Gần đây, tại TP.HCM, nhiều người phản ứng với cách đặt tên bảng hiệu "ga tàu thủy" của 12 bến đón, trả khách thuộc tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông).
Họ cho rằng từ "ga" thường dùng cho hoạt động hàng không, đường sắt chứ chưa bao giờ thấy dùng cho bến tàu thủy, bến xe. Do đó việc đặt tên "ga tàu thủy" là không phù hợp.
“Ga là nơi tàu hỏa hoặc tàu bay dừng, đỗ, đón, trả khách; cung cấp các dịch vụ, tiện ích cần thiết cho hành khách đi tàu và lắp đặt các thiết bị, máy móc vận hành chạy tàu…”, anh Trần Bình (ngụ quận 1) nêu ý kiến.
Cách viết "ga tàu thủy" gây phản ứng trong dư luận. Ảnh: N.K.T. |
Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1) cho biết đã nắm thông tin về vấn đề trên. Ông Toản giải thích tên gọi "ga tàu thủy" có từ khi tư vấn lập đề án và đặt tên khi đưa vào vận hành khai thác.
“Khi đặt tên và khai thác các bến, thấy không ai nói gì nên chúng tôi sử dụng luôn. Hiện tại chúng tôi vẫn đang lắng nghe với tinh thần luôn hướng về điều đúng. Do đó, tư vấn sai thì giờ chúng tôi bắt đầu sửa lại”, ông Toản nói.
Theo ông Toản, trong hôm nay, phía công ty sẽ thực hiện điều chỉnh, thay đổi bảng hiệu "ga tàu thủy" thành "bến tàu" tại các bến đón, trả khách của tuyến buýt sông số 1.
Toàn cảnh bến tàu Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM. |
Tuyến buýt sông số 1 có lộ trình dài 10,8 km, được đưa vào khai thác từ năm 2017. Toàn tuyến có 12 bến đón, trả khách. Đây là loại hình vận tải công cộng đường thủy được TP.HCM kỳ vọng góp phần làm đa dạng hóa loại hình giao thông, giúp kéo giảm tải ùn tắc ngày càng trầm trọng trên đường bộ.
Hiện nay, mỗi ngày tuyến phục vụ từ 3.000 - 3.500 lượt hành khách; riêng hai ngày cuối tuần, lượng khách đi đạt 5.000 - 7.000 lượt.