Bên trong dự án treo 14 năm liên quan đến rapper Tiến Đạt
Thứ tư, 12/9/2018 10:00 (GMT+7)
10:00 12/9/2018
Sau 14 năm triển khai, dự án khu dân cư rộng 120 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM mới giải phóng được một phần mặt bằng, nhiều hộ dân chưa dời đi vì giá đền bù quá thấp.
Dự án Khu dân cư tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 có diện tích 120 ha đã được UBND TP.HCM quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong cách đây hơn 14 năm, vào tháng 6/2004.
Khu vực này được đánh giá rất thuận lợi về giao thông, là cửa ngõ chính của phía đông của TP.HCM, từ đây kết nối với đại lộ Mai Chí Thọ đi qua bán đảo Thủ Thiêm, vào trung tâm thành phố. Một phần khu đất nằm bên sông Sài Gòn, đối diện Khu chế xuất Tân Thuận, cách trung tâm hành chính quận 2 khoảng gần 3 km.
Cầu Phú Mỹ cũng giúp kết nối dễ dàng từ quận 2 sang quận 7 và ngược lại. TP.HCM kỳ vọng sẽ xây dựng ở đây một khu trung tâm đô thị lớn tập trung. Các khu nhà ở cao tầng được bố trí trên các lô đất giáp hai bên chân cầu Phú Mỹ và đường vành đai ngoài phía Đông, xung quanh các khu trung tâm đô thị của khu vực này. Chưa kể đây là một trong những khu đất rộng ít ỏi còn sót lại nằm ngay cạnh sông Sài Gòn và gần trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, sau khi được tạm giao đất, Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong không thể triển khai dự án. Doanh nghiệp này sau đó đề nghị góp vốn cùng 2 đơn vị khác, thành lập Công ty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi, do bà Lưu Thị Tuyết Mai, nhà sáng lập và CEO của Mesa Group, là đại diện pháp luật, để triển khai. Thế nhưng, thời điểm này, chủ đầu tư mới chỉ san lấp một phần diện tích nhỏ nằm dọc đường Võ Chí Công, dẫn lên bờ bắc cầu Phú Mỹ.
Tháng 5/2018, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B của Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi. Dự án được chia thành 10 phân khu khác nhau, với tổng diện tích lần này là 147 ha.
Đến tháng 9, dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc san lấp mặt bằng ở khu vực dự kiến dành cho tái định cư.
Dọc dài theo chân cầu Phú Mỹ đã dựng hàng rào nhưng có bảng tên công trình ở các cổng.
Tuy nhiên, tại khu vực này, có một số gia đình không chấp nhận giá đền bù quá thấp mà chủ đầu tư và chính quyền đưa ra. Số khác đã đồng ý giải tỏa, chấp nhận đổi đất trong dự án nhưng vẫn còn giữ lại kinh doanh trong các căn nhà lá hoặc bỏ trống thời gian qua.
Trong đó có khu đất rộng 2.441 m2 của gia đình nghệ sỹ Tiến Đạt mua năm 2001 nằm ngay ven đường dẫn lên cầu Phú Mỹ cùng hàng trăm m2 của một gia đình khác đang là hồ nước với cọc cắm ranh giới xung quanh. Rapper Tiến Đạt cho biết gia đình anh và các hộ dân ở đây cảm thấy “không chút thỏa đáng với giá đền bù”.
“Chủ đầu tư chỉ trả mức giá đền bù bèo bọt, khoảng 1,5 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp, và 8 triệu đồng/m2 với đất thổ cư, trong khi giá giao dịch thị trường cả gần trăm triệu đồng/m2 đất.
Với số tiền nhận được, làm sao chúng tôi mua được đất ở chỗ khác để sinh sống”, rapper Tiến Đạt nói.
Căn nhà của anh Nguyễn Văn Nè nằm trong diện tích đất 200 m2 của mình vừa chấp nhận đổi đất lấy nền tái định cư. Do chủ đầu tư san nền làm nhà bị thấp, thường xuyên bị nước ngập nên gia đình anh phải chuyển đi chỗ khác sống, để lại căn nhà trống và chờ được cấp mới đất nhưng chưa biết tới khi nào.
