Ngày 20/8, trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết bệnh nhân P.V.T. (48 tuổi) đã tỉnh hoàn toàn. Ông T. là người bị rắn hổ mang chúa cắn, sau đó được chuyển từ Bệnh viện Tây Ninh xuống.
Theo bác sĩ Sang, sau khi sử dụng huyết thanh chống độc, sức cơ tứ chi bệnh nhân hồi phục tốt, mắt mở to.
Nạn nhân bị rắn hổ mang chúa cắn đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: H.P. |
Bệnh nhân đang tập ngưng sử dụng máy thở. Tuy nhiên trong 48 giờ tới, người này cần được theo dõi biến chứng về tim mạch vì nọc độc rắn có thể tấn công vào cơ tim dễ gây tử vong.
Bên cạnh đó, vết thương ở đùi bệnh nhân T. có nhiều nọc độc, dễ làm viêm và tổn thương các mô xung quanh gây nhiễm trùng tại chỗ.
“Sau khi xác định chính xác con rắn hổ mang chúa đã cắn bệnh nhân, các bác sĩ chọn phác đồ điều trị thích hợp và trả lại con vật cho người nhà”, bác sĩ Sang nói.
Bác sĩ Sang khuyến cáo nếu người dân không may bị rắn cắn, điều đầu tiên là cần hết sức bình tĩnh. Vị trí bị rắn cắn bất động nhằm tránh phát tán nhanh nọc độc ra cơ thể. Nạn nhân sau đó phải được chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, có bước xử lý tiếp theo.
Khoảng 7h30 ngày 19/8, ông P.V.T. đang làm vườn ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) thì phát hiện con rắn hổ mang chúa.
Ông T. đuổi theo bắt thì bị rắn cắn vào đùi bên phải. Nạn nhân chụp được đầu con rắn, tự buộc ga-rô và chạy nhanh ra đường nhờ người dân chuyển đi Bệnh viện Tây Ninh cấp cứu.
Người nhà bệnh nhân cho biết con rắn hổ mang chúa dài khoảng 2,5 m và nặng khoảng 4,5 kg. Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu, con rắn vẫn còn sống và quấn quanh khuỷu tay ông T.
Con rắn được các bác sĩ quấn băng keo quanh phần đầu tránh nguy hiểm trong lúc chuyển theo cùng ông T. từ Bệnh viện Tây Ninh xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chữa trị. Con rắn đã chết sau đó.