Chiều 8/1, Bệnh viện Bạch Mai họp báo thông tin về việc hàng chục tấn rác thải y tế độc hại được tuồn ra các cơ sở tái chế.
TS Nguyễn Việt Hùng - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết, 16 năm qua ông là người chịu trách nhiệm về việc thu gom, xử lý chất thải, trong đó có nhiều chất nguy hiểm, gây hại của bệnh viện.
Quá trình xử lý được thực hiện nghiêm, phân loại tại nguồn theo 3 nhóm: rác thải bình thường, rác nguy hại và chất thải tái chế. Nhóm chất thải nguy hại, lây nhiễm phải được tiêu hủy, hai nhóm còn lại chỉ cần phân loại, đóng gói, cho vào kho và được hợp đồng bán ra bên ngoài như các cơ sở y tế khác, chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Rác thải y tế độc hại được âm thầm xử lý tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lao Động. |
Ông Hùng cho hay, mỗi ngày bệnh viện phát sinh khoảng 5,7 tấn chất thải, trong đó chủ yếu là chất thải thông thường (4,5 tấn), chất thải tái chế (3 tạ) và chất thải lây nhiễm (khoảng 800 kg). Số chất thải này vẫn được giao cả cho công ty Urenco 8 và Urenco 10 xử lý theo hợp đồng.
"Tuy nhiên, gần đây Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn giữ lại một phần để thử nghiệm quá trình xử lý diệt khuẩn tại bệnh viện giúp nó trở thành rác thải bình thường trước khi giao lại cho bên công ty xử lý rác thải", ông Hùng cho hay.
Theo lý giải của ông Hùng, những hình ảnh báo chí ghi được là một số quy trình trong giai đoạn xử lý đó. Nhân viên phải phân loại rác thải, dùng kéo cắt dây truyền máu; các xilanh phải bị làm vỡ, dây truyền phải được cắt đi để diện tích tiếp xúc với nhiệt lớn nhất mới có hiệu quả diệt khuẩn cao. 30 mẫu đã thử nghiệm đều cho thấy không có vi khuẩn nào tồn tại.
“Thông tin báo chí đưa đúng, nhưng đó là đề tài nghiên cứu của chúng tôi. Theo quy định, những rác thải có dính máu là loại truyền nhiễm, phải được xử lý bằng hóa chất, sau đó cho vào nồi hấp. Trong quá trình thực hiện, có những khâu nhân viên tuân thủ chưa tốt, khu xử lý cũng có những điều kiện chưa tốt. Chúng tôi nhận lỗi về điều này”, ông Hùng nói.
Trước câu hỏi về quy trình xử lý rác lây nhiễm bằng máy thô sơ giống như tại các cửa hàng đồng nát, ông Hùng cho hay, việc làm biến dạng rác thải không phải là công nghệ, tất nhiên về lâu dài cần nhập máy móc đắt tiền để thực hiện công đoạn này. Hiện, khoa mới chỉ thử nghiệm nên chưa đủ điều kiện.
Ông Hùng trả lời các câu hỏi của báo chí. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đề tài nghiên cứu này chưa được thông qua hội đồng bệnh viện mà đã thực hiện. Bệnh viện sẽ có biện pháp xử lý sai sót này.
"Riêng việc kiểm soát chất thải này cũng đã có quy trình cụ thể từ thu gom phân loại... Hàng tháng tôi đều họp để kiểm định vấn đề này. Đơn vị nào phân loại sai, chỉ cần để lẫn chất thải là bị phạt tiền", ông Hiền nói.
Ông Nguyễn Quý Châu - Phó giám đốc bệnh viện khẳng định: "Đây là bài học rất lớn, ban lãnh đạo nghiêm túc kiểm điểm, những việc chưa thật sát sao thì phải sát sao hơn, giáo dục nhân viên hợp đồng cũng phải kỹ hơn. Chúng tôi cố gắng tuyệt đối để không có rác thải truyền nhiễm lọt ra môi trường".
Về quy trình thuê khoán xử lý rác thải ông Hùng cho biết, bệnh viện không xử lý tại chỗ vì trong khu dân cư nên đã thuê các công ty đấu thầu từng năm một. Những công ty bệnh viện ký hợp đồng đều đã thực hiện công việc này ở các bệnh viện tại Hà Nội.
Sáng 8/1, thông tin hàng chục tấn rác thải y tế độc hại đang được “âm thầm” sơ chế tại Bệnh viện Bạch Mai khiến dư luận hoang mang. Theo đó, những phế phẩm vô cùng nguy hại này được tái chế thành sản phẩm nhựa tại những cơ sở sản xuất thủ công ngay ngoại thành Hà Nội, và rất có thể chúng trở thành những chiếc thìa nhựa, cốc nhựa mà người dân vẫn sử dụng hằng ngày.