Bên trong 'thủ lĩnh tỷ đô' của sàn chứng khoán
Niêm yết gần 1,9 tỷ cổ phiếu vào tháng 5, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) thành "thủ lĩnh câu lạc bộ tỷ đô", vượt Vinamilk, Masan, Vingroup...
Sau khi niêm yết cổ phiếu, PV Gas là công ty có vốn chủ sở hữu và giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất, doanh thu và lợi nhuận cao nhất, sở hữu nhiều tiền mặt nhất.
“Vua tiền mặt”
Con số 1,8 tỷ USD doanh thu hợp nhất của PV Gas bằng tổng doanh thu của 3 đại gia Vietcombank, Vinamilk và Ngân hàng Á Châu xếp ngay sau cộng lại. Sau khi chào sàn, PV Gas gia nhập “hiệp hội” các doanh nghiệp (DN) có giá trị vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD.
Nhóm siêu công ty niêm yết này toàn những gương mặt đầu ngành quen thuộc: Masan Group và Vinamilk - giá trị vốn hóa khoảng 3,2 tỷ USD; Vietcombank và Vingroup - giá trị vốn hóa gần 3 tỷ USD; Vietinbank khoảng 2,3 tỷ USD. Chiếm tỷ trọng 11% vốn hóa tại HOSE, với giá trị công ty đạt 3,7 tỷ USD, PV Gas trở thành thủ lĩnh của nhóm “Câu lạc bộ tỷ đô”.
Không chỉ lớn về quy mô, các thông số kinh doanh chính của PV Gas cũng tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với các siêu công ty còn lại. Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2012 PV Gas là công ty duy nhất có doanh thu vượt 1 tỷ USD. Con số 1,8 tỷ USD doanh thu hợp nhất bằng tổng doanh thu của 3 đại gia Vietcombank, Vinamilk và Ngân hàng Á Châu xếp ngay sau cộng lại.
Về lợi nhuận, PV Gas càng một mình một chiếu khi con số lợi nhuận sau thuế 4.600 tỷ đồng gấp 1,7 lần so với Vinamilk đứng thứ hai. Nếu trong giai đoạn khủng hoảng, tiền mặt là vua thì chắc chắn PV Gas đang là “hoàng đế” giàu có nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
PV Gas trở thành "thủ lĩnh tỷ đô", vượt qua nhiều ông lớn khác như Masan, Vingroup, Vinamilk, Vietcombank, Vietinbank |
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VN Direct, trong số hơn 700 DN niêm yết, PV Gas sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất, lên tới gần 12.000 tỷ đồng - nhiều hơn 3.000 tỷ đồng so với Masan Group, công ty đứng thứ hai. Để tạm ứng cổ tức tiền mặt 10% đợt 1 năm 2012 sắp tới, “ông vua tiền mặt” này chi ra một lượng tiền mặt bằng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn FPT trong cả năm 2011.
Bảng cáo bạch niêm yết cho biết, hiện tại PV Gas đang là nhà cung cấp khí khô (sản phẩm khí thu được từ khí thiên nhiên, được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện và làm nguyên liệu cho các nhà máy hóa dầu để sản xuất phân đạm, methanol) duy nhất tại Việt Nam và cũng là nhà cung cấp khí hóa lỏng LPG (gas) số 1 trên thị trường.
Trong ngành khí, PV Gas là đơn vị duy nhất có hệ thống hậu cần vững chắc với việc đang vận hành 3 đường ống dẫn chính từ mỏ Bạch Hổ, Nam Côn Sơn và Malay Thổ Chu vào đất liền; vận hành 2 nhà máy xử lý khí (Dinh Cố và Nam Côn Sơn); sở hữu một cảng nhập LPG riêng tại Vũng Tàu. Đồng thời, PV Gas còn đang cung cấp lượng khí khô sản xuất 45% sản lượng điện, 30% sản lượng đạm toàn quốc.
Trong hội nghị về ngành khí năm ngoái, ông Nguyễn Trung Dân, thành viên HĐQT PV Gas, còn ước tính, nhờ ngành công nghiệp khí, ngành điện Việt Nam đã tiết kiệm được 10 tỷ USD khi sử dụng sản phẩm khí thay cho dầu DO.
Hiện nay, mối quan tâm về nguồn năng lượng sạch, ổn định, an toàn và chi phí thấp khiến gần đây nhu cầu tiêu thụ khí khô thiên nhiên của các nhà máy điện gia tăng. Khí thiên nhiên được các nhà máy nhiệt điện ưa thích sử dụng do nguồn cung ổn định, không gây ô nhiễm môi trường như than đá hay dầu diesel. Bên cạnh đó, giá khí tự nhiên trên mỗi đơn vị nhiệt lượng rẻ tương đối so với các nguồn năng lượng khác, ngoại trừ than. Vì vậy, nhu cầu sử dụng khí do PV Gas cung cấp tiếp tục tăng mạnh và đối tượng ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của PV Gas là các nhà sản xuất điện - đạm.
