Hình vẽ mô tả cấu trúc của cỗ máy Antikythera và cách hoạt động của nó. Ảnh: Nikon. |
Nhóm ngư dân Hy Lạp lặn ở vùng nước ấm phía Nam bán đảo Peloponnese, như thường lệ vẫn kiếm được dư dả bọt biển ở gần hòn đảo nhỏ Antikythera. Nhưng lần này, họ còn tìm thấy những thứ khác: những chiếc cột và xà bị gãy của một xác tàu đắm, khả năng cao là một con tàu chở hàng từ thời La Mã. Giữa những thanh gỗ mục gãy, họ tìm được một chiến lợi phẩm trong mơ đối với một thợ lặn: một lượng lớn tác phẩm nghệ thuật và vật dụng xa xỉ.
Bí ẩn hơn, cùng với những kho báu này, có một đồ vật làm bằng đồng và gỗ đã bị ăn mòn và vôi hóa, kích thước cỡ cuốn danh bạ điện thoại, thoạt đầu được đánh giá là không có mấy giá trị khảo cổ. Nhưng sau hai năm nằm khô quắt lại và bị lãng quên trong một ngăn kéo ở Athens, cái cục tầm thường đó đã tự vỡ thành ba mảnh, đan cài khéo léo hơn 30 bánh răng kim loại đan cài khéo léo trước con mắt kinh ngạc của tất cả mọi người.
Một trong số những bánh răng đó có đường kính gần bằng vật thể bí ẩn; những bánh răng khác không rộng quá 1cm. Tất cả đều có những bánh răng hình tam giác được cắt thủ công - bánh nhỏ nhất có 15 răng; bánh to nhất có 223 răng, một con số mà hồi đó người ta chưa lý giải được. Có vẻ tất cả các bánh răng đều được cắt từ một tấm đồng duy nhất.
Nỗi sửng sốt nhanh chóng biến thành sự ngờ vực, băn khoăn và sợ hãi, bởi cộng đồng khoa học đơn giản không thể tin đến cả những nghệ nhân tài năng nhất thời Hy Lạp cổ đại cũng có khả năng tạo ra một vật như vậy. Thế là trong gần nửa thế kỷ, cỗ máy ghê gớm này - nếu nó đúng là một cỗ máy - lại bị “phong ấn”, bảo vệ và kiểm soát ngặt nghèo như một mầm bệnh chết chóc.
Nó được đặt tên là “cỗ máy Antikythera”, theo tên hòn đảo nằm giữa Crete và cụm đảo phía Nam của Hy Lạp lục địa, nơi người ta phát hiện ra nó. Sau đó, nó đã bị ngầm xóa sổ khỏi lịch sử khảo cổ học của Hy Lạp, một ngành vốn chỉ ưa làm việc với những thứ quen thuộc như bình lọ, đồ trang sức, vò hai quai, đồng xu, tượng đá cẩm thạch hoặc đồng sáng. Chỉ có một vài cuốn sách mỏng và nhỏ được xuất bản thảo luận về thiết bị này, tuyên bố nó là một loại thước trắc tinh hoặc cung thiên văn. Còn lại thì nó gần như không nhận được bất kỳ sự chú ý nào.
Phải đến năm 1951, Derek Price, một sinh viên trẻ tuổi người Anh nghiên cứu về lịch sử và tác động xã hội của khoa học, mới được tiếp cận cỗ máy Antikythera. Trong hai thập kỷ tiếp theo, anh đã dùng tia X và tia gamma để phân tích cổ vật bị vỡ, với hơn 80 mảnh nhỏ mới được tìm thấy bên cạnh ba cấu phần chính, nhằm vén bức màn bí ẩn bị chôn vùi suốt hai ngàn năm.
Cuối cùng, Price kết luận cỗ máy này phức tạp và quan trọng hơn nhiều một thước trắc tinh thông thường - khả năng cao nó là trái tim đang đập của một công cụ điện toán bí ẩn có cấu trúc cơ học đặc biệt phức tạp, một cỗ máy được chế tạo vào thế kỷ II TCN và chắc chắn là sản phẩm của một thiên tài kiệt xuất.
