Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện tại Hà Nội tăng cao

Trong số các bệnh nhân phải nhập viện, một số trường hợp có diễn biến nặng, nguy kịch và phải thở máy dù còn khá trẻ.

Các báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) và Sở Y tế Hà Nội trong thời gian qua đều chỉ ra số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng nhanh, cao hơn nhiều lần thời điểm này năm trước.

Trong khi đó, ghi nhận tại một số bệnh viện tại Hà Nội, tiêu biểu là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng cũng tăng cao.

Nguy kịch vì sốt xuất huyết

Theo tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong tuần qua, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng, phải nhập viện tại khoa Cấp cứu, nhiều hơn tuần trước đó.

“Tuần trước, chúng tôi tiếp nhận 4 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Đáng tiếc, một trường hợp trong số này đã tử vong. 3 ca còn lại may mắn chuyển biến tích tích cực và đã được chuyển tới khoa điều trị nhẹ hơn”, ông cho hay.

Ở thời điểm hiện tại, khoa Cấp cứu có 4 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Trong đó, 2 trường hợp đang ở trạng thái nguy kịch, phải đặt ống nội khí quản dù còn khá trẻ.

ca sot xuat huyet tang anh 1

BS Thân Mạnh Hùng thăm khám cho người bệnh sốt xuất huyết nguy kịch. Ảnh: Văn Phong.

Bệnh nhân đầu tiên là nữ, 38 tuổi, nhập viện khi bệnh đang diễn biến ngày thứ 4. Bà có các triệu chứng gồm sốt cao, đau đầu, tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh.

“Trước đó, bệnh nhân tự điều trị tại nhà trong 2 ngày nhưng không đỡ. Sau đó, bà có thêm triệu chứng đau đầu, đau mỏi người, nôn nhiều, có lúc lơ mơ và được gia đình đưa tới bệnh viện”, BS Hùng thông tin.

Tại bệnh viện, người này bắt đầu xuất hiện tình trạng khó thở, thiếu máu, nghe phổi có tổn thương. Các bác sĩ đã nhanh chóng truyền dịch, sử dụng thuốc vận mạch cho bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh nhân này còn bị rối loạn đông máu khá nặng, chỉ số tiểu cầu chỉ còn 45, nhiễm acid máu nặng. Bà được cho thở oxy nhưng không hiệu quả. Do đó, các bác sĩ đã tiếp tục truyền máu, cho thở máy.

Hiện tại, tình trạng suy thận của bệnh nhân có xu hướng tăng nên được lọc máu liên tục để cân bằng toan kiềm, giải quyết vấn đề suy thận.

“Bệnh nhân này tiên lượng tương đối nặng nề. Hy vọng tình hình sẽ chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới”, BS Hùng chia sẻ.

Trường hợp nguy kịch khác là bệnh nhân nữ, 42 tuổi, trú tại Đan Phượng, Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện ngày thứ 6 của bệnh. Trường hợp này có tiền sử tiểu đường type 2, xuất hiện tình trạng đau đầu, đau mỏi người khi nhập viện.

Trước đó, bà cũng tự điều trị tại nhà trong 2 ngày đầu không đỡ nên tới khám ở bệnh viện địa phương trước khi được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Khi nhập viện, tình trạng bệnh nhân đã rất nặng, có hiện tượng ngừng tuần hoàn và may mắn cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có rối loạn đông máu nặng nề, suy đa tạng gồm gan, thận, hô hấp…

Chỉ số tiểu cầu của bệnh nhân chỉ còn 4. Bà cũng được xác định bị xuất huyết tiêu hóa, trong cơ và rối loạn đông máu nặng.

Hiện tại, các bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc vận mạch để nâng cao huyết áp, truyền chế phẩm máu và sử dụng dung dịch cao phân tử do bà có hiện tượng thoát dịch nhiều.

BS Hùng nhận định: “Giai đoạn này, tình trạng bệnh nhân còn rất bất ổn. Hy vọng trong 2-3 ngày tới, sức khỏe của bà sẽ ổn định hơn”.

Thời điểm nguy cơ diễn biến nặng

Theo BS Thân Mạnh Hùng, các yếu tố nặng trên bệnh nhân sốt xuất huyết cần theo dõi sát chỉ số sinh tồn để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo.

Ông nhấn mạnh: “Bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng thường từ ngày thứ 4. Lúc này, các bệnh nhân sẽ bị thoát huyết tương, tăng tính thấm thành mạch, dẫn đến nguy cơ có dấu hiệu cảnh báo cao, dễ đi vào sốc do virus Dengue”.

Vị chuyên gia cũng cho hay giai đoạn hiện tại là cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Trong khi với các địa phương ở khu vực phía Nam, dịch sốt xuất huyết có thể diễn ra gần như quanh năm, số ca mắc tại miền Bắc thường tăng cao trong thời gian mưa nhiều.

ca sot xuat huyet tang anh 2

Do khó phân biệt sốt xuất huyết với cúm hay Covid-19, người bệnh khi ho, sốt, đau mỏi người nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân. Ảnh minh họa: lux_graves.

Mặt khác, trong 2 năm qua, do tập trung chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết quay trở lại đã trở thành gánh nặng cho ngành y tế.

“Các bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng thường do cả yếu tố chủ quan và khách quan. Đó là thiên tai, thời tiết mưa nhiều, người dân chủ quan trong phòng bệnh, chậm tiếp cận các cơ sở y tế… Một số trường hợp lại nhầm lẫn sốt xuất huyết với cúm, Covid-19 do dấu hiệu cảnh báo không điển hình”, BS Hùng giải thích.

Từ đây, vị chuyên gia khuyến cáo trong bối cảnh hiện tại, khi chúng ta phải đối mặt với 3 dịch bệnh tại Hà Nội là Covid-19, cúm, sốt xuất huyết, các trường hợp có sốt, ho, đau mỏi người nên đến các cơ sở y tế để khám và chẩn đoán bệnh.

Sau khi chẩn đoán được căn nguyên gây sốt, các bệnh nhân sẽ được khuyến cáo và hướng dẫn phát hiện dấu hiệu theo dõi tại nhà. Mặt khác, các trường hợp diễn biến nặng sẽ được bác sĩ chỉ định nhập viện.

Về nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát thành dịch tại miền Bắc, BS Hùng nhận định điều này phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

“Ở miền Nam, sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm. Trong khi đó, miền Bắc thường chỉ có khoảng 4-5 tháng mưa nhiều kèm nóng ẩm. Đây là điều kiện tốt để muỗi có virus Dengue truyền bệnh và phát triển. Tuy nhiên, không thể chắc chắn sốt xuất huyết không bùng phát thành dịch tại miền Bắc nếu người dân không cảnh giác, đảm bảo các biện pháp phòng dịch”, BS Hùng nói.

Cứu 2 bệnh nhi sốt xuất huyết nặng thoát chết

Cả 2 bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue, mạch nhanh, sốt cao liên tục, suy đa tạng.

Cô gái trẻ tử vong sau khi tự ý mua thuốc điều trị sốt xuất huyết

Trước đó, bệnh nhân này có biểu hiện sốt cao và tự mua thuốc uống. Tuy nhiên, sau khi các triệu chứng giảm nhẹ, tình trạng bất ngờ chuyển biến xấu dẫn đến tử vong.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm