Hôm 4/8, Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) - sự kiện thường niên của các nhà vận động và quan chức bảo thủ trên khắp nước Mỹ - đón một vị khách đặc biệt: Nhà lãnh đạo Hungary Viktor Orban.
CPAC là một trong những sự kiện quan trọng nhất của phe bảo thủ Mỹ và từng có sự góp mặt của nhiều tổng thống thuộc đảng Cộng hòa.
Ngoài ông Orban, hội nghị năm nay - được tổ chức tại bang Texas - còn có sự tham dự của các nhân vật nổi bật như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz.
Sự xuất hiện của ông Orban tại CPAC khẳng định vị thế của người đứng đầu chính phủ Hungary trong giới chính trị gia bảo thủ thế giới, cũng như cho thấy sự ngưỡng mộ mà một bộ phận đảng viên Cộng hòa Mỹ dành cho nhà lãnh đạo này.
Chính sách gây tranh cãi
“Ông ấy thực sự khao khát kiến thức”, bà Zsuzsa Hegedus, cựu cố vấn và là bạn của ông Orban, chia sẻ về buổi đầu gặp gỡ giữa hai người hồi năm 2002 với BBC. “Ông ấy không chỉ hứng thú với những điều tôi nói, mà thực sự muốn hiểu chúng”.
Đây vẫn là tính cách của ông Orban cho đến nay. Ông đọc nhiều loại sách và đưa các ý tưởng, câu trích dẫn từ chúng vào bài phát biểu, cũng như ưa thích tiếp đón các nhà văn và trí thức nổi tiếng trong văn phòng của mình.
Một trong những ý tưởng được vị thủ tướng nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là “sự suy tàn của phương Tây” - quan điểm ông chia sẻ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bà Zsuzsa Hegedus (trái) cùng Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Heti Világgazdaság. |
Khác với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khác, ông Orban ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Ông cũng “đi ngược dòng” khi liên tục chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu và khí đốt của Nga.
Mới đây nhất, ông Orban gây phẫn nộ sau khi chỉ trích sự đa sắc tộc ở lục địa già. “Chúng tôi (người Hungary) không phải là một chủng tộc hỗn hợp… và chúng tôi không muốn trở thành đa chủng tộc”, ông nói tại Romania hôm 23/7.
Chỉ hai ngày sau, bà Hegedus tuyên bố từ chức và chỉ trích phát biểu của vị thủ tướng.
Câu chuyện về tình bạn 20 năm giữa bà Hegedus và ông Orban hé lộ phần nào suy nghĩ của người đứng đầu chính phủ Hungary, cũng như bí quyết giúp ông được nhiều nhân vật cánh hữu - từ châu Âu tới Mỹ - ưa thích.
Theo bà Hegedus, “chìa khóa” để hiểu ông Orban và đảng Fidesz cầm quyền tại Hungary là việc họ đến từ tầng lớp dưới trong xã hội.
Sinh ra trong một gia đình điển hình tại vùng nông thôn Hungary, tham vọng của ông Orban là nắm và gìn giữ quyền lực. Để hiện thực hóa giấc mơ này, ông hiểu rằng mình cần dựa vào các lá phiếu của cử tri nông thôn.
Trong khi đó, bà Hegedus - một nhà xã hội học thiên tả gốc Do Thái - quan tâm tới những người Hungary sống trong cảnh nghèo khó và sẵn sàng ủng hộ một nhà lãnh đạo “không chỉ nói mà làm”. Đây là lý do họ đã gắn bó với nhau trong thời gian dài.
Kể từ khi ông Orban nắm quyền năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp tại Hungary đã giảm mạnh từ 11% xuống 4%. Số hôn lễ tăng gấp đôi, trong khi tỷ lệ ly hôn và nạo phá thai giảm xuống mức thấp kỷ lục. Tỷ lệ sinh tăng tới một phần tư trong giai đoạn này.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Hungary đã giảm mạnh kể từ khi ông Orban nắm quyền năm 2010. Ảnh: Reuters. |
Tháng 4 năm nay, đảng Fidesz của ông Orban tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, giúp vị thủ tướng có nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Trong đó, mọi khu dân cư có dân số dưới 10.000 người đều bỏ phiếu cho ông.
Những người chỉ trích cho rằng cuộc bầu cử này tự do, nhưng không công bằng vì đảng của ông Orban thống trị truyền thông. Vị thủ tướng từ chối tranh luận với các ứng viên đối lập, những người chỉ có 5 phút lên sóng trên truyền hình nhà nước.