Chào sàn vào tháng 5 đúng lúc thị trường đi xuống vài tháng qua, GAS là một trong những cổ phiếu bluechip hiếm hoi đi ngược thị trường. Vị thế công ty vượt trội cộng với kết quả kinh doanh ấn tượng là thỏi nam châm khiến cổ phiếu GAS được khối ngoại săn đón kể từ khi lên sàn.
Từ ngày 31/8 vừa qua, GAS còn là cổ phiếu duy nhất được đưa vào danh mục chỉ số MSCI Frontier Index - Bộ chỉ số đại diện cho 98% vốn hóa của 31 thị trường cận biên tại 5 châu lục được cung cấp công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư cho hơn 5.000 định chế tài chính chuyên nghiệp trên thế giới. Xuất hiện trong bộ chỉ số này không phải là một danh hiệu cho PV Gas, mà cho thấy thủ lĩnh “Câu lạc bộ tỷ đô” ở thị trường chứng khoán Việt Nam đã tiếp cận gần nhất với các chuẩn mực đầu tư của giới tài chính quốc tế.
Chợ gas chỉ có một mình
Có vị thế độc quyền trong một ngành có rào cản gia nhập cao, PV Gas có thể quyết định giá bán khí cho các khách hàng.
Bất chấp khủng hoảng kinh tế kéo dài và khối các doanh nghiệp (DN) sản xuất lâm vào tình trạng đình đốn, 6 tháng đầu năm nay, PV Gas thông báo hoàn thành 78% kế hoạch năm dựa trên hai nhân tố thuận lợi cả giá bán và sản lượng khí cung ứng đều tăng.
Giới phân tích nhìn nhận mối quan tâm của các định chế nước ngoài dành PV Gas xuất phát từ lợi thế ngành và yếu tố độc quyền. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán BSC cho biết, xuất khẩu dầu thô đóng góp trung bình khoảng 25 - 30% ngân sách hằng năm và đóng góp 18 - 22% GDP cả nước. Do đặc thù của ngành dầu khí liên quan đến an ninh năng lượng của quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) được độc quyền trong chuỗi hoạt động liên quan tới dầu khí, từ khai thác, chế biến đến xuất khẩu dầu khí.
Chuỗi giá trị ngành dầu khí luôn khép kín nên có thể tối đa hóa lợi nhuận ở mỗi khâu. Nhánh khí là một ngành quan trọng và tiềm năng, có vị trí quan trọng đối với cả nền kinh tế vì phục vụ từ nhu cầu tiêu thụ ở khu vực khách hàng công nghiệp (điện, đạm, thép...) đến nhu cầu tiêu dùng thường nhật của hộ gia đình (khí gas).
Về cạnh tranh trong ngành khí, Công ty Chứng khoán Bản Việt đánh giá các yêu cầu về vốn, công nghệ cùng những quy định pháp lý nghiêm ngặt của Chính phủ Việt Nam đã dựng lên những rào cản đáng kể hạn chế sự thâm nhập từ bên ngoài. Rào cản gia nhập cao giúp PV Gas có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận tích cực do không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Ngoài ra, với vị thế độc quyền, PV Gas tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững hơn so với nhiều công ty khác.
Theo dự báo của PV Gas, ước tính đến năm 2015, riêng các nhà máy điện Việt Nam sẽ cần 16,3 tỷ mét khối khí thiên nhiên. Để đáp ứng nhu cầu tương lai của các nhà máy phát điện, dự kiến PV Gas phải tăng sản lượng lên ít nhất 14,7 tỷ m3 khí, tương đương tăng 50% so với sản lượng hiện nay.
Để giải quyết cân đối bài toán cung cầu, dự kiến bắt đầu từ năm 2015, PV Gas sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên. Một rào cản trong việc hội nhập quốc tế của PV Gas là giá bán khí cho nhiều nhà tiêu thụ nội địa chỉ bằng 30 - 50% so với mặt bằng giá quốc tế.
Cụ thể, giá khí thiên nhiên nhập khẩu thường các công ty ngành khí nội địa tính bằng 15% giá dầu thô cộng các chi phí vận chuyển về Việt Nam (khoảng 2,5 USD/MMBTU, MMBTU - một triệu đơn vị nhiệt trị Anh). Với mức giá dầu thô dao động quanh ngưỡng 100 USD/thùng như hiện nay thì giá thành khí thiên nhiên nhập khẩu về Việt Nam vào khoảng 17,5 USD/MMBTU.
Trong khi đó, sau nhiều lần tăng giá, đầu năm 2012, giá khí PV Gas bán cho công ty con - Công ty CP Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV GasD) chỉ 8,35 USD/MMBTU, thấp hơn 50% so với giá thành nhập khẩu. Các công ty sản xuất điện, đạm thậm chí mua khí của PV Gas với mức giá còn thấp nữa.
Nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch này, từ năm ngoái PV Gas xác định lộ trình tăng giá khí từng năm. Theo đó, vào năm 2014, giá bán khí nội địa sẽ tiệm cận với mức giá quốc tế. Một mình một chợ, có vị thế độc quyền trong một ngành có rào cản gia nhập cao, PV Gas có thể quyết định giá bán khí cho các khách hàng. Đơn cử, mới đây, ngày 23/8, PV Gas ra Quyết định 102/NQ-KVN tăng giá bán khí cho PV GasD từ 8,35 lên 10,55 USD/MMBTU. Điều đáng chú ý là quyết định này được hồi tố có hiệu lực với giá khí PV GasD đã mua của PV Gas bắt đầu từ ngày 1/4/2012.
Về quyết định này, bà Đinh Thị Như Hoa, chuyên viên phân tích ngành năng lượng của Công ty Chứng khoán Bản Việt, ước tính lợi nhuận 6 tháng của PV GasD bị hồi tố, sụt giảm mạnh từ mức 383 tỷ đồng đã công bố về 208 tỷ đồng!
Giá gas vẫn nóng?
Tại thị trường gas, PV Gas đã chiếm tới 70-80% thị phần nhưng sức mạnh độc quyền của nhà gas này không làm giá gas bớt nhảy múa. Mặc dù các nhà sản xuất đang là khách hàng lớn nhất đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho PV Gas, nhưng sản phẩm khí LPG (gas) của PV Gas mới được đông đảo dư luận quan tâm. Lý do là từ đầu năm tới nay, mỗi lần giá dầu thô tăng cao đã kéo giá gas quốc tế biến thiên cùng chiều. Ngay lập tức, giá gas trong nước thực hiện các cú bật... santo về giá.
Lần nào cũng như lần nào, các nhà cung cấp đầu mối lặp lại điệp khúc việc tăng giá bất khả kháng do nguồn cung trong nước thiết hụt, giá thế giới tăng mạnh, việc bán lẻ của các cửa hàng kinh doanh gas không thể kiểm soát nên mỗi nơi nâng giá một khác.
Như đã đề cập ở trên, giá bán khí của PV Gas hiện nay cho nhiều khách hàng vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá quốc tế và có lộ trình tăng rõ ràng.
Trong thực tế, lượng gas sản xuất nội địa hiện nay đến từ nguồn chính là Dinh Cố và Dung Quất. Sản lượng cung ứng khoảng 640.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ gas trong nước, đủ khả năng bình ổn giá. Tuy nhiên, trong các cơn sốt, giá gas được nâng vô tội vạ, mạnh ai nấy làm... theo tham chiếu giá quốc tế.
Về khả năng bình ổn thị trường gas, giới phân tích am hiểu thị trường cho biết việc này không dễ thực hiện. Về lý thuyết nguồn cung trong nước đáp ứng được 1/2 nhu cầu nhưng hiện nay Petro Vietnam chỉ đem một phần ra đấu giá công khai, phần còn lại ưu tiên sử dụng cho các công ty thành viên. Về điều này, ông Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, nhận định, về nguyên tắc, một công ty chiếm 30% thị phần đã được gọi là độc quyền.
Còn tại thị trường gas, PV Gas đã chiếm tới 70 - 80% thị phần. Vì vậy, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, Nhà nước cần mở rộng đối tượng tham gia, không nên để một vài công ty đầu mối chi phối thị trường.
Cũng cần nói rằng, người sử dụng gas tại Việt Nam chịu sự nâng giá vô tội vạ mỗi khi giá dầu tăng còn vì hệ thống cung ứng manh mún qua nhiều đại lý trung gian, mỗi khâu nâng một thang giá. Trên thế giới, việc xây dựng hệ thống cung cấp khí (gas) đầu mối trong sinh hoạt đã thực hiện từ rất lâu. Cụ thể, tại EU, mạng lưới gas đô thị đầu tiên được xây dựng cách đây hai thế kỷ.
Nhiều nước trong châu Á đã thực hiện điều này từ rất sớm, như Nhật Bản vào năm 1885; Singapore vào năm 1862; Hàn Quốc vào năm 1950; trong khi đó, tại Việt Nam, hệ thống cung ứng gas đô thị chỉ manh nha bắt đầu cách đây khoảng 10 năm ở một số khu đô thị mới như Mỹ Đình (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (TP.HCM)...
Theo dự báo của PV Gas, đến năm 2015, dung lượng thị trường gas tiêu dùng sẽ tăng 50% so với năm 2011. PV Gas cho biết cũng đang nghiên cứu lắp đặt đường ống tại các đô thị lớn và dự kiến đến năm 2025 mới cơ bản hoàn thành.
Với cột mốc này, lộ trình tăng giá khí đã đặt trên bệ phóng, thị trường gas thứ cấp còn manh mún, chính sách quản lý còn bất cập, giá trong nước chắc chắn tiếp tục “nóng” lên mỗi khi giá dầu thô thế giới tăng mạnh.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn