Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bên trong mỏ 'kim cương máu' lớn nhất thế giới của Nga

Hổ phách được mệnh danh như “kim cương máu” của Nga, mang lại “lộc lá” cũng như bất hạnh cho vô số thợ thủ công, thợ kim hoàn, lái buôn.

Kaliningrad là một dải đất của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania trên biển Baltic. Đây là đại bản doanh của nhà máy hổ phách Kaliningrad, công ty khai thác và gia công hổ phách công nghiệp duy nhất còn lại trên thế giới. 90% hổ phách trên toàn thế giới bắt nguồn từ khu vực này.

Hổ phách vốn là phần nhựa của một loài thông cổ chảy ra phía ngoài thân cây, hoặc chảy vào phần rỗng bên trong của những cây lớn. Phần nhựa này có mùi hương thơm rất quyến rũ, nên thường thu hút các loại côn trùng lại gần. 

Phần nhựa thông này bị vùi lấp trong lòng đất hoặc băng tuyết qua hàng triệu năm. Chúng hóa thạch và trở thành những khối vật chất đặc biệt mang theo lá cây, cỏ hoặc côn trùng bên trong. Hổ phách thông thường có màu sắc là màu vàng của vàng kim loại.

Một phụ nữ tìm hổ phách dạt vào bờ biển Baltic tại Kaliningrad.
Một phụ nữ tìm hổ phách dạt vào bờ biển Baltic tại Kaliningrad. Ảnh: Denis Sinyakov.

Giá trị của hổ phách được ghi nhận trong lịch sử thế giới qua câu chuyện vua nước Phổ tặng cho Nga Sa hoàng một căn phòng trang trí toàn bộ bằng hổ phách vào đầu thế kỷ 18.

Căn phòng này từng được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới, được trang trí hoàn toàn bằng những bức tường hổ phách, gương và đá quý. 

Căn phòng hổ phách được đặt trong Cung điện Catherine, tên hoàng hậu của Peter Đại đế. Nó nằm ở ngoại ô Leningrad, nay là Saint Petersburg.

Năm 1941, Đức Quốc Xã xâm chiếm Leningrad và tháo dỡ toàn bộ căn phòng mang về Đức. Mọi vết tích đã bị xóa sạch, biến nó trở thành một kho báu bí ẩn của nhân loại.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, hổ phách được mệnh danh như “kim cương máu” của Nga, mang lại “lộc lá” cũng như bất hạnh cho vô số thợ thủ công, thợ kim hoàn, lái buôn.

Thợ khai thác dùng một ống xả lớn để tìm đá quý ở đáy đầm bùn. Áp lực trong ống đẩy nước ộc lên ở đầm bên cạnh, xục từ dưới đáy đầm lên một lớp “đất xanh”, lớp đất có niên đại khoảng 50 triệu năm, chứa hổ phách.

Một viên hổ phách lớn có giá trị gần bằng một thỏi vàng có cùng trọng lượng. Giá hổ phách tùy thuộc vào màu sắc và độ trong suốt, các vết nứt, bong bóng khí bên trong, cũng như hóa thạch của côn trùng, bò sát.

Thợ khai thác “chui” tìm hổ phách gần làng Khabarovo, Kaliningrad.
Thợ khai thác chui tìm hổ phách gần làng Khabarovo, Kaliningrad. Ảnh: Denis Sinyakov.

Đây không phải là khu mỏ khai thác hổ phách duy nhất. Lớp đất xanh có độ dày đa dạng, từ vài cm tới vài m, nằm dọc theo đường bờ biển, chạy vòng Kaliningrad.

Thứ của báu trời cho này thu hút vô số người dân bản địa lao vào thử vận may. Trung bình cứ 3 cư dân địa phương thì có 1 người đi đào hổ phách.

Luật pháp lỏng lẻo khiến những người thợ trái phép có cơ hội “hành nghề”. Nếu tìm được một viên đá chất lượng cao và bán trót lọt, họ có thể bỏ túi 4.000 USD. Nếu không may bị bắt, họ chỉ phải nộp phạt gần 6 USD.

Rất nhiều thợ đào phải chịu đựng các triệu chứng bệnh nghề nghiệp, vì ngâm mình lâu trong nước lạnh như đau lưng, suy thận. Vào những ngày xui xẻo, các đầm gần biển có thể lún sụt, hút theo sinh mạng hàng chục thợ đào.

Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, mỗi thợ khai thác hổ phách trái phép tại đây có thể kiếm 2.000-3.000 USD mỗi tháng, một khoản thu nhập lớn so với mức sống trung bình. Người dân truyền nhau câu chuyện về một thanh niên may mắn tìm được 300 kg hổ phách ngay trong ngày đầu đi đào, anh bán nó và bỏ túi 33.000 USD.

Tuy nhiên, chi phí bỏ ra để đào hổ phách không phải là rẻ, dù chỉ là một số biện pháp bảo hộ thô sơ nhất. Theo ước tính của những người thợ, một đêm đào hổ phách tại mỏ có chi phí 1.000 USD. Chi phí khai thác vào tháng cao điểm có thể lên tới 55.000 USD.

Xưởng chế biến hổ phách trong nhà máy Kaliningrad.
Xưởng chế biến hổ phách trong nhà máy Kaliningrad. Ảnh: Denis Sinyakov.

Thời Trung Cổ, hổ phách thường được dùng để xâu chuỗi hạt, tạc thành quân cờ, nạm hộp nữ trang và tượng.

Ngoài ra, thứ đá quý này còn được trộn vào nguyên liệu sản xuất kính lúp. Kính lúp hổ phách tụ nhiệt gây cháy nhanh hơn kính lúp thường.

Sơn làm từ hổ phách được dùng để đánh bóng nhạc cụ. Bột hổ phách được dùng trong y khoa, chữa trị các vết thương hở miệng. Vòng cổ hổ phách được cho là có tác dụng ngăn ngừa viêm họng và bệnh tuyến giáp.

Ngoài màu vàng rực, hổ phách còn có nhiều sắc độ khác. Ví dụ tại Cộng hòa Dominica, người ta tìm thấy hổ phách xanh lá và lam. Hổ phách đỏ rực và tím vừa xuất hiện trở lại tại Burma, Sicily, Lebanon, Ukraine và vùng Baltic.

Riêng tại Kaliningrad, có tổng cộng hơn 250 sắc độ của hổ phách, từ trong suốt tới trắng đục, từ nâu mật ong đổ dần về đen.

Sau khi Liên Xô tan rã, nhà máy được chuyển về tay Bộ Tài chính Nga. Năm 2004, CEO mới, ông Viktor Bogdan, độc quyền hóa nguồn cung hổ phách thô tại Nga, Lithuania và Ba Lan, nơi đặt hầu hết các nhà máy chế biến của thế giới.  

Chuyện nghề li kỳ của Bogdan, người được mệnh danh là “ông hoàng hổ phách”, có thể viết được thành tiểu thuyết. Có tin đồn rằng, ông cầm đầu cả một băng xã hội đen, mua các mảnh đất có “đất xanh”, sản xuất đồ trang sức nạm hổ phách giả và đánh cắp hàng tấn hổ phách.

Bogdan hiện đang bị Ba Lan xem xét trục xuất, vì tình nghi trốn 6,7 triệu USD tiền thuế.

Một phụ nữ làm việc trong xưởng trang sức tại làng Yantarny, Kaliningrad.
Một phụ nữ làm việc trong xưởng trang sức tại làng Yantarny, Kaliningrad. Ảnh: Denis Sinyakov.

Bắt đầu từ tháng 12/2013, nhà máy “bế quan tỏa cảng”, chỉ bán hổ phách trong Liên bang Nga, CEO hiện giờ, ông Mikhail Zatsepin, cho biết.

Tuy nhiên, hổ phách thô của Nga vẫn tìm đường ra nước ngoài, nhưng không phải vào các nước Baltic mà thay vào đó là Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia trong ngành thừa nhận, nhà máy bán hầu hết sản phẩm cho các công ty tại Moscow. Những doanh nghiệp này sau đó bán lại hổ phách cho Trung Quốc.

Công đoàn nhà máy tỏ ra bức xúc với sự minh bạch trong khâu phân phối sản phẩm. Tháng 6/2014, một số công nhân trong ngành đã xuống đường biểu tình.

Vì đâu kim cương có giá đắt đỏ?

Chi phí khai thác đắt đỏ, ảnh hưởng của độc quyền và những vấn đề liên quan đến tính hợp pháp của loại đá quý này khiến chúng luôn có giá cao ngất ngưởng.

http://bizlive.vn/song/ben-trong-mo-kim-cuong-mau-lon-nhat-the-gioi-cua-nga-1031549.html

Theo Lề Phương/Diễn Đàn Đầu Tư

Bạn có thể quan tâm