú!
Kiếm sống bằng nghề sửa đồng hồ từ những năm 80 thế kỷ trước, ông Lâm chỉ đủ nuôi thân. Một buổi trưa năm 2000, thấy một bà cụ tay cầm xấp vé số, đi ngang cái tủ sửa chữa đồng hồ, ông Lâm móc túi mua 6 vé rồi nhét vào hộc tủ đựng đồ nghề. Xế chiều, lúc đang dọn dẹp thì bà cụ bán vé số lò dò bước đến: "6 vé hôm qua chú mua của tôi, có vé trúng độc đắc rồi. Số chú hên quá!".
Hôm sau, gặp lại bà cụ bán vé số, ông Lâm biếu bà 20 triệu đồng vay của hàng xóm vì ông chưa đi lĩnh giải. "Thần tài" không đến một lần, ông Lâm còn liên tiếp trúng thêm nhiều lần độc đắc nữa với tổng số gần 8 tỷ đồng.
Có tiền, ông sinh tật. Thấy người ta đi xe hơi, ông cũng mua xe hơi rồi thuê tài xế riêng để ngày ngày đưa ông… đi nhậu! Nghe kể trong một lần cùng bạn bè uống bia ôm ở Sài Gòn và khi nghe cô tiếp viên than thở "ba em ho lao, má em chơi hụi vỡ nợ, em phải làm nghề này để kiếm tiền giúp ba, giúp má" thì ông móc túi cho cả nắm, vừa tiền lẫn vàng.
Một người quen ông cho biết, ông có đứa con gái bị dị tật bẩm sinh nhưng dù trúng số, ông vẫn không đưa nó đi chữa trị. Với vợ ông, ông cho ít tiền, chỉ đủ sửa lại căn nhà ọp ẹp ở Đồng Xoài. Tiền trúng số, ông gửi tiệm vàng, cần xài bao nhiêu, ông ra đó lấy.
Rồi cái gì phải đến sẽ đến. Vung tay quá trán, gần 8 tỷ đồng lần lượt đội nón ra đi. Để tìm lại vận may, ông sang Campuchia cờ bạc. Tại đây, ông bị đám cho vay nặng lãi đánh bầm dập vì mượn tiền chơi bài nhưng không có tiền trả. Trong một bữa nhậu, ông dùng dao đâm một bạn nhậu bị thương vì ông cho rằng người này mỉa mai ông. Sợ bị bắt, ông bỏ trốn. Bẵng đi một thời gian, gia đình ông nhận được tin báo, rằng ông đã tử vong vì tai nạn giao thông ở tỉnh Bình Phước.
Họa vô đơn chí, trúng số chưa chắc đã được hưởng là trường hợp của ông Út Bé, ở Long An. Theo lời ông thì trưa hôm đó, lúc vừa xong công việc thợ hồ tại một công trình xây dựng, đang thu xếp dụng cụ để ra về thì có một phụ nữ đến mời ông mua vé số: “Do chưa lãnh lương, chưa có tiền nên tôi từ chối”.
Ai dè người phụ nữ lại “tốt bụng” đến độ... bán thiếu cho ông vì chị ta cũng ở cùng xóm với ông, chiều lấy tiền. Ông Bé nói: “Thôi thì cũng thử vận may. Tôi lấy hết 6 vé”.
Về đến nhà, chưa kịp tắm rửa thì có người bạn rủ ông đi nhậu. Thay bộ quần áo bẩn, máng lên vách tường, ông lên xe theo bạn. Hai tiếng sau, người phụ nữ đã bán thiếu vé số cho ông tìm đến. Vợ ông Bé kể: “Cô ta gặp tôi, nói chồng tôi còn thiếu tiền vé số. Tôi bực mình lục trong túi quần, túi áo ổng. Thấy có 6 tờ vé số, tôi lấy ra, trả lại cô ta”.
Đến chiều, khi Đài Long An công bố kết quả mở thưởng, cả xóm ngỡ ngàng khi hay tin người phụ nữ bán vé số trúng độc đắc 6 tờ, mà 6 tờ này lại chính là 6 tờ chị ta đã bán thiếu cho ông Bé. Đi thưa kiện, một luật sư cho ông Bé biết: “Anh mua nhưng chưa trả tiền thì 6 tờ vé số đó vẫn chưa thuộc về anh. Và việc vợ anh trả lại cho người bán 6 tờ vé số đã giải quyết xong chuyện nợ nần nên anh không thể kiện được”.
Cuối cùng, vẫn là chuyện trúng số độc đắc, nhưng là một câu chuyện "có hậu" và chúng tôi xin phép không nêu tên người trong cuộc, chỉ biết rằng sau khi mua 10 tờ vé số, chị tặng cho người bạn 1 tờ. Đến chiều, trong 10 tờ vé số chị mua, có 7 tờ trúng giải đặc biệt, còn 3 tờ trúng an ủi.
Hôm sau, chị tới nhà người bạn mà chị đã cho tờ vé số. Lúc gặp nhau, câu đầu tiên chị nói với bạn là: "Ông trả lại tờ vé số cho tui!". Người bạn sững sờ, lần mò trong túi tìm tờ vé số, đưa cho chị.
Chị tiếc của ư? Không! Sau khi nhận lại tờ vé số từ người bạn, chị lấy ra một tờ độc đắc 1,5 tỷ đồng: "Tờ vé số tui lấy lại chỉ trúng giải an ủi. Tui đổi cho ông tờ trúng độc đắc để ông bà mua cái nhà" bởi chị biết người bạn nghèo ấy vẫn chưa có nhà riêng. 100 triệu của giải an ủi là một số tiền không nhỏ, nhưng để mua một căn nhà ở đất Sài Gòn thì nó lại nhỏ vô cùng.