Trong giai đoạn 1, bến xe vận hành 24 tuyến từ Quảng Trị ra bắc. Giai đoạn tiếp theo, Bến xe Miền Đông mới mở cửa cho 85 tuyến vận tải hành khách cố định từ Thừa Thiên - Huế trở vào.
Khi hoạt động hết công suất, ước tính Bến xe Miền Đông mới phục vụ 7 triệu khách mỗi năm, tương đương 21.000 hành khách/ngày.
Bến xe Miền Đông mới hoạt động giai đoạn 1. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tại lễ khánh thành, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định Bến xe Miền Đông mới có ảnh hưởng tích cực đến đời sống người dân. "Việc hoàn thiện công trình Bến xe Miền Đông mới đem lại phấn khởi cho bà con. Đồng thời, chúng ta nhìn thấy một thành phố không ngừng phát triển từng ngày", ông Hoan nói.
Trong 3 tháng đầu, người dân có thể mua vé ủy thác tại Bến xe Miền Đông hiện hữu (ở quận Bình Thạnh) và được trung chuyển đến bến mới.
Để thuận tiện cho người dân, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM bố trí 3 tuyến buýt số 55, 67 và 76 khi bến xe đi vào khai thác.
"Giai đoạn 1, các công trình hạ tầng xung quanh vẫn đang hoàn thiện, các cầu vượt và sắp tới là hệ thống đường sắt. Ngoài ra, để đảm bảo hoạt động của bến, chúng tôi thành lập tổ theo dõi, chuyên xử lý các vấn đề còn tồn tại", ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nói và tin rằng Bến xe Miền Đông mới sẽ góp phần thúc đẩy nhiều chuỗi dịch vụ cho khu vực.
Sảnh chờ tại nhà ga trung tâm của Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trước đó, Bến xe Miền Đông mới ít nhất 5 lần lùi thời gian hoạt động vì vướng các thủ tục pháp lý như hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh và ảnh hưởng dịch Covid-19.
Dự án Bến xe Miền Đông mới là một khu phức hợp gồm bến xe chính kết hợp với nhiều dịch vụ tiện ích trên diện tích 16 ha. Mặt tiền bến xe nằm bên quốc lộ 1 và tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).