Nhiều người đồn đoán rằng, núi tiền này có thể là tài sản bí mật của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Núi tiền này toàn tờ 100 euro, nặng tới 200 tấn và đang được cất giữ trong một kho chứa hàng được bảo vệ nghiêm ngặt của sân bay. Hải quan Nga có yêu cầu chủ sở hữu của lô hàng đứng ra nhận lại tài sản. Rất nhiều kẻ đến “nhận vơ”, nhưng không một ai có thể chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp.
Nơi cất giữ 200 tấn tiền bị bỏ quên ở sân bay Nga. |
Nhiều người đồn đoán số tiền này thuộc về cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein. |
Theo một nguồn tin khác, số tiền này được dành cho một quỹ từ thiện có tên “Thế giới của những người tốt bụng”, có trụ sở ở Ukraine, chủ nhân là ông Alexander Shipilov, 53 tuổi. Tuy nhiên, ông này vẫn không thể đưa ra được bằng chứng cho thấy đây là tài sản của mình. Được biết, tổ chức từ thiện của ông đã treo thưởng 2,7 tỷ USD cho bất kỳ luật sư nào giúp tổ chức thắng kiện. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý của Moscow đều lắc đầu.
Ông Vadim Lyalin, một chuyên gia về các vấn đề hải quan cho biết: “Người gửi hàng không chỉ định người nhận. Điều này khá kì lạ. Nó cho thấy có vấn đề gì đó với số tiền mặt này”. Ông Lyanlin cho biết thêm, cho đến nay, chính phủ Nga vẫn không tịch thu số tiền này, vì “không có cơ sở pháp lý”.
Dailymail cho biết, theo các tài liệu về lô hàng, thì chủ sở hữu có thể là một người đàn ông 45 tuổi tên Farzin Koroorian Motlagh. Theo thông tin ghi trên hộ chiếu, người đàn ông này mang quốc tịch Iran, nhưng hải quan Nga và các cơ quan khác vẫn chưa đủ bằng chứng thuyết phục cho thấy đây là chủ sở hữu cuối cùng. Bên cạnh đó, ông này cũng không tới nhận hàng.
Hộ chiếu của Farzin Koroorian Motlagh. |
Motlagh được cho là có liên quan tới vụ trộm 14 tỷ USD từ Ngân hàng Trung ương Abu Dhabi bằng giấy tờ giả mạo. Nhiều nguồn tin cho biết, ông trốn sang Iran để tránh bị xử ở các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Các nguồn tin an ninh cho biết, Motlagh có thể bị “mất kiểm soát khối tài sản khổng lồ mà ông giữ cho các lợi ích mờ ám liên quan đến một nhà độc tài, một quan chức tham nhũng cấp cao hoặc một tổ chức mafia lớn”.
Tuy nhiên, dù có nhiều câu chuyện được thêu dệt xoay quanh núi tiền này, thì cho đến nay, chủ nhân của chúng vẫn còn là một điều bí ẩn.