Công việc của Price trong những năm 1950 bị hạn chế bởi công nghệ thời đó không có khả năng soi chiếu vào bên trong thiết bị bí ẩn. Phải đến 20 năm sau, khi công nghệ chụp cộng hưởng từ MRI ra đời, tất cả mọi thứ mới thay đổi. Nhờ đó, vào năm 2006, hơn 100 năm sau khi những ngư dân khai thác bọt biển tìm thấy cổ vật, một bài báo đã được đăng trên tạp chí Nature trình bày phân tích chi tiết và công phu hơn nhiều về cỗ máy Antikythera.
Mặt trước của cỗ máy Antikythera được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia, Athens. Ảnh: The National Space Center. |
Nhóm tác giả bài báo, bao gồm các nhà nghiên cứu chuyên sâu từ nhiều nơi trên thế giới, đã kết luận: thứ mà các thợ lặn Hy Lạp trục vớt là phần còn lại của một thiết bị cơ học thu nhỏ được bọc kín trong một lớp vỏ, về bản chất giống với một chiếc máy tính analog với các mặt số, kim đồng hồ, thậm chí cả hướng dẫn sử dụng cơ bản, dùng để “tính toán và hiển thị các thông tin thiên văn, đặc biệt là các chu kỳ như các tuần trăng và lịch mặt trăng mặt trời”.
Hơn thế nữa, những chữ cái rất nhỏ được viết bằng tiếng Hy Lạp Corinth khắc trên mặt đồng của cỗ máy - tổng cộng có 3.400 ký tự, tất cả đều có kích thước tính bằng milimét – cho thấy các bánh răng, một khi khớp với nhau và được vặn dây cót bên ngoài hộp, còn có thể dự đoán sự chuyển động của năm hành tinh khác mà người Hy Lạp cổ đại hồi đó biết tới.
Chính số răng trên các bánh là manh mối đầu tiên giúp các nhà nghiên cứu đoán định chức năng của cỗ máy. Chẳng hạn, dựa trên thực tế bánh răng lớn nhất có 223 răng, các nhà nghiên cứu đã nhớ lại rằng những nhà thiên văn học của Babylon vốn là những người quan sát bầu trời sắc sảo nhất của thế giới cổ đại, từng tính toán các đợt nguyệt thực thường cách quãng 223 kỳ trăng tròn.
Như vậy, người ta có thể sử dụng thiết bị đặc biệt này để dự đoán thời gian xảy ra nguyệt thực (cũng như các bánh răng và tổ hợp bánh răng khác sẽ xoay chiếc kim trên mặt số để thể hiện các tuần và nhiễu loạn thiên thể). Đồng thời, nó còn có chức năng tầm thường hơn là đếm ngày tổ chức các sự kiện thể thao của cộng đồng, đáng chú ý nhất là Olympic của thời cổ đại.
Các nhà nghiên cứu ngày nay nhận định cỗ máy được chế tác rất tinh xảo, “một số thành phần được làm ra với độ chính xác lên tới vài phần mười của 1 mm”. Chỉ bằng ước tính đó, cỗ máy Antikythera dường như có thể được coi là thiết bị chính xác nhất - và quan trọng hơn với phần giới thiệu câu chuyện này, có lẽ nó là dụng cụ chính xác đầu tiên mà con người từng chế tạo.
Song nhận định này có một lỗ hổng lớn. Khi được kiểm nghiệm bằng mô hình hiện đại, thiết bị này hóa ra lại thiếu chính xác đến mức đáng thất vọng, đáng xấu hổ và vô dụng. Một trong những chiếc kim, được cho là chỉ vị trí của Sao Hỏa thường xuyên bị lệch đến 38 độ so với thực tế.
Alexander Jones, Giáo sư cổ học thuộc Đại học New York, có lẽ là người viết nhiều nhất về cỗ máy Antikythera, đã mô tả sự phức tạp của nó là sản phẩm của “một kỹ nghệ thủ công còn non trẻ và đang phát triển nhanh chóng” và là kết quả của “những quyết định thiết kế thiếu khôn ngoan”. Nói tóm lại, các tác giả của cỗ máy đã có “một tạo tác tuyệt diệu, nhưng không phải là một phép màu hoàn hảo”.