Nằm sâu trong khu vực rừng cây dại là những lô đất của nhiều gia đình chưa chấp nhận giá đền bù. Họ cắm cọc bê tông cùng dây thép gai để phân ranh giới với đất chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng, san nền.
Cách khu đất của gia đình rapper Tiến Đạt
khoảng vài chục mét là hàng trăm căn nhà thoắt ẩn thoắt hiện giữa những lùm cây cối um tùm trong dự án.
Nhiều hộ gia đình chấp nhận giao đất nhưng phải chờ chưa biết khi nào nhận nền tái định cư nên dựng tạm những căn nhà tranh để ở và chăn nuôi.
Cả khu phố 4, phường Thạnh Mỹ Lợi có khoảng 200 hộ nhưng người còn người đã bỏ đi nơi khác.
"Dự án quy hoạch treo đã 14 năm qua, người dân làm nông giờ cũng không được, công việc bấp bênh. Nhà cửa không được xây sửa, nhiều người chờ hết nổi phải đi nơi khác sống. Số còn lại không chấp nhận vì giá đền bù đất thổ cư chỉ từ 8,5 triệu/m2, cách khu phố hơn 2 km nằm ngoài giá đã hàng trăm triệu đồng rồi", ông Nguyễn Thanh Đức ngậm ngùi cho hay.
Các hộ dân khu phố 4 cũng cho biết thêm, ngoài hàng chục căn nhà, đất tư nhân mua với giá khoảng 35 triệu/m2 được giữ nguyên hoặc cho thuê trọ, có hàng chục căn khác chủ đầu tư mua lại và tiến hành đập bỏ nhiều hạng mục của kết cấu nhà.
Những căn quá cũ, xuống cấp bị bỏ hoang sau khi chủ rời đi nơi khác sống. Anh Nguyễn Hoàng Nghĩa, tổ trưởng tổ 48, cho biết một số hộ quyết tâm chờ đến thời điểm có nền sẵn trong dự án mới giao giấy tờ cho chủ đầu tư. "Hiện trạng dự án sau 14 năm như vậy, việc giải tỏa mặt bằng chưa đến đâu thì ai dám giao giấy tờ để rồi lại đi ở trọ biết đến bao giờ", anh này cho hay.
Quy hoạch các phân khu của khu vực Thạnh Mỹ Lợi
B.
Phối cảnh khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi trong tương lai.
Thông tin với Zing.vn, ông Đoàn Phước Lượng, Phó chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi, thừa nhận việc triển khai dự án khu dân cư trên địa bàn còn chậm. Vị này cho biết hiện mới chỉ có 80% hộ dân đã đồng ý phương án bồi thường giải tỏa, còn lại khoảng 20% hộ vẫn chưa giải tỏa hết.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, để phát triển bền vững một sự án bất động sản thì phải cân bằng lợi ích của các chủ thể liên quan. Bốn chủ thể được ông kể ra là người dân có đất, chủ đầu tư, khách hàng và Nhà nước. Ông Châu cũng nhấn mạnh dù dự án nào đi nữa thì phải đảm bảo quyền lợi thỏa đáng của người dân. Khi người dân không đồng thuận đền bù thì cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Điều này giống với vụ việc đã xảy ra ở Thủ Thiêm.
Trao đổi với Zing.vn, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết sẽ yêu cầu UBND quận 2 báo cáo cụ thể, chi tiết về dự án rộng 120 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi và việc đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân tại đây.
Sau 14 năm triển khai, người dân nằm trong dự án khu dân cư rộng 120 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 vẫn chưa di dời vì đền bù quá thấp. Người dân cố bám trụ với vô vàn khó khăn
Các chuyên gia nhận định quan điểm thận trọng của Fed về kế hoạch điều hành chính sách năm 2025 sẽ gây sức ép lên tỷ giá USD/VND và kích thích làn sóng bán ra của nhà đầu tư.