Đại công trường Airbus
Là đơn vị sản xuất một nửa số máy bay phản lực vận chuyển hành khách của thế giới, thiết lập mạng lưới hoạt động trên khắp châu Âu, Tập đoàn Airbus không chỉ là “xương sống” của nền kinh tế châu Âu, mà còn là một thành tựu lẫy lừng trong ngành hàng không về sản xuất công nghệ cao với những dòng sản phẩm vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa có sức tải lớn. Airbus cũng là nơi ra đời máy bay Concord với phần mềm điều khiển tự động (Fly-by-Wire).
Tiếp chúng tôi tại Hội sở Trung tâm (Airbus Center Entyti), ông Alan Pardoe, Giám đốc truyền thông Tập đoàn, tự hào cho biết: Hiện Airbus sử dụng khoảng 65.000 nhân công tại 16 địa điểm ở 4 quốc gia khối Liên minh châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và hàng triệu việc làm của 2.000 cơ sở vệ tinh trên khắp thế giới.
Máy bay A350 – 900 đang thử nghiệm sản xuất. |
Mỗi năm sản phẩm của Airbus vận chuyển 3,3 tỷ hành khách; 51,7 triệu tấn hàng hóa; đóng góp 2.200 tỷ GDP toàn cầu. Các linh kiện, cấu phần đồ sộ của máy bay được lắp ráp và xuất xưởng tại Toulouse (Pháp), Hamburg (Đức), Seville (Tây Ban Nha).
Theo ông Fabrice Espinosa, Giám đốc bán hàng khu vực châu Á, đến nay tập đoàn đã nhận 14.500 đơn vị đặt hàng, chuyển giao 8.600 sản phẩm cho các hãng hàng không, thực hiện 25.000 chuyến bay mỗi ngày. “Để dễ hình dung, quý vị cứ liên tưởng cứ mỗi 2 giây thì có một chiếc máy bay mang số hiệu Airbus cất cánh hoặc hạ cánh trên toàn thế giới. Mỗi tháng chúng tôi xuất xưởng 42 tàu nhưng không kịp giao theo hợp đồng của khách hàng. Về sản xuất, năm 2014 Airbus chiếm 53% thị phần thế giới, Boeing chiếm 47%”, ông Espinosa nhấn mạnh.
Rất khó để đi hết khuôn viên sản xuất rộng đến 750ha của Airbus Industrie. Để xuất xưởng một chiếc Airbus, công đoạn đầu tiên là kết nối thân, cánh, động cơ, sau đó là lắp càng hạ cánh, buồng lái, các thiết bị điện, điện tử và hệ thống dẫn đường, cuối cùng là lắp đuôi, cánh lái...
Một góc công trường sản xuất máy bay. |
Mỗi xưởng có thể lắp ráp 2 máy bay cùng lúc, sau đó mang máy bay ra khu thử nghiệm nạp nhiên liệu, điều chỉnh các thông số. Hoàn chỉnh xong, tàu bay có thể cất cánh bay về nhà máy ở Frankfurt (Đức) để lắp ghế ngồi. Sau đó máy bay quay lại Toulouse sơn, bay thử lần cuối cùng trước khi chuyển giao cho khách hàng.
Tất cả quy trình này đối với loại máy bay thương mại thông dụng A320-A321 phải thực hiện trong vòng 1 tháng. Riêng loại máy bay mới hiện đại, 2 tầng A380 (4 động cơ, cánh đôi, có sức chứa 555-840 hành khách), ngoài khâu lắp ráp thân, cánh phải mất 6 tuần thử nghiệm các thiết bị nên phải mất 9 tuần mới xuất xưởng.
Đối tác chiến lược
Mối quan hệ của Airbus với Việt Nam bắt đầu tư năm 1991 với đội bay A310 Vietnam Airlines thuê lại từ Công ty Regionnair. Việt Nam Airlines hiện đang khai thác 60 máy bay Airbus các loại mà hãng sở hữu hoặc thuê lại. Năm 2008, Jetstar Pacific cũng nhập cuộc, trở thành nhà khai thác dịch vụ hàng không mới bằng máy bay Airbus, đang sử dụng 6 chiếc A320 trên các đường bay giá rẻ trong nước.
Do hiệu quả kinh tế từ Airbus (tiết kiệm 15% nhiên liệu so với máy bay cùng loại Boeing 737, bay xa hơn), tháng 12/2011, hãng hàng không giá rẻ VietJet Air quyết định khai thác toàn bộ đội bay bằng máy bay Airbus. Ngày 25/9/2013, tại Paris, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, VietJet Air và Airbus đã tổ chức lễ ký kết đặt hàng, mua 92 máy bay A320, A321 với tổng giá trị lên đến 9,2 tỷ USD. Dự kiến chiếc máy bay đầu tiên đặt mua sẽ được Airbus giao cho Vietjet Air vào tháng 11/2014.
Để trở thành đối tác chiến lược của 365 hãng hàng không trên toàn thế giới, Airbus đã ghi những dấu ấn nổi bật. Hãng đã sản xuất máy bay vận chuyển hành khách siêu thanh Concord đầu tiên, đưa ra thị trường loại máy bay chở khách điều khiển điện tử tự động (Fly-by-Wire) đầu tiên (A320); sản xuất máy bay chở khách lớn nhất thế giới đầu tiên (A380). A380 là sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao vì sức chở lớn nhưng tiết kiệm nhiên liệu do dùng các vật liệu mới.
Sự ra đời của A380 đã làm đảo lộn dịch vụ hàng không trên thế giới: Phải xây dựng nhà ga đón khách, đường băng, đường hạ cất cánh mới... Chưa dừng lại ở đó, hiện Airbus đang thử nghiệm loại máy bay mới A350-2 động cơ, cánh đôi, có sức chứa 250-300 hành khách.