Ốc đảo giữa cao nguyên
Việc Tráng A Tàng sa lưới pháp luật làm xôn xao các lãnh địa ma túy, nhất là ở bản Cô Tang, Lũng Xá, Tà Dê. Hiện tại, các đầu nậu có dấu hiệu buôn bán ma túy ở các bản này đều “bế quan tỏa cảng”, không ai đi ra khỏi bản, không giao tiếp với bất cứ người lạ mặt nào. Lương thực, nhu yếu phẩm, chỉ có những người quen biết, thân tín mới có thể mang vào. Tuy nhiên, những người này cũng chỉ đến đầu bản, rồi sau đó có người trong bản sẽ đích thân ra lấy.
Một người dân cho biết, bản Cô Tang, Lũng Xá, Tà Dê từ lâu là những điểm nóng nhất về tệ nạn buôn bán ma túy ở xã Lóng Luông, Mộc Châu, nhiều ông trùm đã sinh ra và lớn lên ở đây. Những người tham gia buôn bán “cái chết trắng” có rất nhiều tiền, đã khống chế, mua chuộc một số dân địa phương để làm tai mắt cho chúng. Trong vòng bán kính 5 km tính từ trung tâm bản, dày đặc đội ngũ “chim lợn”, ngày đêm lượn lờ, sẵn sàng cấp báo mọi thông tin cho các ông trùm.
Bản Lũng Xá nhìn từ ngã 3 xuống. |
Được biết, bố của Tráng A Tàng là Trưởng bản Lũng Xá. Sau khi con trai bị bắt, Lũng Xá “đóng cửa” bản hoàn toàn, không giao tiếp với thế giới bên ngoài, tựa như một ốc đảo trên cao nguyên Mộc Châu, Sơn La. Từ quốc lộ 6 đến gần trung tâm xã Lóng Luông tiến vào khoảng 3km, qua mấy con dốc sẽ có ngã 3, một lối độc đạo rẽ đi Tà Dê, lối còn lại vào Lũng Xá. Tuy nhiên, ngay ngã 3 đã có 1 quán nước nhỏ mọc lên nên mỗi khi có người lạ vào bản đều nhanh chóng bị “tai mắt” phát hiện.
Thâm nhập “cứ điểm”
Khi biết tôi có ý định thâm nhập căn nhà của Tráng A Tàng, người bạn địa phương ra sức ngăn cản, bảo rất nguy hiểm, sơ sẩy là bị ăn “kẹo đồng”. Trước sự quyết tâm của tôi, anh bạn chấp nhận đi cùng nhưng với điều kiện không vào sâu trong trung tâm bản Lũng Xá mà chỉ đến ngã 3 lối rẽ vào Lũng Xá quay về.
Trước khi đi, người bạn đề nghị tôi không mang theo bất cứ một đồ đạc cá nhân nào cả, ngoài chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe và gọi. Riêng người bạn cầm theo một xấp thẻ điện thoại đủ các mệnh giá, đóng giả người vào bản bán thẻ điện thoại.
Sau gần 30 phút đi xe máy, vượt qua 2 con dốc, bất ngờ phía sau chúng tôi xuất hiện một người đàn ông lạ mặt chạy xe bám theo. Thỉnh thoảng, gã lại phóng vượt lên phía trước, rồi lại giả vờ hỏng xe máy, dựng chân chống để sửa xe, đồng thời không quên quăng ánh mắt không mấy thiện cảm về phía chúng tôi.
Đến đỉnh dốc ngã 3 Lũng Xá, anh bạn nói đã đến đây nhiều và quen biết dân bản nên sẽ vào được. Sau đó, người bạn này vác theo túi xách nhỏ nhảy xuống đi bộ tiến về phía Lũng Xá để thám thính trước.
Còn lại một mình, tôi ngồi trên yên xe, phóng tầm mắt về phía bản Lũng Xá quan sát. Đang mải mê nhìn, bất ngờ xuất hiện 2 xe máy chở theo 4 gã thanh niên với khuôn mặt lạnh tanh tiến lại gần, hất hàm: “Mày vào làm gì?”. Tôi trình bày cùng bạn vào bản đi bán thẻ điện thoại. Một thanh niên ngồi sau xe quắc mắt quát: “Cho anh xem chú dùng điện thoại gì?”. Tôi vội rút ra chiếc Nokia không thẻ nhớ, không máy ghi âm, không có chức năng chụp ảnh. Sau màn “chào hỏi” ấy, chúng có vẻ đỡ nghi ngờ, ngồi vênh mặt trên yên xe phì phèo điếu thuốc.
Hai bên chẳng ai nói một câ. Đúng lúc ấy một tiếng súng khô khốc vang lên dưới chân núi. Tự dưng tôi thấy lạnh sống lưng, sởn hết cả gai ốc. “Chẳng lẽ người bạn đồng hành vào bản đã bị chúng sát hại”, tôi tự hỏi. Nhóm thanh niên cũng đứng hết dậy, nghe ngóng.
Ít phút sau, người bạn tôi đi lên nhưng phía sau là một người đàn ông đằng đằng sát khí, kèm theo họng súng đen ngòm dí sát vào lưng. Lên đến đỉnh dốc hắn đẩy người bạn ngã dúi dụi và kèm theo lời đe dọa: “Không buôn bán gì hết, lần sau chúng mày mà vào đây, tao bắn ...”.
Sau lời đe dọa, người đàn ông này cùng nhóm lên xe máy bỏ đi, còn chúng tôi cũng vội vã rời khỏi cung đường độc đạo để ra quốc lộ 6, kịp bắt chuyến xe trở về Hà Nội. Trên đường đi, người bạn cho biết, may mắn khi đó chúng nhận ra là người quen, nếu không có lẽ đã được chúng tặng cho mấy viên “kẹo đồng”.