Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh viện nhận sai sót vụ cưa chân, hứa sẽ có trách nhiệm

Do bác sĩ Khôi sai sót trong chẩn đoán, khiến chân anh Lâm bị hoại tử phải cưa cụt 1/3. Bệnh viện hứa sẽ lắp chân giả tốt và hỗ trợ chi phí học nghề cho bệnh nhân.

Chiều 22/7, lãnh đạo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM đã có buổi trao đổi thông tin với báo chí về trường hợp đơn thư khiếu nại của gia đình bệnh nhân Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, ngụ Long An).

Chẩn đoán sai do bệnh viện tuyến dưới đã nắn khớp

Bác sĩ Nguyễn Tiến Linh, Phó giám đốc Bệnh viện, cho biết giống như kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế đánh giá, đây là ca chấn thương khó ở khớp gối. Bệnh nhân bị tổn thương vùng gối do trật khớp, kèm theo tổn thương động mạch kheo.

Bác sĩ Linh nói nguyên nhân dẫn đến việc bác sĩ Trần Chí Khôi chẩn đoán sai là do trước đó, anh Lâm đã được bệnh viện tuyến dưới chích thuốc tê nắn khớp. Khi tiếp nhận bệnh nhân bác sĩ điều trị không còn thấy triệu chứng trật khớp gối nên chẩn đoán là chấn thương phần mềm.

Tiếp lời đồng nghiệp, bác sĩ Trương Trí Hữu, Trưởng phòng quản lý chất lượng bệnh viện, nhận định với bệnh lý trật khớp gối các bác sĩ sợ nhất là tổn thương động mạch kheo. Tuy nhiên, khi vết thương trật khớp gối của anh Lâm đã được chích thuốc tê, nắn lại rồi thì tất cả những triệu chứng của bệnh không còn nữa.

Bi cua chan sau chan doan bong gan anh 1
Bác sĩ Nguyễn Tiến Linh và bác sĩ Trương Trí Hữu trả lời báo chí. Ảnh: Khánh Trung.

Khi bác sĩ Khôi khám thấy mạch mu chân, các ngón chân của bệnh nhân vẫn cử động nên mới chẩn đoán nhầm sang chấn thương phần mềm.

“Về quy trình bác sĩ Khôi đã làm đúng nhưng cái sai của bác sĩ này là về chuyên môn như kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế đánh giá”, bác sĩ Tiến nói.

Do chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương phần mềm ở vùng gối nên không yêu cầu  bệnh nhân nhập viện mà viết toa thuốc cho người này về điều trị ngoại trú và dặn một tuần sau tái khám.

Theo như lời khai của bệnh nhân, sau 3 ngày khám ở bệnh viện về, anh Lâm lại bị té thêm một lần nữa. Khi té lại lần thứ 2 bệnh nhân quay lại Chấn thương Chỉnh hình tái khám, bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân có dấu hiệu của tổn thương động mạch. Bệnh viện đã hội chẩn và chuyển anh Lâm qua Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán, chân bệnh nhân bị tổn thương mạch nặng, không giữ được.

Hỗ trợ lắp chân giả và học nghề

Sau khi biết được thông tin trên, bệnh viện đã cử chủ tịch Công đoàn và Trưởng phòng quản lý chất lượng sang thăm hỏi, động viên gia đình.

Ngoài ra, bệnh viện cũng mời đại diện gia đình để bàn bạc và thống nhất các giải pháp những hỗ trợ về mặt tinh thần cho bệnh nhân. Bệnh viện đã thống nhất với gia đình anh Lâm sẽ trả mọi chi phí điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (gần 15 triệu đồng).

Sau khi biết được thông tin anh Lâm bị cưa chân, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã chủ động báo cáo sự cố và xin Sở Y tế lập hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân cho rõ ràng.

Bi cua chan sau chan doan bong gan anh 2
Biên bản thỏa thuận giữa bệnh viện và người nhà bệnh nhân. Ảnh: Khánh Trung. 

Về giải pháp khắc phục hậu quả cho bệnh nhân, lãnh đạo bệnh viện hứa, sau khi vết thương mỏ cụt lành, bệnh nhân sẽ đưa qua Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM (quận Tân Bình) để lắp chân giả.

Với sự hỗ trợ của bệnh viện bạn, anh Lâm sẽ được lắp loại chân giả tốt nhất. Sau đó, bệnh viện sẽ bàn với gia đình về mức hỗ trợ chi phí hướng nghiệp để bệnh nhân học nghề.

Sau ca bệnh này giám đốc bệnh viện đã tóm tắt trường hợp gửi xuống các khoa lâm sàng để các bác sĩ rút kinh nghiệm. “Có khi cả đời một bác sĩ không gặp, nhưng có bác sĩ lại gặp. Vì một bác sĩ không có kinh nghiệm dày dặn thì rất dễ nhầm với chấn thương phần mềm”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Lãnh đạo bệnh viện cũng cho biết bác sĩ Khôi là bác sĩ chuyên khoa II. Gặp phải sự cố này bác sĩ cũng rất sốc và sa sút về mặt tinh thần.

Trước đó, khoảng 18h ngày 21/6, anh Lê Hoàng Lâm chạy xe máy lên xã Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An) để giữ rẫy dưa thì bị té, chân phải đập mạnh vào gốc cây ven đường.

Sau đó anh được người dân chở đến Bệnh viện Mộc Hóa cấp cứu. Xác định đây là ca nặng nên sau khi sơ cứu, bệnh viện đã chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Long An. Lúc này chân anh Lâm ngày càng sưng to và đau hơn nên gia đình quyết định chuyển lên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM.

Bác sĩ Trần Chí Khôi khám và chỉ định chụp X-quang kiểm tra. Bác sĩ xem qua kết quả chụp phim rồi cho biết chỉ bị bong gân. Sau đó, bác sĩ kê toa thuốc cho xuất viện, hẹn tuần sau lên tái khám.

Về nhà được 3 ngày thì tình hình càng trở nặng, nên gia đình đưa lên lại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình kiểm tra lại. Sau đó, bệnh viện đã họp và chuyển anh Lâm sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sáng 25/6, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán anh Lâm bị hoại tử bàn chân phải, tắc động mạch kheo phải, chấn thương gối phải. Phương pháp điều trị: phẫu thuật cắt cụt 1/3 dưới đùi phải.

Bệnh nhân có quyền khởi kiện

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP HCM, trường hợp anh Lâm nếu cho rằng bác sĩ Khôi vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh, để xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây thiệt hại cho mình thì có quyền yêu cầu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình bồi thường cho mình cũng như xử lý trách nhiệm đối với bác sĩ Khôi.

Trường hợp, hai bên hòa giải không thành thì anh Khôi có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định tại Điều 80 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án có thể trưng cầu giám định để xác định lỗi của bệnh viện và trên cơ sở này giải quyết các yêu cầu của các đương sự trong vụ án.

Bệnh nhân bị cưa chân ở Sài Gòn do bác sĩ chủ quan

Đây là kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP HCM về trường hợp bệnh nhân Lê Hoàng Lâm được bác sĩ Trần Chí Khôi, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình khám và điều trị.

 


Khánh Trung

Clip: Trương Khởi

Bạn có thể quan tâm