Chị T.C. (46 tuổi, sống ở Dịch Vọng Hậu, Hà Nội) tâm sự người mẹ này phát hiện bé K. tự kỷ vào năm 4 tuổi. Chị đã đưa con đi khám, chữa trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và được bác sĩ kê đơn thuốc. Dùng thuốc do bác sĩ tư vấn, bệnh tự kỷ của con chị C. cải thiện một phần.
Ngày 2/3, bé K. có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. “Thời điểm mắc Covid-19 con tôi không tăng động hay có hành vi lạ nhưng khi khỏi bệnh bé thường xuyên nhảy múa, lắc lư từng cơn”, chị C. nói.
Đặc biệt, sau một tháng mắc Covid-19 bé K. xuất hiện các hành vi tiêu cực như cào cấu, la hét, tấn công người thân. Những ngày tiếp theo tần suất bé bộc phát hành vi bạo lực gia tăng.
Chị T.C. chia sẻ về bệnh tự kỷ của con trai. Ảnh: Minh Thúy. |
Trao đổi với Zing bên lề hội thảo “Vì con đặc biệt - hiểu về tự kỷ để yêu con đúng cách” sáng 9/4, tiến sĩ bác sĩ Tôn Nữ Vân Anh, Phó trưởng Khoa Nhi Thần Kinh tự kỷ Bệnh viện Trung ương Huế, nhận định trường hợp của bé K. có thể là biến chứng của Covid-19 gây tổn thương hệ thần kinh. Đây có thể là nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ khởi phát cơn co giật, thậm chí động kinh.
Bác sĩ cho biết thêm tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là một dạng rối loạn thần kinh não bộ gây ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp xã hội, ngôn ngữ, phát triển trí tuệ của trẻ.
Đến nay tự kỷ chưa xác định được căn nguyên. Khiếm khuyết về mặt di truyền có thể dẫn đến tự kỷ. Các nhà khoa học đã tìm ra hơn 100 gene ảnh hưởng đến rối loạn phổ tự kỷ đóng vai trò duy trì cấu trúc, chức năng não bộ.
Để phát hiện sớm trẻ tự kỷ phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu như bé chậm nói, mất năng lực ngôn ngữ, tiếp xúc mắt chậm, hành vi rập khuôn, hay nhại lời,… Gia đình có con tự kỷ cần cho trẻ can thiệp, chẩn đoán sớm trước 2-5 tuổi tại cơ sở y tế uy tín.