Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bệnh văn phòng từ việc ngủ gục trên bàn, lười lấy nước

Do đặc thù về môi trường và thời gian làm việc, nhiều dân văn phòng cố gắng tìm cách ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ để thoải mái nhất nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe.

Ngủ trong tư thế ngồi gập trên bàn là một trong những thói quen rất xấu của dân văn phòng, ảnh hưởng tới cột sống. Ảnh: Pexel.

Như thói quen mọi ngày, Hoàng Thu Huyền (25 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) trở lại bàn sau khi ăn trưa để ngủ một giấc ngắn trước khi tiếp tục công việc.

Sau khi công ty kéo rèm, tắt đèn, không chỉ Thu Huyền, mọi người đều tranh thủ ngủ hoặc nghỉ ngơi tại chỗ. Nữ nhân viên văn phòng kê đầu lên chiếc gối cổ (loại thường được dùng khi lên máy bay) đặt trên bàn để ngủ trưa. Tuy nhiên, khi tỉnh dậy, cô gái trẻ thường xuyên có cảm giác đau, mỏi cổ.

Bất chấp ngồi gập người trên bàn để ngủ trưa

Chia sẻ với Zing, Hoàng Thu Huyền thú nhận: “Tôi cũng từng nhiều lần có cảm giác mỏi cổ sau khi thức dậy trước đây. Có khó chịu thật nhưng đến lúc buồn ngủ quá cũng không có cách nào khác”.

Nữ nhân viên văn phòng này cho biết ở công ty của cô có nhiều người cũng ngủ trưa theo tư thế tương tự. Một số người khác lựa chọn trải thảm yoga nằm dưới sàn hoặc ghế sofa. Tuy nhiên, cá nhân Huyền không thoải mái với những cách này.

thoi quen dan van phong anh 1

Nhiều dân văn phòng lựa chọn ngủ trưa ngay tại bàn vì riêng tư, thoải mái. Ảnh minh họa: RIFM.

“Ngủ ngay tại chỗ ngồi của mình vẫn riêng tư và thoải mái hơn. Không ngủ, buổi chiều làm việc lại mệt”, Huyền nói.

Trao đổi với Zing, bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, nguyên bác sĩ Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và U23 Việt Nam, khẳng định việc ngồi gập người lên bàn để ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe khi đây không phải tư thế ngủ chuẩn.

“Ngay cả khi chúng ta nằm trên giường, cột sống vẫn phải chịu khoảng 20% trọng lượng cơ thể. Nguyên nhân là đa phần người dân chưa nằm đúng tư thế để đảm bảo đường cong sinh lý của cột sống. Về mặt lý thuyết, việc nằm đúng theo đường cong này mới giúp cơ thể được thả lỏng hoàn toàn”, vị chuyên gia giải thích.

Để đảm bảo điều này, chúng ta phải thậm chí phải sử dụng thêm gối, chăn để kê hay nâng lưng, gác chân…

Trong khi đó, BS Thủy nhấn mạnh việc ngồi gập người trên bàn đặt cột sống vào một áp lực lớn. Mặt khác, tư thế này còn làm phổi bị tỳ đè, ảnh hưởng tới sức khỏe của nội tạng.

Tuy nhiên, với điều kiện của đa số văn phòng hiện nay, ông cho rằng việc nhiều người phải ngủ không đúng tư thế là điều dễ hiểu. Dẫu vậy, chúng ta vẫn nên cố gắng tránh việc ngồi gập người khi ngủ.

Thay vào đó, mọi người có thể sử dụng các loại ghế có chế độ ngả hoặc lựa chọn một khu vực nghỉ ngơi phù hợp hơn.

Ngại lấy nước uống

Trong khi đó, làm việc tại một công ty lớn về dịch vụ F&B (Food and Beverage), vấn đề của Nguyễn Viết Nam (26 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) lại là diện tích văn phòng quá… rộng.

“Mỗi lần lấy nước uống, tôi lại phải di chuyển một quãng đường khoảng 30 m. Dù trong văn phòng có tới 3 khu vực đặt máy lọc nước, chúng đều cách vị trí của tôi một quãng tương tự. Vấn đề là đôi khi dở việc, tôi không muốn gián đoạn luồng suy nghĩ quá lâu”, Nam chia sẻ.

thoi quen dan van phong anh 2

Bình nước 1 l của được Nam mang đến văn phòng để tránh mất công đi lại nhiều. Ảnh: NVCC.

Sau những lần như vậy, Nam quyết định mang theo một bình nước có dung tích lớn (1 lít) để chứa sẵn nước dùng trong ngày.

Anh nói: “Thực ra việc này phần nào cũng giúp tôi uống đủ nước hơn. Tôi lấy nước 2 lần trong ngày vào buổi sáng, khi vừa đến công ty, và buổi trưa, sau khi ăn, là đã đảm bảo đủ 2 lít nước/ngày”.

