Ở Hollywood, ai cũng có một kịch bản dang dở. Ở khu vực vịnh San Francisco, ai cũng có một công ty công nghệ đang trong giai đoạn “trước vòng gọi vốn” (pre-Series A) và hoạt động dưới “chế độ tàng hình” (nghĩa là họ có ý tưởng nhưng không có tiền triển khai, và đang trong thời kỳ bí mật hình thành nhưng thật ra rất muốn công khai).
***
Giữa những con đường cao tốc chằng chịt như mạng nhện và những căn nhà kho cáu bẩn là tòa cao ốc chung cư phức hợp mới toanh, sáng bóng. Ngôi nhà mới của tôi nằm đâu đó trong này. Tôi xách hành lý đến cửa trước, thấy một dòng chữ khơi dậy sự tò mò: "SỐNG/ LÀM VIỆC". Tôi đoán đây là dòng mô tả chức năng của cái nơi này, ý nói đây là một khu nhà ở vừa để sống vừa để làm việc, nhưng dòng chữ ấy cứ như một mệnh lệnh.
Sống, làm việc. Chúng ta còn làm gì khác ngoài làm việc cho đến khi cái chết trờ tới? Hoặc có lẽ, dòng chữ này ám chỉ đến một sự lựa chọn. Có người chọn sống, có người chọn làm việc. Nơi này, tôi gọi là Hacker Condo (tạm dịch: Căn hộ tin tặc), là nơi ở tốt nhất tôi có thể tìm thấy trong một thời gian ngắn.
Cũng như nhiều người vừa đến Vùng Vịnh, tôi đành phải dựa vào ứng dụng cho thuê căn hộ ngắn hạn Airbnb. Chỉ 85 USD một đêm, nơi này rẻ hơn so với thị trường chung, nhưng vẫn cao hơn khả năng tài chính của tôi. Lạc quan mà nói, nó nằm trong khu được các nhà bất động sản gọi là South of Market Street (SoMa) - một khu láng giềng luôn dẫn đầu xu hướng và rất thích hợp với mục đích vừa viết báo vừa khởi nghiệp của tôi.
Từng là khu gia công sản xuất giá rẻ, SoMa giờ đã trở thành nơi thích hợp cho các công ty khởi nghiệp đang tìm kiếm những văn phòng không gian mở theo lối industrial-chic (nội thất công nghiệp), dù cho những người nghèo và vô gia cư vẫn còn sót lại.
Tờ quảng cáo cho Hacker Condo rõ ràng được thiết kế để hút dân công nghệ: “Chúng tôi chào đón những doanh nhân khởi nghiệp nghiêm túc với nhiều tâm huyết đến đây để mở rộng mạng lưới”. Hoàn hảo. Điều tuyệt nhất là: “Không dùng giường hai tầng”.
Tôi nói với chủ nhà, Brody và Mike, rằng tôi là doanh nhân khởi nghiệp “giai đoạn phôi thai”, đồng thời là nhà văn. Vừa nói tôi vừa đưa tấm hình cười tươi như hoa với số tiền cọc không thiếu một xu, tôi dễ dàng vượt qua cuộc phỏng vấn. Brody và Mike không phải là chủ căn nhà này. Tôi đã tìm hiểu.
Hóa ra, nơi này thuộc về một tay người châu Âu nào đó đang dành phần lớn thời gian lướt sóng trong những khu nghỉ dưỡng cao cấp và nhúng tay vào ngành công nghệ như một trò tiêu khiển. Vì thế, có thể nói hợp đồng cho thuê này khá mập mờ.
Những tay hacker sống trong căn nhà này đều là những người nhập cư hoặc con cái của người nhập cư, và vì thế, họ đã quen với việc bị lừa gạt. Họ cũng quá bận rộn để làm ầm ĩ. Họ thậm chí chẳng muốn ngưng việc lại để uống một cốc nước. Việc văn phòng luôn theo họ về nhà. Họ luôn ao ước được gọi là những doanh nhân khởi nghiệp chớm nở, nhưng thực chất chỉ là dân lao động nhập cư với những chiếc MacBook Pro.
Cũng như hàng nghìn công nhân công nghệ khác, mấy gã từ nước ngoài đến đây nằm trong diện Visa đi làm H-1B dành cho “nghề nghiệp đặc biệt”. Họ giống tôi ở chỗ, mỗi người đều có một ý tưởng khởi nghiệp. Nhưng không như tôi, gã nào cũng được đào tạo bài bản, có những kỹ năng thiết yếu trong xã hội hiện nay, và ngày nào đó, bọn họ sẽ hái ra tiền.
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images. |
Thế giới bên ngoài bong bóng khởi nghiệp công nghệ rất đáng sợ và khó lường. Bên trong cái bong bóng ấy, người ta thấy an toàn. “Vui vẻ” dường như là từ bắt buộc phải có trong thế giới công nghệ tại Thung lũng Silicon, và say xỉn lúc nào cũng được khuyến khích mạnh mẽ.
Chẳng hạn như quầy bar ở Yelp, có đến ba thùng bia tươi và một dãy rượu với thứ rượu mạnh hảo hạng. Đây không phải quầy bar tạm thời dành riêng cho các vị khách vinh dự, mà là một phần cố định trong không gian văn phòng của công ty này.
Rồi còn quán Yelp Café, chỉ dành riêng cho nhân viên, được đánh giá đến năm sao… trên website Yelp.
“Có vẻ như tôi sẽ không bao giờ rời khỏi văn phòng của mình!”, một người bình luận viết như thế. Quả là một ý tưởng tuyệt vời để giữ nhân viên ở lại làm việc mãi mãi.