Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã làm đúng quy trình điều trị'

Do đặc thù riêng, lãnh đạo bệnh viện cho biết bác sĩ có thể khám cho bệnh nhân tâm thần ở mọi lúc, mọi nơi, không nhất thiết tại phòng điều trị.

Đó là giải thích của ông Nguyễn Tấn Đại, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc tại sao lãnh đạo không phát hiện một "phòng bay lắc" quá khác biệt ngay trong viện.

"Tôi không nghĩ sự việc nghiêm trọng như vậy"

- Là lãnh đạo bệnh viện, ông đánh giá như thế nào về sự việc này?

- Thực tế chúng tôi cũng không bao giờ nghĩ sự việc lại đến mức độ nghiêm trọng như vậy. Đây là nơi điều trị bệnh nhân, tất nhiên cũng rất phức tạp. Những bệnh nhân điều trị tại viện đều là người có rối loạn chức năng não bộ, không kiểm soát được hành vi, cảm xúc cũng như lời nói, hành động của mình.

Vì vậy, khâu điều trị, quản lý người bệnh khá phức tạp. Chúng tôi còn phải quản lý, kiểm soát người nhà thăm, gặp và sống cùng với người bệnh, chăm lo cho người bệnh từ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

Nhiều khoa bị quá tải, lực lượng y tế cũng mỏng, đặc biệt trong giờ trực. Nhiều đơn vị chỉ có 3-4 người trực để chăm sóc cho mấy chục bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi chủ yếu chú trọng vào công tác chuyên môn, đặc biệt là khám, chữa bệnh, kê đơn, xét nghiệm cận lâm sàng, điều trị tâm lý, chăm lo cho người bệnh từ ăn uống, vệ sinh cá nhân.

Ban ma tuy trong benh vien tam than anh 1

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo.

- Trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện trong vụ việc này?

- Về trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện, trong cuộc họp với Bộ Y tế, bệnh viện đã tiến hành rút kinh nghiệm và Bộ Y tế cũng ra quyết định rồi.

Sự việc xảy ra thật sự là điều đáng tiếc. Ngoài việc kiến nghị hỗ trợ vấn đề quản lý, điều trị người bệnh với cơ quan giám sát, chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường giám sát và quản lý người bệnh nhiều hơn và tích cực hơn. Tuy nhiên, việc quản lý gần 400-500 bệnh nhân thông thường, trong đó có 64 người điều trị bắt buộc, là rất khó khăn.

- Nguyễn Xuân Quý đã từng trốn viện một lần, sau đó bị công an bắt. Tại sao đối tượng này có thể ra ngoài tự do như vậy?

- Thực ra, sự việc này xảy ra cũng lâu rồi. Tôi cũng không nắm rõ sự việc. Lúc đó, không biết là có biên bản làm việc giữa khoa và phòng Kế hoạch Tổng hợp hay không. Bệnh viện cũng có tiến hành tất cả quy trình báo trốn của người chữa bệnh.

Chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Cơ quan giám sát luôn kiểm tra, nhắc nhở. Lãnh đạo bệnh viện cũng thường xuyên kiểm tra tại các khoa, nhắc nhở chung về công tác quản lý, điều trị bệnh nhân nói riêng và bệnh nhân tâm thần nói chung.

- Quy trình quản lý người bệnh ra vào như thế nào. Vụ việc này chứng tỏ bệnh viện có lỗ hổng khi quản lý?

- Thực ra, câu này khá là khó trả lời vì chúng tôi cũng thấy chưa có gì sai. Đặc biệt là thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng cũng đã rà soát, kiểm tra tất cả khâu, bệnh án và bổ sung giấy tờ. Các quy trình khám, tiếp nhận, quản lý và điều trị người bệnh cũng đã rất sát sao.

Chúng tôi đã làm rất ổn theo bản quy trình tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh đầu tiên được đưa ra vào năm 2018 do giám đốc bệnh viện thảo ra.

Hiện tại, dựa theo báo cáo của chúng tôi, khu vực cửa ra vào được quản lý, có người trực, chứ không phải cửa khóa như các đơn vị trại giam hay nơi nào khác. Bởi vì ở đây, bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế hoạt động chung.

- Như vậy theo ông, bệnh viện đã làm đúng quy trình?

- Vâng, chúng tôi đã làm ổn. Bản quy trình tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh đầu tiên được đưa ra là vào năm 2018 do giám đốc bệnh viện thảo ra.

- Vậy nếu đã có quy trình, tại sao sự việc vẫn xảy ra? Có phải lỗi là do con người quản lý chứ không phải vấn đề ở quy trình?

- Chúng tôi cũng chưa xác định rõ lỗi do ai. Hiện chúng tôi vẫn phải dựa vào bản tường trình của khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền rõ ràng hơn thì mới nắm được cụ thể nguyên nhân là gì.

Ban ma tuy trong benh vien tam than anh 2

Ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, đã bị tạm đình chỉ công tác. Ảnh: Thạch Thảo.

Bệnh viện không có chức năng xác định bệnh nhân có tâm thần thật hay không

- Việc chẩn đoán một người bệnh tâm thần gần như qua tiếp xúc. Ông có cho rằng điều này có thể dễ dẫn đến việc chủ quan trong việc xác định bệnh nhân có tâm thần thật hay không?

- Thông thường, việc chẩn đoán người bệnh tâm thần, tính rối loạn chức năng của não bộ dẫn đến rối loạn các mặt khác của tâm thần như cảm xúc, tư duy, hành vi, tác phong, trí nhớ...

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I là đơn vị điều trị người bệnh tâm thần. Chính vì thế, với chúng tôi, các cận lâm sàng như chụp chiếu, siêu âm, điện tim, X-quang..., mang tính chất hỗ trợ chẩn đoán cho bác sĩ lâm sàng sau khi phỏng vấn và quan sát. Một số mang tính chất chỉ điểm chứ không phải là đặc trưng.

Chẳng hạn điện não đồ, có sóng hay không. Khi bác sĩ lâm sàng chứng kiến bệnh nhân có 2 cơn động kinh là có thể chẩn đoán bệnh động kinh rồi. Tóm lại, ở bệnh viện, tất cả cận lâm sàng được mang tính chất hỗ trợ cho chẩn đoán.

Việc mà người bệnh có thể không đúng hay những người thầy thuốc chưa có kinh nghiệm, chúng tôi không bàn đến. Quan trọng là chúng tôi tập trung điều trị các mặt hoạt động tâm thần rối loạn của người bệnh và sau đó có hội chẩn cụ thể. Trường hợp nào khó thì phải mời hội chẩn bệnh viện và phòng Kế hoạch tổng hợp. Nếu bình thường, người bệnh được hội chẩn tại khoa với trưởng khoa và các bác sĩ điều trị.

Còn về vấn đề bệnh nhân có bị tâm thần hay rối loạn năng lực hành vi thật hay không là việc thuộc giám định pháp y, tâm thần trung ương.

- Việc điều trị bắt buộc có phải tập trung vào những người nghiện ma túy không?

- Do điều kiện, bệnh viện chúng tôi chưa thành lập được khoa riêng. Cho nên, những người được tiếp nhận vẫn phải điều trị như bệnh nhân bình thường khác theo Nghị định 64.

Tuy nhiên, chúng tôi có sửa một số điều để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của bệnh viện. Cũng vì chưa có khoa riêng, các bệnh nhân sẽ được phân vào một số khoa bất kỳ vì đều là bệnh nhân tâm thần.

Trước đây, chưa hiểu rõ về Nghị định 64 nhưng bây giờ chúng tôi đã nắm rõ và được góp ý, chỉ đạo của cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng bố trí phòng riêng, khu riêng, để người bệnh đó được điều trị. Chúng tôi sẽ có những hình thức quản lý chặt chẽ hơn, quan tâm việc điều trị hơn nữa. Đặc biệt đối với những đối tượng đó, tâm lý phải tốt hơn.

Ban ma tuy trong benh vien tam than anh 3

Vị trí phòng điều trị của Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Đồ họa: Phương Trâm.

- Lãnh đạo bệnh viện đã từng đi kiểm tra phòng của đối tượng Quý?

- Lãnh đạo bệnh viện và các khoa xuống kiểm tra thường đi sâu vào khâu hồ sơ bệnh án, thuốc men và tiếp xúc người bệnh tại phòng giao ban. Một số chuyên khoa đa khoa cũng hay đến buồng bệnh thăm khám.

Tuy nhiên, với người bệnh tâm thần, chúng tôi có thể khám ở mọi nơi, mọi lúc để nhận định được các triệu chứng bệnh rất rõ ràng. Ví dụ, chúng tôi có thể tiếp xúc bệnh nhân ở phòng giao ban, nhà ăn hay khi họ đang vui chơi giải trí, thậm chí cả lúc ngủ, để giám sát tất cả mặt hoạt động tâm thần của người bệnh. Những lúc phỏng vấn trực tiếp đôi khi có những triệu chứng không phân biệt được đúng hay không. Cho nên nhiều khi không nhất thiết phải là khám tại buồng bệnh.

Còn kiểm tra trật tự nội vụ chủ yếu là trách nhiệm của khoa. Cái này đã có trong quy chế của bệnh viện từ rất lâu về trang thiết bị, cơ sở vật chất trong phòng bệnh.

Ngày 31/3, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP Hà Nội - đã triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy do Nguyễn Xuân Quý - người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội) cầm đầu.

Đối tượng này đã cải tạo phòng điều trị trong bệnh viện thành một phòng có cách âm, lắp loa, đèn trang trí để sử dụng và mua bán ma túy. Quý còn bị cáo buộc đã mời bạn bè, gọi những cô gái làm nghề tự do vào bệnh viện để sử dụng chất cấm.

Chiều 1/4, Bộ Y tế đã quyết định tạm đình chỉnh công tác với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo cơ sở này đình chỉ công tác chuyên môn các cá nhân liên quan, gồm: Bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, điều dưỡng trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho đối tượng Nguyễn Xuân Quý.

Tạm đình chỉ công tác Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I

Quyết định được đưa ra sau khi Bộ Y tế làm việc với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, vào sáng 1/4.

Thu Hà

Bạn có thể quan tâm