Liên quan vấn đề này, BS Thủy cho rằng thói quen lười vận động của dân văn phòng có thể mang đến rất nhiều tác hại. Việc không muốn di chuyển để lấy nước cũng là hành động nhỏ khiến chúng ta ngồi tại một vị trí quá lâu.

Theo đó, việc ngồi làm việc với máy tính trong nhiều giờ khiến toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn xuống cột sống thắt lưng. Lâu dần, thói quen này thúc đẩy quá trình thoái hóa cột sống nhanh hơn.

Vị chuyên gia cảnh báo: “Dù ngồi đúng tư thế, trọng lực được dàn đều, đĩa đệm, cột sống vẫn phải chịu tới 100% trọng lượng cơ thể. Trong khi đó, nếu ngồi sai, dù chỉ hơi cúi hay hơi ngửa, con số này có thể lên tới 300-400%”.

Do đó, mọi người nên coi các hành động nhỏ như đi vệ sinh, lấy nước, tiếp xúc với đồng nghiệp trong văn phòng trong giờ giải lao là một cách để tăng vận động hàng ngày.

Ngoài ra, cách mỗi khoảng 45 phút, chúng ta nên chủ động đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vặn người, đi lại hoặc làm bất cứ hành động nào để tránh cơ thể giữ nguyên một vị trí quá lâu.

Kê gối dưới lưng khi ngồi làm việc

Gặp một vấn đề khác, Lương Quỳnh Thương (24 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy không thoải mái với chiếc ghế khi ngồi làm việc tại công ty. Nữ nhân viên này thường phải kê thêm một chiếc gối ở phần lưng dưới và ngồi thấp người xuống để tạo cảm giác dễ chịu hơn.

“Tôi cũng từng cố ngồi thẳng nhưng chỉ được khoảng 10-15 phút là lại phải trở về vị trí cũ. Cảm giác mỏi khiến tôi không thể tập trung làm việc lâu”, Thương chia sẻ.

thoi quen dan van phong anh 3

Thương thường xuyên phải kê thêm một chiếc gối ở lưng dưới để tạo cảm giác thoải mái hơn khi làm việc lâu. Ảnh: Quốc Toàn.

Trên thực tế, đây cũng là tư thế rất phổ biến của nhiều người làm việc trong môi trường văn phòng, phải ngồi trước máy tính lâu.

BS Thủy nhận định: “Trước hết, chúng ta cần thừa nhận phải có cảm giác thoải mái, nhiều người mới ngồi và kê gối sau lưng như vậy. Do đó, chưa phân định đúng hay sai, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định, việc làm này cũng mang lại giá trị tốt”.

Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng trong một số trường hợp, ghế làm việc trong nhiều văn phòng có thể không thực sự phù hợp với cơ thể của mỗi người. Nguyên nhân là để chọn được một chiếc ghế chuẩn cho mình, chúng ta phải rất cẩn thận khi cân nhắc các yếu tố như chiều cao, cân nặng, dáng người…

“Từ đó, chúng ta mới có thể tạo được một tư thế ngồi tốt nhất khi làm việc”, BS Thủy nhấn mạnh.

Cụ thể, vị chuyên gia cho biết khi ngồi đúng tư thế, mông và lưng của chúng ta phải áp sát vào phần dựa lưng ghế. Bởi vậy, bộ phận này của ghế cũng phải đảm bảo độ thẳng.

Trong khi đó, chiều cao ghế phải đảm bảo rằng khi ngồi, cẳng chân của chúng ta ở vị trí vuông góc với đùi. Tức chiều cao ghế phải tương đương với độ dài cẳng chân.

Ngoài ra, phần đệm ngồi của ghế làm việc cũng phải đủ êm và phẳng.

“Trong một số văn phòng, ghế ngồi của nhân viên đôi khi không thể đáp ứng những tiêu chuẩn đó. Bởi vậy, chúng ta buộc phải kê thêm gối. Tuy nhiên, việc kê gối phải đảm bảo theo đường cong sinh lý của cột sống”, ông khuyến cáo.

Trên thực tế, đa số dân văn phòng hiện nay kê gối chưa đúng với những tiêu chuẩn này. Điều này vô tình khiến nhiều người ngồi sai tư thế, từ đó đặt áp lực lớn lên mỗi đơn vị của thân cột sống, gia tăng nguy cơ thoái hóa cột sống.

Lý do chúng ta nên nằm nghiêng bên phải khi uống thuốc

Một thử nghiệm cho thấy nằm nghiêng về bên phải là tư thế tốt nhất để uống thuốc vì nó cho phép thuốc di chuyển vào phần sâu nhất của dạ dày.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm