Là người nhiều năm theo nghề làm khô cá, chị Mỹ Tiên (chủ cơ sở sản xuất khô Mỹ Tiên, ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) cho biết: Trung bình 100 kg cá sẽ thu được khoảng 7-10 kg vảy. Trước đây, vảy cá lóc sau khi sơ chế đều bỏ đi. Tuy nhiên hai năm gần đây, người làm khô có thể bán vảy để tăng thêm nguồn thu nhập.
"Nếu như các phụ phẩm khác như xương, đầu và ruột cá được bán để làm thức ăn cho nghề nuôi cá trong vùng, thì vảy cá lóc được thương lái lại tới chỗ để mua nhưng không biết làm gì", chị cho biết.
Thời điểm hiện tại, vảy cá lóc (cá chuối) đang ở mức 5.000-6.000 đồng/kg. Thậm chí, một số thương lái đến tranh giành sẵn sàng trả 10.000-12.000 đồng/kg.
Chế biến cá khô ở Tam Nông. Ảnh: Tạp chí thủy sản. |
Nhiều năm làm khô tại huyện Tam Nông, chị Kim Liên (chủ cơ sở sản xuất khô Kim Liên) nói: "Từ năm 2017, thương lái bắt đầu tranh nhau đến thu mua vảy cá lóc, với giá khởi điểm chỉ 500 đồng/kg. Tuy nhiên, sau đó, giá vảy cá lóc bắt đầu tăng dần. Hiện tại, vảy cá lóc đang ở mức 5.000-6.000 đồng/kg. Ngoài vảy cá lóc, hiện thương lái còn mua thêm vảy cá các loại như: cá diêu hồng, cá rô phi..."
Vừa sản xuất, kinh doanh khô vừa thu gom vảy cá bán cho một thương lái trung gian ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), gần một năm nay, chị Võ Thị Lệ Hoa cho biết là có nhiều thương lái đến và tranh giành mua vảy cá lóc ở mức 10.000-12.000 đồng/kg. Bản thân cũng cảnh giác với việc giá vảy cá lóc biến động, chị Hoa đã yêu cầu thương lái đặt cọc tiền mới đồng ý thu mua cho họ.
"Trung bình mỗi ngày, mình thu gom được hơn 100 kg vảy cá và sau 2-3 ngày, thương lái sẽ đến thu mua một lần. Điều đáng nói là, bản thân mình và thương lái trung gian rất mù mờ về sản phẩm vảy cá sau khi được thu mua", chị Hoa chia sẻ.
Ông Đỗ Công Bình, Giám đốc Công ty CP khô Tứ Quý (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông), cho biết: "Những năm trước, có rất nhiều thương lái đến từ các tỉnh như Tiền Giang, Cà Mau, An Giang đến đặt vấn đề thu gom vảy cá lóc từ các hộ làm khô trong làng nghề. Tuy nhiên, tôi đã từ chối không bán.
Theo nhiều năm kinh nghiệm, hàm lượng collagen trong vảy cá lóc, cá rô phi rất ít. Vì vậy, tôi không hiểu sao thương lái gom để làm gì, chỉ có thể phơi khô, xay nhuyễn làm thức ăn chăn nuôi.
Thêm vào đó, nếu thu gom nhưng thương lái ngưng đột xuất, rất khó xử lý trong vấn đề môi trường, bởi vì vảy cá sẽ dễ phát sinh ruồi nhặng, gây ô nhiễm môi trường, nếu bảo quản không tốt".
Ông Lưu Văn Tiến, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, cho biết: "Liên quan đến chuyện thương lái thu mua vảy cá tại làng khô trong thời gian qua, chúng tôi vẫn chưa nắm được thông tin này. Chúng tôi sẽ tìm hiểu vụ việc ngay sau phản ánh của báo chí".