Sự ngưỡng mộ từ nước Mỹ
Ông Orban bắt đầu nhận được sự chú ý của các đảng viên Cộng hòa Mỹ từ năm 2021, dù ông từng liên hệ với quan chức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump - thậm chí hợp tác với ông Steve Bannon, cựu cố vấn của ông Trump, vào năm 2019.
Tháng 8/2021, ông Tucker Carlson, người dẫn chương trình của Fox News, bay tới Budapest để phỏng vấn ông Orban. “Trong gần 200 quốc gia trên Trái Đất, chỉ có đúng một quốc gia bầu lên nhà lãnh đạo tự nhận bản thân là nhà bảo thủ kiểu phương Tây. Tên ông ta là Viktor Orban”, ông Carlson nói với khán giả.
Bằng trực thăng, ông Orban đưa ông Carlson dọc biên giới giữa Hungary và Serbia, nơi giới chức Budapest đã xây hàng rào ngăn người nhập cư. Thông điệp chống nhập cư, ủng hộ gia đình truyền thống, ủng hộ chủ quyền quốc gia của vị thủ tướng đã biến ông thành ngôi sao trong mắt giới bảo thủ Mỹ.
Đối với ông Orban, chuyến đi tới Texas cho ông cơ hội thúc đẩy quan hệ với ông Trump và các lãnh đạo đảng Cộng hòa Mỹ, cũng như tô vẽ thêm hình ảnh của một nhân vật hàng đầu của phong trào bảo thủ thế giới. Vị thủ tướng mong muốn chuyến thăm sẽ tăng cường vị thế của ông ở châu Âu - nơi ông phần nào bị cô lập từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát.
Dù vậy, ông Orban cũng sẽ cần khéo léo, khi thông điệp của vị thủ tướng không phải lúc nào cũng tương đồng với phe bảo thủ Mỹ.
Ví dụ, trong bài phát biểu tại Romania hồi tháng 7, ông cảnh báo nguyên nhân Mỹ thúc đẩy châu Âu cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga là việc nước này mong muốn bán khí đốt cho “lục địa già”.
Ông Trump tiếp ông Orban tại dinh thự của vị cựu tổng thống tại Bedminster, bang New Jersey, hôm 2/8. Ảnh: MTI/MTVA. |
“Nước Mỹ có thể áp đặt mong muốn của mình vì họ không phụ thuộc vào năng lượng từ các quốc gia khác. Họ có thể gây áp lực lên các nước thù địch vì kiểm soát mạng lưới tài chính cho chính sách cấm vận. Và họ có thể gây áp lực lên cả bạn bè - nghĩa là thuyết phục đồng minh mua hàng của mình”, ông tuyên bố.
Chỉ vài ngày sau khi bà Hegedus và ông Orban rơi vào tranh cãi, câu lạc bộ bóng đá Ferencvaros của Hungary đánh bại đối thủ lâu năm Slovan Bratislava của Slovakia với tỷ số 4 - 1 ở vòng loại Champions League. Dường như ít người để ý tới sự mâu thuẫn giữa chiến thắng này với diễn ngôn của ông Orban.
Trong 12 cầu thủ Ferencvaros ra sân, 6 cầu thủ tới từ châu Phi, một từ Hà Lan, một là người Bosnia Hồi giáo, hai từ Na Uy và hai người Hungary. Ba trong số bốn bàn thắng của Ferencvaros được ghi bởi các cầu thủ châu Phi.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều người từ Trung Quốc, châu Phi, Nga, Ukraine và các nước EU khác coi Hungary là nhà. Là cổ động viên bóng đá nhiệt thành, ông Orban hiểu điều này.
Trong giai đoạn 2013-2017, 1.800 công dân Trung Quốc đã chi khoảng 300.000 USD mỗi người để có hộ chiếu Hungary, theo một chương trình chính phủ. Bên cạnh đó, Budapest cũng có chính sách học bổng rộng rãi với du học sinh - nhiều người trong số họ quyết định ở lại.
Hungary đang trở nên "hỗn hợp" hơn bao giờ hết. Dù vậy, đây không phải thông điệp ông Orban chia sẻ với những người ủng hộ - bao gồm những người lắng nghe ông tại Texas hôm 4/8.